Từ thành phố Vinh, ngược theo tuyến đường ven sông Lam (còn gọi đường đê 42 hay đê tả Lam), qua núi Dũng Quyết, chúng tôi tìm đến núi Lam Thành để thưởng ngoạn phong cảnh. Ghé thăm Phủ Mẫu Lam Thành, nơi đây có thể ngắm cánh đồng đang xanh mượt màu lúa, bãi bờ xanh thắm ngô non, làng quê mọc lên những ngôi nhà mới khang trang.
Cuộc sống đang từng ngày khởi sắc, núi Lam Thành vẫn sừng sững như một “chứng nhân” đứng đó từ bao đời, chứng kiến bao cuộc thăng trầm, dâu bể. Từ lưng chừng núi phóng tầm mắt ra xa, phía trước là cả một không gian rộng lớn với làng mạc trù phú, đồng bãi ngút ngàn, dòng sông Lam uốn quanh như dải lụa tung bay trước gió. Xa xa, phía bên kia là dãy Hồng Lĩnh trải dài tưởng chừng như vô tận, tất cả hiện lên như một bức tranh thủy mặc.
Chắc hẳn, xưa kia Bùi Dương Lịch từng đứng ở vị trí này để thưởng lãm phong cảnh và viết nên những dòng văn đầy sức gợi trong “Nghệ An ký”: “Phía dưới núi có sông Lam chảy quanh, và có sông La, sông Minh chảy vào. Lên núi trông xa thì thấy phía tây có núi Hùng Lĩnh và núi Đại Huệ, phía bắc có núi Đại Hải và núi La Nham, phía nam có núi Thiên Nhẫn và núi Hồng Lĩnh, phía đông có núi Kim Nguyên và núi Dũng Quyết, đều chầu về núi này. Nước sông trong sạch, cây cối tốt tươi, phố gần thôn xa, phong cảnh như vẽ, thật là một nơi danh thắng ở xứ Nghệ An”.
Theo sử sách, núi Lam Thành thường được các vị vua của Đại Việt chọn làm điểm dừng chân để chuẩn bị lương thảo và tuyển thêm binh sỹ trên đường vào Nam dẹp giặc và mở mang bờ cõi. Điều này có thể giải thích ở nguyên do là vị trí trọng yếu trên con đường thiên lý, là truyền thống yêu nước và quật cường của người dân nơi đây.
Vì lẽ đó, vùng đất này đã ghi dấu những chiến công oanh liệt, vẻ vang và cả những đau thương trong các cuộc chiến để giữ nước, yên dân. Tương truyền, khi nhà Hồ “chính sự phiền hà” dẫn đến thất bại, đất nước rơi vào tay giặc Minh, muôn dân rơi vào thảm cảnh nô lệ, giặc ngoại bang biến Nghệ An thành phủ và chọn Lam Thành làm phủ trị.
Trước tình cảnh ấy, tôn thất dòng dõi nhà Trần vẫn âm thầm đứng ra kêu gọi, tập hợp nhân dân đấu tranh giành lại non sông, đất nước. Trần Quý Khoáng được tôn làm Vua (hiệu là Trùng Quang), buổi đầu có gây được ít nhiều thanh thế nhưng rồi lực lượng suy giảm dần, đành ngậm ngùi ôm mối hận, nhìn cảnh vó ngựa giặc Minh giày xéo lên non sông tổ tiên bao đời gây dựng.
Trong dân gian cũng như một số sử sách còn lưu truyền câu chuyện Trần Quý Khoáng sai Nguyễn Biểu đến Lam Thành gặp Trương Phụ - tên tướng nhà Minh để cầu phong. Vốn sẵn nhiều mưu hèn, kế bẩn, tên tướng nhà Minh cho dọn cỗ đầu người để tiếp Nguyễn Biểu nhằm gieo cho ông nỗi khiếp sợ. Nhưng ông vẫn bình thản ăn và không hề sợ hãi, cho dù bốn phía đều có quân giặc đứng trông.
Trước chí khí và sự bất khuất của vị sứ thần Đại Việt, Trương Phụ và bọn tướng tá dưới quyền đã hèn hạ giết chết Nguyễn Biểu, ban đầu chúng trói vào cột định cho nước sông dìm chết nhưng ba ngày thủy triều không lên, chúng bèn đưa ra chùa Yên Quốc để giết. Về sau, vua Lê Thánh Tông đã phong ông là Nghĩa sỹ Đại vương.
