Là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, được cấu tạo bởi những lớp đá phun trào basalt có tuổi cách ngày nay rất nhiều triệu năm..., Lý Sơn có các di sản tự nhiên và văn hóa đan xen, hòa quyện vào nhau với mật độ vào loại cao nhất Việt Nam, hứa hẹn một tiềm năng lớn về du lịch, đặc biệt là du lịch địa chất.
Dấu ấn văn hóa lịch sử
Dù dòng chảy thời gian khắc nghiệt đã dần xóa nhòa đi bao dấu tích của tiền nhân, nhưng Lý Sơn kiêu hùng vẫn lưu giữ được những giá trị lịch sử đáng tự hào của người dân đất Việt. Đến Lý Sơn, du khách sẽ bắt gặp các di tích lịch sử - văn hóa vô cùng phong phú, dày đặc và hầu như còn nguyên bản, phân bố rộng khắp trong các khu dân cư. Đó là hệ thống các đình, chùa, nhà thờ, dinh, miếu, lăng tẩm cổ kính, với phong cách kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, những bức hoành phi, câu đối được khảm xà cừ hàng trăm năm tuổi. Trong số đó, có 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là: chùa Hang (Thiên Khổng Thạch Tự); An Long Đình (đình xã An Hải); Âm Linh tự và khu mộ lính Hoàng Sa, cùng nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh như: lăng Đông Hải, dinh Bà Thiên Y-A-Na, dinh Tam Tòa (xã An Hải), nhà thờ cai đội lính Hoàng Sa - Trường Sa Phạm Quang Ảnh, miếu thờ Cai đội Võ Văn Khiết, lăng Chánh (xã An Vĩnh)... Tổ tiên của những dòng họ ở Lý Sơn ngày nay đã dong thuyền ra đảo lập nghiệp từ thế kỷ 16 - 17. Ở Lý Sơn hiện vẫn còn lưu giữ được khá nhiều nhà rường đắp đất cổ, nhà thờ của một số dòng họ được các vị tiền hiền xây dựng từ những năm đầu tiên ra đảo khai khẩn lập làng, lập ấp. Những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, văn học dân gian, văn hóa ẩm thực và một số nghề thủ công độc đáo... đã có từ xa xưa như lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ cầu siêu cho vong linh các nghĩa sĩ tử trận, lễ thanh minh, lễ phóng đăng và bắn hỏa châu, lễ hội đua thuyền, lễ cầu ngư, lễ tạ mùa, lễ cầu an, các trò chơi dân gian...
Đặc biệt, Lý Sơn còn sở hữu những di sản văn hóa vật thể gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc như những ngôi mộ gió, những tờ lệnh Hoàng Sa, chứng tỏ rằng Lý Sơn chính là điểm xuất phát của Hải đội Hoàng Sa oai hùng.
Tượng Hải đội Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn
Ngoài ra, Lý Sơn còn ẩn chứa trong mình những dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa lừng lẫy một thời với hiện vật là những công cụ sản xuất làm bằng vỏ sinh vật biển hoặc bằng đá như: cuốc, rìu, kim, dùi...; những đồ dùng sinh hoạt như: nồi, vò, bình, bát...; những đồ trang sức như hoa tai, hạt chuỗi bằng thủy tinh và đá quý...; và những vũ khí bằng đồng như mũi tên, hay dao, kiếm bằng sắt... được tìm thấy ở các địa điểm khai quật trên đảo có niên đại trên dưới 3.000 năm...
