(Baonghean) - Huyện Diễn Châu được đánh giá là một trong những địa phương tổ chức tốt công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng sạch cho các công trình, dự án đầu tư lớn. Quá trình đó, “dân vận khéo” đã đóng vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng.

Diễn Lâm là xã nghèo, bán sơn địa, cách trung tâm huyện Diễn Châu khoảng 25 km về phía Tây Bắc. Vài năm lại đây, xã thu hút được một số dự án đầu tư quy mô lớn, trong đó nổi bật nhất là Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm. Dự án phải di dời hàng trăm hộ dân, bàn giao hàng trăm ha đất kịp thời cho nhà đầu tư. Chủ tịch UBND xã Diễn Lâm, ông Tạ Thanh Hảo cho biết: Ban đầu dự án chỉ sử dụng khoảng 35 ha nhưng sau đó được nâng lên 273 ha, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Như vậy, số đất phải thu hồi và số hộ dân phải di dời lớn hơn. Mới đầu, xã cũng hơi lo lắng nhưng sau khi được tiếp cận thông tin đầy đủ về dự án, nhất là cam kết và lộ trình của chủ đầu tư, sự đồng hành của tỉnh và huyện nên xã yên tâm, tập trung tìm giải pháp phối hợp, giải phóng mặt bằng bàn giao cho dự án, trong đó, công tác vận động nhân dân đồng thuận đóng vai trò quan trọng. Sau hơn 2 năm triển khai, đến thời điểm này cơ bản dự án được triển khai đúng tiến độ. 

Đoàn cán bộ Ban dân vận Huyện ủy khảo sát, mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới tại xã Diễn Hải. Ảnh: Nguyễn Hải
Cán bộ Ban dân vận Huyện ủy Diễn Châu khảo sát về dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới tại xã Diễn Hải. Ảnh: Nguyễn Hải

Quá trình triển khai dự án, mặc dù đã công khai dự án nhưng khi có ý kiến, thắc mắc của người dân về tính hiệu quả của việc mở rộng đường và lo ngại về việc ô nhiễm nguồn nước vùng lòng hồ, đích thân chủ trì xã đi khảo sát thực địa, sau đó tổ chức họp cấp ủy và họp các hộ dân bị ảnh hưởng để trả lời, phân tích. Nhờ đó, xã không chỉ tháo gỡ được vướng mắc, tạo điều kiện cho dự án được triển khai nhanh chóng mà còn huy động được nguồn lực, sự hỗ trợ từ nhà đầu tư để mở rộng trên 6 km đường, lắp đặt gần 9 km đường điện chiếu sáng từ trung tâm xã vào 2 xóm.

Không những thế, từ đầu năm 2017 đến nay, để bàn giao mặt bằng cho hạng mục trong khuôn khổ dự án, xã cùng với huyện đi vận động từng hộ dân, cùng với người có uy tín và các linh mục vận động các hộ dân đồng thuận. Nhờ vậy, đến nay gần 50 hộ dân đã đồng ý bàn giao 100% diện tích mặt bằng cho dự án.

Còn tại xã Diễn Yên, với 2,7 km Quốc lộ 1A và trên 3 km Quốc lộ 48, trong đó ngã ba Yên Lý Diễn Yên là nút giao thông, quan trọng và là điểm trung chuyển hàng hóa giữa Quốc lộ 1A với các huyện Tây Bắc của tỉnh. Đây cũng là một điểm đen về an toàn giao thông nên tỉnh phải triển khai dự án cầu đường bộ vượt đường sắt. Tuy nhiên, khi làm xong cầu vượt và đóng đường bộ qua đường sắt tại ngã ba Yên Lý, một số người dân phản đối vì ảnh hưởng đến sinh kế. Trước tình hình trên, xã vận động người dân nơi đây chấp hành chủ trương, quy định của Nhà nước, mặt khác, xã cũng tiếp thu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để tìm cách tháo gỡ.

Xã xác định ngay từ đầu phải làm tốt công tác dân vận, chọn người vào cuộc; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo và phát động phong trào thi đua "Dân vận khéo" huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, trong đó công tác dân vận chính quyền đóng vai trò trung tâm, nòng cốt. Từ chỗ nắm chắc tình hình, xã còn làm trung gian kiến nghị nhà đầu tư xem xét điều chỉnh, giải quyết kịp thời các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân. Nhờ vậy, mặc dù số hộ bị ảnh hưởng khá lớn với 313 hộ (245 hộ thu hồi đất vườn và tài sản gắn liền trên đất, 68 hộ thu hồi đất nông nghiệp), trong đó có hộ phản ứng khá quyết liệt nhưng xã vẫn tổ chức, vận động để đồng ý bàn giao mặt bằng đúng hẹn. 

Nhờ huy động tốt sức dân nên Diễn Tháp là một trong những xã đầu tiên của huyện Diễn Châu về đích NTM. Ảnh: Nguyễn Hải

Bài học dân vận khéo còn được huyện và xã Diễn An áp dụng trong vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Bà Hoàng Thị Mai Phương - Bí thư Đảng ủy xã Diễn An cho hay: “Thời điểm mới triển khai năm 2015 tại xã, có hàng chục hộ dân không bằng lòng và đồng loạt phản đối. Tình hình “nóng” đến mức, buổi chiều huyện, xã vận động thì các hộ tháo gỡ băng rôn phản đối xuống nhưng sáng mai người dân lại căng lên.

Thế nhưng, nhờ sự vào cuộc tích cực và kiên trì của cả hệ thống chính trị, huyện và xã tổ chức liên tục 7 cuộc đối thoại, phân loại các nhóm nội dung để có giải pháp xử lý nên điểm “nóng” dần dần được hạ nhiệt. Và sau đó, các hộ đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, không phải dùng đến biện pháp cưỡng chế”. 

Ông Hoàng Văn Bốn - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Diễn Châu chia sẻ: Công tác dân vận khéo được phát huy tích cực khi triển khai những việc khó hoặc khi nội dung, vấn đề phát sinh phức tạp. Từ những kết quả đạt được cho thấy, việc đưa công tác dân vận của chính quyền vào GPMB đã phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người chủ trì trong việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, giải quyết các kiến nghị hợp pháp và chính đáng của người dân, hạn chế những phát sinh phức tạp. 

Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN