(Baonghean) - Thực hiện Chỉ thị 08/CT.TU ngày 08/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, trước khi đồng loạt triển khai tại 30/42 xã trong năm 2013, huyện Quỳnh Lưu đã chọn Quỳnh Hậu và Quỳnh Thạch để làm điểm. Từ kết quả dồn điền đổi thửa tại 2 xã điểm trên và sự tích cực đón nhận của người dân, có thể thấy đây là một chủ trương lớn đã đi vào cuộc sống…

Quỳnh Hậu có 398 ha đất lúa, nhưng diện tích dồn điền đổi thửa là 375 ha. Khi chưa chuyển đổi, toàn xã có 1.656 hộ, mỗi gia đình tùy theo số nhân khẩu mà được chia đất ở nhiều thửa khác nhau, bình quân từ 5 đến 7 thửa. Do xã có nhiều xứ đồng và địa hình đất chỗ cao chỗ thấp, có thửa gần nhưng có thửa xa nguồn nước và không phải xứ đồng nào đất cũng tốt, nên ban đầu triển khai tâm lý người dân rất lo lắng “sợ” nếu không may bắt thăm phải thửa xấu...

Thấy được những khó khăn trên và nắm bắt được tâm lý người dân, nên sau khi tiếp thu từ huyện về, Đảng ủy xã đã họp triển khai rất bài bản, đồng bộ.

Tính từ lúc đưa ra chủ trương và thành lập Ban chỉ đạo đến lúc chia đất trên đồng ruộng, Quỳnh Hậu chỉ có 4 tháng, trong đó khâu phức tạp, khối lượng công việc nặng nhất là từ lúc HĐND xã thông qua nghị quyết và chia đất trên đồng ruộng là 2 tháng. Không chỉ chia đất, dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, dịp này xã còn thực hiện chỉnh trang lại đồng ruộng.  Trong điều kiện kinh phí có hạn, xã vận động nhân dân hiến đất (bình quân mỗi khẩu 4 m2 tương đương 600 ngàn đồng), đồng thời thu 200 ngàn đồng/sào, xã dành trên 8 tỷ đồng, để làm giao thông, thủy lợi, đảm bảo đến từng chân ruộng. 

                  Đường bê tông nội đồng tại xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu.

Đáp lại công sức của cán bộ và người dân ở đây, từ mỗi gia đình 5 đến 7 thửa ruộng đất ở nhiều xứ đồng khác nhau, đi lại sản xuất rất nhiều khó khăn, thì nay mỗi hộ bình quân chỉ có 1,5 thửa, trong đó thửa nhỏ nhất là 562 m2 và thửa lớn nhất gần 4.5000 m2. Sau khi tập trung ô thửa, xã đã đưa cơ giới vào sản xuất và chỉ trong 10 ngày cả xã đã làm đất, cấy xong toàn bộ diện tích.  

Ông Hồ Văn Hóa cũng chia sẻ thêm: Thực tế triển khai không phải không có những phân vân khi bốc thăm chia đất. Tuy nhiên, nhờ chỉ đạo sát sao và phát huy được tinh thần tự nguyện, thỏa thuận của các nhóm hộ nên đạt được sự nhất trí cao. Cụ thể, trong một thửa lớn, nếu hộ nào bốc thăm gặp phải phần diện tích đất xấu hơn thì được chia diện tích lớn hơn, nếu ai bắt được diện tích tốt thì diện tích nhỏ hơn nhưng sản lượng khoán như nhau nên ai cũng yên tâm khi nhận đất.

Tại Quỳnh Thạch, xã tổ chức dồn điền đổi thửa, đơn giản và nhanh gọn. Cả xã Quỳnh Thạch có 368 ha đất do 3 HTX quản lý, trong đó HTX Nam Cầu được chọn thực hiện điểm quản lý 143 ha đất nông nghiệp của 4 xóm với 678 hộ dân. Kể từ lúc triển khai chủ trương đến khi người dân nhận đất chỉ trong vòng 1 tháng (từ 20/11 -20/12/2012); nhờ lợi thế là do HTX đang nắm quỹ đất, sau khi người dân (xã viên) nhất trí thì xã nhập toàn bộ vào sau đó thuê phương tiện máy móc về san ủi bằng nhau.

Từ 20 xứ đồng, sau khi dồn điền đổi thửa, mỗi xóm chỉ còn 2-3 xứ đồng.  Khi làm xong mặt bằng, xã thuê đơn vị thiết kế chia đất thành 2 loại: loại gần, tốt và loại xa và sâu. Với cách phân loại đất thành 2 nhóm như trên và đảm bảo mỗi hộ có 2 thửa, hộ dân nào cũng đảm bảo có thửa gần, tốt và thửa ở xa và sâu. Cùng với chia lô thửa, xã tổ chức đào đắp, làm đường, cống thủy lợi, chia thành ô thửa…

Để dồn điền đổi thửa, HTX Nam Cầu huy động trên 850 giờ (450 ngàn đồng/giờ/máy) máy để múc và san ủi khoảng 26.000 m3 đất đá, xây dựng hơn 100 cầu cống; 2 km đường nội đồng. Ngoài ra, xã tranh thủ vốn từ dự án cạnh tranh nông nghiệp để làm 2 tuyến đường bê tông dài 2 km trị giá 3,1 tỷ đồng. Tổng kinh phí xã dành riêng dồn điền đổi thửa khoảng 1,3 tỷ đồng, trong đó người dân đóng mỗi sào 50 kg thóc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa theo Chỉ thị 08/CT.TU, từ đầu tháng 3, Ban chỉ đạo huyện đã thành lập 2 đoàn về kiểm tra và giúp các xã tổ chức triển khai đúng quy trình, các bước theo quy định. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 02/CT năm 2002, lần này huyện tổ chức triển khai đồng bộ và huy động trách nhiệm của hệ thống chính trị vào cuộc, nên chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi. Trên cơ sở kinh nghiệm chỉ đạo điểm từ 2 xã trên và tổng hợp báo cáo của các đoàn, huyện sẽ có biện pháp chỉ đạo để tiến độ dồn điền đổi thửa hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Nguyễn Hải