Sức sống của di sản địa chất
Các di sản địa chất của Lý Sơn bao gồm: cảnh quan thiên nhiên trên đảo, địa hình, địa mạo biển đảo, các miệng núi lửa, các hang động, đá basalt... Các nhà địa chất cho rằng, đảo Lý Sơn được tạo thành do quá trình hoạt động phun trào basalt có tuổi Pleistocene sớm - giữa (cách ngày nay 1.800.000 - 800.000 năm), được đặc trưng bởi bốn miệng núi lửa dạng phễu là Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Thới Lới và Hang Câu; hai miệng núi lửa dạng chóp là Hòn Tai và Hòn Vung. Nhìn từ trên xuống, chúng có hình khá tròn. Nhìn ngang từ xa, các miệng núi lửa dạng phễu có hình thang cân lõm giữa rất đặc trưng, có thể dùng làm thí dụ điển hình trong các sách giáo khoa hoặc các giáo trình về núi lửa học. Phễu núi lửa lớn nhất có đường kính 500m, vách dốc đứng, đáy bằng phẳng sâu 40 - 50m. Các núi lửa dạng chóp có kích thước nhỏ hơn, cao 50 - 80m, sườn dốc 25 - 300m, đỉnh hẹp không có miệng phễu, đường kính đáy 200 - 300m, cấu tạo bởi các đá vụn núi lửa, bom núi lửa, đá xỉ và tro núi lửa. Các đá này có lẽ hình thành vào cuối đợt phun trào, thuộc loại phun nghẹn - đổ đống. Ngoài ra, trên đảo còn có các cột đá, khối đá, pháo đài đá đứng sừng sững, hiên ngang tạo nên những cảnh quan đa dạng ghi nhận một thời hoạt động mãnh liệt của các núi lửa trên vùng biển đảo tươi đẹp này.
Đình làng và nhà thờ tiền hiền Lý Hải
Ngoài cảnh quan thiên nhiên và địa hình, địa mạo tuyệt đẹp của các miệng núi lửa, du khách còn được thưởng ngoạn các tác phẩm kỳ thú của thiên nhiên, như cổng Tò Vò ở xã An Vĩnh, các hang trong đá núi lửa ở chùa Đục (phía Tây Bắc đảo), chùa Hang (phía Đông Bắc đảo), hang Cò, hang Kẻ Cướp. Các hang này được hình thành do sóng biển ăn mòn vào tầng đá vụn núi lửa từ cách đây khoảng 4.000 - 5.000 năm. Ngoài các di sản địa chất, di sản thiên nhiên của Lý Sơn còn có đa dạng sinh học của hệ sinh thái biển đảo vùng nhiệt đới. Biển Lý Sơn nước trong xanh có thể nhìn thấu đáy, đã liệt kê được ít nhất 685 loài động, thực vật, trong đó có 150 loài cá, 94 loài thân mềm, 15 loài giáp xác, 36 loài san hô (có loài quý hiếm như san hô đen dùng để làm thuốc) và 150 loài rong biển. Hai kiểu sinh thái đặc trưng ở đây là rạn san hô và cỏ biển, là môi trường sinh sống của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá, tôm hùm, rùa biển, san hô xanh, san hô đen, bào ngư, trai tai tượng...
Đến với Lý Sơn, du khách còn có dịp được đứng trên những vách đá dốc đứng, chênh vênh của những di sản địa chất khổng lồ như Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Thới Lới, Hang Câu - Chùa Hang, Hòn Tai, Hòn Vung. Phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ được thỏa sức ngắm nhìn bạt ngàn những cánh đồng màu mỡ chuyên canh hành tỏi thương hiệu Lý Sơn nổi tiếng trải rộng sát bờ biển. Du khách sẽ cảm thấy những dòng dung nham basalt dường như vừa mới cuồn cuộn chảy ra từ trong quá khứ của lịch sử địa chất... Và âm vang đâu đây lời thề sắt son, hào hùng của những chiến binh Hải đội Hoàng Sa trước giờ xuất phát. Lý Sơn được ví như một "chiến hạm” nổi án ngữ giữa Biển Đông mà những người dân Lý Sơn chính là những chiến binh anh dũng vừa bước ra từ những trang sử hào hùng của dân tộc, luôn gánh trên mình hai trọng trách lớn lao là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với những di sản tự nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, kết hợp với tài nguyên và vị thế độc đáo, Lý Sơn đang được các nhà khoa học đề xuất thành lập khu bảo tồn biển - đảo Lý Sơn nhằm bảo tồn và khai thác bền vững tổng thể các giá trị di sản của khu vực.