(Baonghean) - 8 tháng đầu năm 2011, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động với tổng mức kim ngạch xuất nhập khẩu (KNXNK) ước đạt 3376 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 294 triệu USD, nhập khẩu đạt 82 triệu USD. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt hơn 132 triệu USD, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đã có sự tăng trưởng không ổn định giữa các sản phẩm hàng hóa. Mặc dù, trong thời gian qua, sự tăng vọt của lãi suất, biến động của tỷ giá hối đoái và các yếu tố khác của thị trường đã tác động khá mạnh lên các doanh nghiệp xuất khẩu, song kết quả có được ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp. Hoạt động xuất khẩu có sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp có kim ngạch đạt khá như Công ty CP Container Nghệ An 6,382 triệu USD, Công ty CP Chế biến thực phẩm Hoàng Long 6,760 triệu USD, Công ty CP Đầu tư Hợp tác Kinh tế Việt Lào 5,256 triệu USD, Công ty CP Xuất nhập khẩu Nghệ An 5,522 triệu USD, Công ty CP Thương mại Bắc Hồng Lam 6,455 triệu USD.... Đặc biệt, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt tiếp tục nêu tên trên "bảng vàng" XNK của Nghệ An với kim ngạch trên 27 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng thiếu bền vững ảnh 1

 Sản xuất gỗ ván sàn tự  nhiên tại Công ty TNHH Hùng Hưng (KCN Bắc Vinh)

Ảnh: Hữu Nghĩa

Dăm gỗ là sản phẩm chủ lực mang về kim ngạch cho Nghệ An nhiều năm qua, và tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh. 8 tháng đầu năm, sản phẩm dăm gỗ đạt 37 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ và so với kế hoạch đặt ra. Ngoài dăm gỗ, sắn và bột sắn là mặt hàng thường xuyên có kim ngạch xuất khẩu lớn trong nhiều năm qua, đạt 30 triệu USD, hàng chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Giá xuất khẩu thay đổi theo từng thời điểm và thị trường song mức giá bình quân của mặt hàng này hiện có giá khá cao 532 USD/tấn, tăng 25% so với mức giá bình quân năm 2010. Tiếp theo là đá vôi trắng (15 triệu USD), nhóm nhựa thông, tùng hương (hơn 8 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (6 triệu USD)... Hay như sản phẩm dệt may có bước tăng trưởng khá nhanh, đến nay đạt kim ngạch 3,590 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2010.  Tuy nhiên, KNXK của tỉnh phụ thuộc rất lớn vào hàng nông sản. Danh sách sản phẩm đạt kim ngạch khá dẫn đầu là nông sản nhưng bấp bânh vẫn là nó. Trong khi dăm gỗ, sắn và bột sắn luôn đứng ở vị trí tốp đầu thì một số sản phẩm như lạc nhân, chè, nước hoa quả... có xu hướng chững lại hoặc giảm sút. Chẳng hạn mặt hàng chè đạt 3.279 tấn, gần 4 triệu USD kim ngạch, mới chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch năm, trong đó, chủ yếu là của Công ty TNHH 1 thành viên Đầu tư phát triển Chè Nghệ An (kim ngạch 3,2 triệu USD). Hay sản phẩm nước hoa quả tiếp tục không ổn định.  Riêng mặt hàng lạc nhân vốn là sản phẩm nông sản chủ lực của Nghệ An, được tỉnh ưu ái với nhiều chính sách ưu đãi, thường mang về nguồn kim ngạch lớn thì năm nay lại thất thu. Nếu như năm 2010, vụ mùa xuất khẩu lạc diễn ra sôi động, giá cả ổn định, xuất khẩu chính ngạch đạt tới gần 8.000 tấn tương đương kim ngạch 10 triệu USD, thì năm nay, hầu như không có doanh nghiệp nào xuất được. Anh Tuấn - Phó phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công thương), cho biết: Lý do là thu hoạch muộn, giá tiểu thương Trung Quốc thu mua cao nên doanh nghiệp trên địa bàn khó cạnh tranh được. Ngoài ra, các nông sản như cà phê, hạt tiêu, hành tía, cơm dừa,... chỉ có một vài doanh nghiệp tham gia với mức độ xuất khẩu không thường xuyên, kim ngạch đạt thấp, nguồn nguyên liệu chủ yếu thu mua từ miền Nam. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong đó, kế hoạch đạt 66 triệu USD tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp là có thể đạt được. Song, điều đáng quan tâm là sự tăng trưởng cho kim ngạch này không bền vững. Dù để tạo tính bền vững cho hoạt động xuất khẩu, Sở NN&PTNT đã có giải pháp trong đó quan tâm chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt như quy hoạch các loại cây con chủ yếu gắn với chế biến như chè, cao su, mía, nguyên liệu giấy... Song, xuất khẩu là hoạt động còn phụ thuộc lớn vào sự phát triển chung của kinh tế trong nước và thế giới nên tăng giảm nhiều lúc nằm ngoài tầm kiểm soát. Tuy vậy, nông sản xuất khẩu có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng vì liên quan đến hơn 70% dân số, là một thị trường lớn cho các ngành hàng sản xuất khác; khi xuất khẩu nông sản được giữ ổn định và tăng trưởng, cả nền kinh tế có nhiều cơ hội hơn để phát triển. Do đó, để tận dụng được những cơ hội xuất khẩu nhóm hàng nông lâm sản, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, thì việc triển khai những chính sách hỗ trợ hay cải cách thủ tục hành chính, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu xứng tầm, chuyên sâu là rất cấp thiết. Cần ưu tiên đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao đối với một số cây trồng vật nuôi, tạo đột phá về năng suất, chất lượng như các giống lúa, ngô, lạc, cao su, cam, dứa... Sản xuất một số loại sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt GAP.. để đảm bảo nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

Thu Huyền