Quãng đường từ trung tâm Mường Xén đến xã Huồi Tụ hơn 25 km, và từ trung tâm xã Huồi Tụ để đến được bản Na Ni phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ đi xe máy với những quãng đường cheo leo bên lưng chừng núi, đất đá lởm chởm. Cũng chính vì địa bàn xa trung tâm, đi lại khó khăn nên công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong phòng, chống các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là đàn trâu, bò gặp nhiều khó khăn.
Phòng bệnh nhờ vỏ bưởi
Trưởng bản Na Ni, Vừ Vả Giờ cho hay, hàng năm bệnh dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên trâu, bò gây thiệt hại không nhỏ cho người dân các bản làng ở xã Huồi Tụ, trong đó có bản Na Ni. Vì vậy, việc phòng, chống bệnh cho đàn gia súc hết sức quan trọng. Ngoài thực hiện các biện pháp được cán bộ thú y tuyên truyền, hướng dẫn, người dân bản Na Ni còn đúc rút được các cách chữa trị dân gian hết sức hiệu quả.
bna_image_3272672_1992018.jpgTrưởng bản Na Ni Vừ Vả Giờ thường xuyên cho trâu, bò ăn vỏ bưởi để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh Hoài Thu
Trưởng bản Na Ni Vừ Vả Giờ cho biết, cả bản có hơn 350 con trâu, bò. Nhiều năm nay, dịch bệnh trên đàn trâu, bò của bản Na Ni được khống chế, ít bị ảnh hưởng do bà con thực hiện 2 cách phòng chống, chữa trị bệnh.
Để phòng các loại bệnh trên trâu, bò, đặc biệt là đối với bệnh lở mồm long móng, gia đình Trưởng bản Vừ Vả Giờ cũng như người dân Na Ni thường dùng bưởi làm phương thuốc đặc trị, vừa đơn giản vừa không tốn kém. “Cây bưởi thì trong bản nhà nào cũng có, dễ kiếm lắm. Chỉ cần chịu khó tập cho đàn trâu, bò ăn vỏ bưởi, ăn quả bưởi là được” – ông Vừ Vả Giờ cho hay.
Qua nhiều năm thực hiện cách trên cho thấy, cho trâu, bò ăn vỏ bưởi thường xuyên đã giúp cho sức đề kháng vật nuôi này trước các dịch bệnh được tăng lên đáng kể, hầu như ít xảy ra dịch bệnh.
Bản Na Ni có 114 hộ với hơn 450 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và săn bắn, hái lượm nông sản phụ từ rừng. Với người dân bản Na Ni cũng như các bản làng khác của huyện Kỳ Sơn, chăn nuôi trâu, bò đã trở thành nghề truyền thống, vừa để sản xuất nông nghiệp vừa tạo nguồn thu nhập cho bà con dân bản từ buôn bán trâu, bò sinh sản và trâu, bò thịt.
Bệnh lở mồm long móng là căn bệnh do virus gây ra. Triệu chứng thường gặp là sốt cao (trên 42oC), kém ăn, mụn nước phát triển ở chân, miệng (lưỡi môi và chân răng). Ban đầu mụn nhỏ sau to dần, vỡ ra tạo vết loét làm cho con vật bị long móng.
Người dân bản Na Ni trồng nhiều bưởi quanh nhà, vừa phục vụ nhu cầu gia đình, vừa lấy vỏ cho trâu, bò ăn. Ảnh: Hoài Thu
Bài thuốc từ cây sả
Chia sẻ kinh nghiệm trong chữa trị bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò, người dân bản Na Ni cho biết bài bài thuốc từ cây sả rất hiệu nghiệm. Theo đó, khi phát hiện trâu, bò bị bệnh tụ huyết trùng, cần lấy khoảng nửa cân cây sả tươi cùng với vài quả ớt cay đem thái nhỏ, đâm nát rồi cho vào 1 lít nước sôi để nguội. Lấy nước đó xoa, bóp cho trâu, bò từ trên cổ, vai xuống các chân. Sau đó, dùng kim nhọn của bơm tiêm thuốc dùng cho gia súc châm 3 lỗ qua da tại vị trí hai đầu gối chân trước và ở  bướu trên lưng trâu, bò. 
Cây sả được trồng phổ biến ở các bản, làng. Ảnh: internet
Nếu áp dụng theo cách này, sau 2 – 3 tiếng đồng hồ nếu thấy trâu, bò có dấu hiệu toát mồ hôi ở mũi thì bệnh sẽ khỏi. Nếu không thấy toát mồ hôi, chảy dịch thì lúc đó bệnh đã quá nặng, vật nuôi chắc chắn sẽ bị chết. Vì vậy, theo kinh nghiệm của bà con, cần chú ý phát hiện bệnh sớm thì hiệu quả chữa trị sẽ cao hơn.

Tụ huyết trùng là căn bệnh thường xảy ra trong giai đoạn xuân hè, nguyên nhân chính do vi khuẩn gây ra, chúng thường thâm nhập qua đường tiếp xúc giữa trâu, bò khỏe mạnh với những con đã nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 12 đến 48 giờ, trâu, bò thường có dấu hiệu mệt mỏi, sốt cao, thở dốc, chảy dịch mũi, nước dãi…