(Baonghean) - Là một huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, nên việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực.
Cùng đoàn công tác của Ban Dân vận Huyện uỷ Quế Phong vào xã Nậm Nhoóng, điều chúng tôi cảm nhận được là sự hồ hởi, không khí thi đua xây dựng đời sống mới của cán bộ, người dân nơi đây. Chị Lô Thị Minh Hương, Phó Bí thư trực đảng xã cho hay: “Mặc dù là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn nhưng lần đầu tiên được huyện chọn làm điểm suy tôn điển hình về công tác dân vận khối xã thị, đây là vinh dự lớn. Hơn 1 tuần trước, trên cơ sở phát động của xã và ban cán sự các bản, bà con từng cụm bản không ai bảo ai, tranh thủ từng thời điểm phát quang cây cối, vệ sinh đường làng ngõ xóm, chỉnh trang lại khuôn viên trụ sở…”.
Nậm Nhoóng là một trong những xã khó khăn của huyện Quế Phong, nhưng đã có chuyển biến khá tốt về công tác dân vận, tạo sự chuyển động tích cực trong đời sống xã hội. Điển hình như vận động nhân dân thực hiện phong trào “sạch làng tốt ruộng” đã trở thành nề nếp, người dân ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh thôn xóm và chăm lo đồng ruộng; di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn. Thực hiện xây dựng Nông thôn mới, xã đã chọn bản Na, bản trung tâm nhất để làm điểm. Mặc dù là bản nghèo của xã nghèo nhưng nhờ công tác tuyên truyền vận động tốt nên bà con dân bản đã đóng góp được số tiền 46 triệu đồng (550 ngàn/đồng/hộ) và vận dụng nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh chuẩn bị xong mặt bằng dự kiến làm 3 km đường bê tông trong tháng này, đồng thời vận động thành công 2 hộ dân hiến gần 2.000m2 đất làm nhà sinh hoạt cộng đồng, sân bóng…
Bên cạnh đó, xã Nậm Nhoóng còn quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ bà con xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng địa phương. Điển hình là việc đưa cây dưa nại vào sản xuất. Với sự hướng dẫn, trợ giúp của cán bộ 30a, dưa nại đã trở thành cây trồng “đặc sản” của Nậm Nhoóng, mỗi vụ bà con bán ra thị trường hàng chục tấn. Hay mô hình cây bo bo (một loại cây dược liệu mà tiếng Thái gọi là cây mặc cà), trước đây chỉ một vài sào trồng đơn lẻ thì nay đã tăng lên trên 10 ha. Ông Vi Văn Điền ở bản Na, là một trong những điển hình làm ăn giỏi và dân vận khéo của xã cho biết: “Với đa số là người Khơ mú, dân trí thấp nên không phải ta đến vận động thì người dân nghe liền. Do nếp nghĩ, cách làm đã ăn sâu, để bà con thay đổi thì phải kiên trì”. Từ kinh nghiệm thực tế của ông Vi Văn Điền cho thấy, ngoài việc hướng dẫn, cung cấp giống thì những đảng viên, người có uy tín phải gương mẫu đi đầu thực hiện, để bà con thấy và làm theo.
Thành tích trên lĩnh vực dân vận trong thời gian gần đây ở Quế Phong phải kể đến sự vào cuộc, nỗ lực tích cực, có phương pháp hiệu quả của LLVT trong vận động bà con di dân tái định cư dự án Thuỷ điện Hủa Na. Thượng tá Phan Duy Tiến, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự Quế Phong cho biết: Để di dời được 137 hộ dân đầu tiên về điểm TĐC Piêng Cu (Tiền Phong), cán bộ chiến sĩ Đội công tác số 6 của Huyện đội Quế Phong đã xuống cùng ăn, cùng ở mấy tháng trời để khảo sát, cùng làm điểm giúp dân di dời nhà cửa về nơi ở mới an toàn. Có những vị trí nơi đi không thể sử dụng xe cơ giới chuyên chở được, cán bộ chiến sỹ giúp dân tháo dỡ, di chuyển.
Trên cơ sở nắm chắc tình hình và nguyện vọng người dân, cuối năm 2011, Ban Dân vận đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác vận động di dời dân tái định cư, và Ủy ban MTTQ huyện phát động kêu gọi các lực lượng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tham gia giúp dân di dời tài sản, nhà cửa. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 2 đến tháng 6/2012) đã đưa 1.200 hộ di dời về nơi ở mới, trong đó đóng góp của các cán bộ chiến sĩ bộ đội là rất lớn.
Cũng từ thực hiện tốt công tác dân vận nên người Mông các bản ở xã Tri Lễ không còn di dịch cư trái phép; khu tái định cư cho người Mông tại bản Minh Châu (xã Tri Lễ) bà con đã ổn định cuộc sống, người dân tại các xã Thông Thụ, Nậm Nhoóng không còn tái trồng cây thuốc phiện...
Tìm hiểu quá trình triển khai công tác dân vận trên địa bàn Quế Phong, chúng tôi nhận thấy một trong những nhân tố dẫn đến thành công đó là nhờ công tác dân vận luôn được quan tâm và đi trước một bước. Huyện Quế Phong thường xuyên bổ sung quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị vào quy chế, chương trình làm việc của các phòng ban và UBND cấp xã; thực hiện tốt quy chế tiếp xúc đối thoại với dân; công khai, minh bạch các việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra theo Pháp lệnh 34/PL về quy chế dân chủ ở cơ sở; giao cho các cán bộ làm công tác đền bù GPMB tiến hành phải làm công tác dân vận đồng thời với nhiệm vụ chuyên môn….
Một ví dụ khá sinh động ở Quế Phong khẳng định công tác dân vận phải đi trước một bước đó là kinh nghiệm vận động bà con không tái trồng cây thuốc phiện. Thời điểm người dân thường trồng cây thuốc phiện vào tháng 9 hàng năm thì ngay từ tháng 4, tháng 5, hệ thống chính trị đã phải vào cuộc, tiếp xúc với nhân dân để tuyên truyền vận động nhân dân không tái trồng.
Tương tự như thế, đối với công tác tái định cư Thuỷ điện Hủa Na, sau khi nắm bắt được diễn biến tư tưởng khá phức tạp của người dân khi Chủ đầu tư Thủy điện Hủa Na thực hiện chưa đúng cam kết chi trả tiền đền bù hỗ trợ cho người dân, cùng với việc phân công các đoàn công tác của huyện xuống cơ sở nắm bắt trao đổi và chia sẻ, Thường trực Huyện ủy đã tổ chức giao ban làm việc với chủ trì các xã, trong đó nêu rõ quan điểm tỉnh và huyện là tiếp tục kiến nghị để chủ đầu tư thực hiện đảm bảo quyền lợi cho người dân; mặt khác, chủ trì cấp cơ sở phải tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chia sẻ với những khó khăn chung của nền kinh tế và chủ đầu tư dự án. Nhờ vậy tình hình tư tưởng của bà con vùng tái định cư đã ổn định trở lại.
Đồng chí Nguyễn Minh Hoạt, Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Quế Phong chia sẻ kinh nghiệm thành công từ thực tế dân vận ở Quế Phong: “Một trong những yêu cầu đặt ra đối với công tác dân vận là phải đặt mình vào địa vị người dân, hiểu được phong tục tập quán và kiên trì vận động thì bà con sẽ tin và nghe theo”.
Nguyễn Hải