Tính từ năm 2011-2017, toàn Đảng đã sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên gần 51.000 đảng viên, trong đó xóa tên do vi phạm hơn 38.000 đảng viên, gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.
Đáng chú ý, con số sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã có 60 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật.
Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật
Bình luận về những con số này, ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc thanh lọc, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách là việc làm thường xuyên của Đảng. Đảng là một tổ chức chính trị cao nhất thì phải trong sạch, vững mạnh và muốn trong sạch, vững mạnh thì phải sàng lọc đảng viên là một điều không thể khác.
Tuy nhiên, không nên nhìn vào những con số xử lý kỷ luật đảng viên hàng năm mà đánh giá uy tín của Đảng đang bị giảm sút, tổ chức Đảng yếu đi, mà ngược lại chính điều này là minh chứng cho thấy Đảng ta đã nhất quán giữa nói và làm, Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, tự nhận ra những nhân tố, những thành viên không còn xứng đáng trong đội ngũ và kiên quyết loại bỏ.
Điều đó cũng cảnh báo rằng, việc kết nạp những đảng viên mới phải cẩn trọng, phải có quá trình thử thách để kết nạp cho đúng. Quá trình thử thách đó không chỉ đối với những đảng viên mới mà kể cả đảng viên đã phát triển, thậm chí là những người có chức, có quyền.
“Thời gian qua, một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tham ô, không đi theo lý tưởng cộng sản đã bị loại khỏi hàng ngũ của Đảng, điều này hợp với quy luật phát triển của một tổ chức chính trị. Cũng chính tinh thần kiên quyết làm trong sạch đội ngũ càng làm cho nhân dân tin tưởng, ủng hộ Đảng” – ông Nguyễn Viết Chức cho biết.
Lý giải về việc nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật, thậm chí phải chịu mức án hình sự, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đó là hệ quả tất yếu của việc cán bộ thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, chủ quan với chính mình, với những thành tích, cống hiến, không có bản lĩnh chống lại những “viên đạn bọc đường”. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nội bộ ở một số nơi còn lỏng lẻo, hình thức, thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực; tình trạng quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ toàn người nhà, lợi ích nhóm tràn lan gây bất bình trong dư luận xã hội.
“Trong thời kỳ mới càng yêu cầu Đảng phải mạnh mẽ, trong sáng, trong sạch hơn thì mới lãnh đạo đất nước. Trong bối cảnh thời cơ rất nhiều nhưng thách thức cũng không ít, nếu không có đội ngũ thực sự trong sáng, có năng lực, trình độ thì làm sao lĩnh hội được trách nhiệm to lớn, nặng nề mà Đảng và nhân dân giao phó” - ông Chức bày tỏ lo lắng.
Quyết tâm sàng lọc đảng viên không còn uy tín
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Đảng viên tốt mới có cán bộ tốt, chi bộ tốt thì Đảng mới mạnh, mới lãnh đạo đất nước phát triển". Thông điệp của người đứng đầu Đảng cũng chính là mệnh lệnh để các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện với quyết tâm sàng lọc, thanh lọc để loại những đảng viên phai nhạt lý tưởng, thoái hóa, biến chất, không còn uy tín trước Đảng, trước nhân dân, những cán bộ “leo cao, chui sâu” với ý đồ không trong sáng.
Muốn làm được điều này, theo ông Nguyễn Viết Chức cần thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”. Trong đó, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích trong kết nạp đảng viên, không chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng; đảm bảo kết nạp những người thực sự ưu tú, vào Đảng với động cơ trong sáng, có phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ, được thử thách qua thực tiễn.
Cùng với với việc loại những nhân tố không còn xứng đáng cần phải có những biện pháp để nâng cao chất lượng của những người trong đội ngũ. Cấp ủy, tổ chức Đảng cần quan tâm rèn luyện, khuyến khích, động viên cán bộ đảng viên tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những nhân tố tích cực. Trong hoạt động thực tiễn, năng lực cán bộ đến đâu thì xếp sắp đến đó, thậm chí phải bồi dưỡng để cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Một yếu tố quan trọng nữa là cấp ủy địa phương, đơn vị cần tạo điều kiện để cán bộ được rèn luyện, thử thách, thể hiện trách nhiệm trong hoạt động thực tiễn, bố trí chức vụ từ thấp đến cao. Khi chưa có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý thì dứt khoát không bố trí vào cương vị lãnh đạo, càng không để chi phối bởi các mối quan hệ mà xa rời các tiêu chuẩn bổ nhiệm. Bên cạnh đó, công tác tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có năng lực, tâm huyết cần được triển khai thường xuyên, tạo cơ hội để đào tạo, bồi dưỡng, thậm chí sẵn sàng cất nhắc họ để cán bộ quen dần với những trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao cho.
Nhấn mạnh về một trong nhiều yêu cầu của Ban Bí thư đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng trong năm 2019 là tiến hành tổng điều tra tình hình đội ngũ đảng viên, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, việc này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông, đây cũng là cơ hội để mỗi tổ chức Đảng thực hiện phê bình và tự phê bình, nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong nội bộ, từ đó có phương hướng, chương trình hành động thiết thực, hiệu quả. Nếu các Tỉnh ủy, Huyện ủy tự kiểm tra, kiểm điểm trong nội bộ và khẳng định trong sạch nhưng khi tổ chức vào cuộc kiểm tra, phát hiện thấy khuyết điểm thì khi đó không chỉ kỷ luật cán bộ đảng viên mà tổ chức Đảng cũng phải chịu trách nhiệm.
“Có một điều đáng buồn là trong những vụ việc xử lý kỷ luật thời gian qua, rất ít Chi bộ, cơ quan nào tự chỉ ra khuyết điểm, sai lầm trong nội bộ mà thường do báo chí, dư luận, tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện ra, phần vì do trong nội bộ còn tâm lý nể nang, né tránh, phần vì lo ngại “thẳn thắn thật thà thì thua thiệt” - ông Nguyễn Viết Chức nói và cho biết với yêu cầu mới của Ban Bí thư, tình trạng trên sẽ sớm được khắc phục./.