Cảm phục ý chí và công đức của Nguyễn Biểu, nhân dân quanh vùng núi Lam Thành đã lập đền thờ. Ngày nay, Nguyễn Biểu đang được thờ tại đền thờ thuộc xã Hưng Phú và phối thờ tại đền Thanh Liệt thuộc xã Hưng Lam. Hai ngôi đền này đều được được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, là nơi để nhân dân bày tỏ niềm ngưỡng vọng, tôn kính với một con người đã hy sinh vì nước, vì dân.
Có lẽ nói đến Lam Thành, chúng ta không thể không nhắc tới cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo. Thực hiện kế sách của Nguyễn Chích, nghĩa quân tiến vào miền Tây Nghệ An theo đường thượng đạo và lập nên chiến thắng ban đầu: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”.
Hạ xong thành Trà Lân (còn gọi Trà Long, nay thuộc địa bàn xã Bồng Khê - Con Cuông), nghĩa quân xuôi theo dòng Lam xuống chiếm thành Nghệ An, làm bàn đạp tiến quân ra chiếm thành Diễn Châu, Thanh Hóa, Đông Đô và vào nam chiếm thành Thuận Hóa, giải phóng hoàn toàn đất nước.
Sau khi đánh tan các điểm do giặc Minh trấn giữ dọc hai bên bờ sông, Bình Định Vương Lê Lợi chủ trương cho quân lính vây thành Nghệ An, chặn viện binh của địch, buộc chúng phải đầu hàng vì lâm vào cảnh đói, rét. Cùng với đó, vị quân sự Nguyễn Trãi viết nhiều thư gửi bọn tướng tá nhà Minh đang giữ thành, khuyên chúng ra hàng để bớt đi cảnh đầu rơi máu đổ.
Trong những bức thư dụ hàng, Nguyễn Trãi đã phân tích thời thế, nói về lẽ thiệt hơn và khẳng định ý chí không lay chuyển của nghĩa quân và nhân dân trăm họ một lòng đứng về lẽ phải. Lần lượt các tên tướng: Trần Trí, Lý An và Phương Chính đón nhận thất bại đau đớn, giao lại việc giữ thành cho Thái Phúc.
Vào tháng 2/1427, khi thế cùng lực kiệt, bị bao vây khắp các hướng, không cầu được viện binh và hoảng sợ trước sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn, tên tướng Thái Phúc đã mở cửa thành và kéo 1 vạn quân ra hàng. Chiếm được Lam Thành, Nghệ An được giải phóng, nghĩa quân Lam Sơn chia thành các mũi tiến công, tỏa đi khắp các vùng miền để giành lại toàn bộ giang sơn Đại Việt.
Sự kiện này về sau được Nguyễn Trãi đưa vào tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” với lời văn chứa đựng tất cả niềm tự hào: “Sỹ khí đã hăng/Quân thanh càng mạnh/Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía/Lý An, Phương Chính nín thở cầu thoát thân/Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại/Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về”.
Để cảm tạ công đức của người đứng đầu cuộc khởi nghĩa, nhân dân đã lập đền thờ và quanh năm không tắt khói hương. Ngày nay, đền thờ Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) vẫn đứng trầm mặc, uy nghi ở địa phận xã Hưng Khánh, đền cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây được xem là nơi nhà Vua đặt hành dinh khi tiến hành cuộc vây hãm thành Nghệ An.
Như vậy, quanh núi Lam Thành có 3 ngôi đền là di tích - lịch sử quốc gia, tất cả đều gắn với công ơn của những vị anh hùng đánh giặc, giữ nước, gắn với địa danh Lam Thành.
Tiếp tục rảo bước, chúng tôi cố tìm những dấu tích còn sót lại từ mấy trăm năm trước. Chỉ còn sót lại những khối đá nằm chồng lên nhau như tầng bậc lịch sử, đang lặng im trước sự vô cùng, vô tận của dòng chảy thời gian. Nhưng sự im lặng ấy cũng đã nói lên được bao điều, đó là “trầm tích” văn hóa, là niềm tự hào về truyền thống lịch sử, cũng là điểm tựa để đi tới tương lai...