Lái ô tô lưu thông trong các tuyến đường nội đô đông đúc, luôn là một thử thách với các “tài mới”. Vì vậy, việc nắm vững kiến thức giao thông, đồng thời áp dụng lời khuyên được đúc kết từ trải nghiệm thực tế của các lái xe có kinh nghiệm... sẽ giúp các “tài mới” đảm bảo an toàn, giảm căng thẳng khi điều khiển ô tô lưu thông trong các tuyến đường nội đô thành phố.

Nắm rõ lộ trình di chuyển

a18975830_1512019.jpg

Một số tuyến đường nội đô thành phố thường cấm ô tô lưu thông, vì vậy nếu mới chuyển từ xe máy sang sử dụng ô tô bạn nên nắm rõ lộ trình di chuyển. Đa phần các mẫu ô tô hiện nay đều được trang bị hệ thống định vị, dẫn đường tích hợp trên màn hình trung tâm, nếu chưa nắm rõ đường đi, bạn nên sử dụng chức năng này để lựa chọn hướng di chuyển phù hợp.

Ngoài ra, trước khi khởi hành bạn nên tập thói quen quan sát xung quanh xe để tránh chướng ngại vật cản trở lối đi. Nếu ô tô của bạn đang đỗ bên lề đường, đừng quên bật đèn xi, quan sát gương chiếu hậu khi khởi hành.

Đi đều ga, giữ khoảng cách phù hợp

Khi lưu thông trong các tuyến đường nội đô, lái xe nên chú ý quan sát biển báo giao thông, điều khiển xe lưu thông đúng làn đường, không lấn sang phần đường dành cho xe máy. Điều tiết nhịp nhàng chân ga, chân phanh để kiểm soát tốc độ của xe, tránh hiện tượng tăng, giảm ga đột ngột gây bất ngờ cho các phương tiện cùng lưu thông.

Trong trường hợp phải di chuyển chậm, nên chú ý giữ khoảng cánh phù hợp với các xe đi phía trước để tránh va chạm và hạn chế việc xe máy cắt ngang. Bởi chỉ cần một xe máy “lọt” sang, các xe khác sẽ nối đuôi khiến xe bạn bị “mắc kẹt”. Thực tế, việc giữ khoảng cách khi điều khiển ô tô lưu thông trong phố là thử thách với lái mới do không tự tin duy trì tốc độ và canh xe chưa tốt.

Theo kinh nghiệm của những “tài già”, trong trường hợp này với xe số sàn tài xế nên sang số 2 hoặc số 1, điều tiết chân côn cho xe di chuyển. Với xe số tự động nên giữ trớn thao tác nhịp nhàng chân phanh chân ga để duy trì tốc độ, giữ khoảng cách với xe phía trước. 

Chú ý đèn giao thông, không phanh gấp

Khi điều khiển xe đến gần giao lộ ngã 3, ngã 4 nên chú ý quan sát tín hiệu đèn giao thông. Không phanh gấp khi dừng đèn đỏ để tránh nguy cơ va chạm với các phương tiện di chuyển phía sau. Khi thấy đèn vàng, hoặc đèn xanh còn dưới 3 giây nên hãm phanh cho xe giảm tốc độ.

Tránh việc tăng tốc trong những tình huống này bởi giao thông tại các khu vực ngã 3, ngã 4 thành phố khá phức tạp, xe máy thường băng ngang rất dễ xảy ra tai nạn.

Bên cạnh đó, không nên vượt ngay khi đèn vừa chuyển xanh, mà quan sát các hướng để chắc chắn rằng không có xe vượt đèn đỏ từ đường khác, có thể gây va chạm.

Bật đèn xi nhan sớm, quan sát khi chuyển làn

Trước khi đổi làn đường hay chuyển hướng, lái xe nên chú ý bật đèn xi nhan để báo hiệu với các phương tiện xung quanh. Quan sát các gương chiếu hậu để bao quát xung quanh. Tránh hiện tượng bật đèn xi nhan rồi đột ngột đổi làn đường, chuyển hướng gây bất ngờ cho các xe phía sau.

Lưu ý khi quay đầu xe

Những tuyến đường nội đô thường đông phương tiện lưu thông, đặc biệt trong giờ cao điểm, vì vậy với các lái mới nên hạn chế việc quay đầu xe để tránh làm ùn tắc giao thông.

Trong trường hợp cần thiết, nên quan sát chọn vị trí có thể quay đầu được mà ít ảnh hưởng tới giao thông. Bật đèn xi nhan sớm, khi áp sát nơi có thể quay xe thì từ từ đánh lái, quan sát gương chiếu hậu. Lái xe nên bình tĩnh, dứt khoát trong thao tác, nhịp nhàng chân ga, chân phanh để tránh va chạm.

Giữ kiên nhẫn, tránh phân tâm

Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố khi lái ô tô trong thành phố khiến người lái dễ bị phân tâm như quan sát địa điểm, số nhà hai bên đường, dùng điện thoại, hay mãi mê trò chuyện… Điều này rất dễ làm người lái không kịp phản xạ trước những tình huống bất ngờ.

Vì vậy để tập trung khi lái xe, chỉ nên mở nhạc, radio với âm lượng nhỏ để không bị phân tâm. Nên kết nối điện thoại di động qua Bluetooth, hệ thống thông tin giải trí trên xe… trong trường hợp cần thiết nên sử dụng chế độ đàm thoại rảnh tay thông qua việc điều chỉnh nút bấm trên vô lăng mà hiện nay nhiều xe đã được trang bị. Không nên cầm điện thoại nhắn tin hay nghe, gọi khi đang lái xe.

Khi đi qua những đoạn đường ùn tắc, nên kiên nhẫn không nên lấn làn để cố tìm mọi cách thoát ra vì điều này sẽ làm cho tình hình giao thông thêm phức tạp.