Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu tại xã Hoa Thành, Yên Thành. Ảnh: Võ Đức
Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu tại xã Hoa Thành, Yên Thành. Ảnh: Võ Đức

Sinh ngày 5/5/1902 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, đồng chí Phan Đăng Lưu là con trai cả của cụ Phan Đăng Dư, một nhà nho yêu nước và cụ bà Trần Thị Liễu, con gái cụ cử (cử nhân) Trần Danh Tiêu. Ông là nhà hoạt động cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ của Đảng Cộng sản Việt Nam; là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng (1938). Ông cũng là người cộng sản kiên cường, dũng cảm, nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng, đức độ, có nhiều đóng góp tích cực vào công tác tổ chức xây dựng Đảng và sự nghiệp chung của cách mạng Việt Nam.  

Năm 1939, đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương điều động vào Nam Kỳ hoạt động và được phân công phụ trách phong trào cách mạng các tỉnh Nam Kỳ. Tháng 10/1940, đồng chí bí mật từ miền Nam ra Bắc để triệu tập và tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11/1940, tại Đình Bảng, Bắc Ninh, đồng chí chủ trì Hội nghị Tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thường gọi là Hội nghị Trung ương 7.

Tại Hội nghị, đồng chí được đề cử làm Tổng Bí thư, nhưng không nhận, vì dành mọi tâm huyết, thời gian, công sức cho phong trào cách mạng miền Nam. Ngay sau Hội nghị, đồng chí trở lại miền Nam để truyền đạt chỉ thị của Trung ương về việc hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ. Nhưng khi vừa đặt chân đến Sài Gòn đêm 22/11/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt.

Ngày 3/3/1941, tòa án thực dân Pháp  kết án tử hình đối với đồng chí Phan Đăng Lưu. Ngày 26/8/1941, đồng chí bị xử bắn cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ.

Đoàn công tác làm việc với chính quyền địa phương. Ảnh: Võ Đức

Để tưởng nhớ, tri ân công lao của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, những năm qua, dưới sự quan tâm của các cấp, bộ, ban ngành từ Trung ương đến cơ sở, Khu di tích, Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Đăng Lưu tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành đã được nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo. Tuy nhiên, trải qua thời gian, chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thiên tai,… nhiều hạng mục di tích đã bị hư hỏng, xuống cấp; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan tổng thể chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa tương xứng với vị trí, giá trị của một di tích lịch sử cấp Quốc gia. Vì vậy việc trùng tu, tôn tạo Khu lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu là phù hợp, chính đáng, cần thiết và có cơ sở.

Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện Đề án trùng tu, tôn tạo, xây dựng khu lưu niệm, nhà tưởng niệm đồng chí Phan Đăng Lưu. Ảnh: Võ Đức

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức các bước xây dựng Đề án trùng tu, tôn tạo, xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm, nhà tưởng niệm đồng chí Phan Đăng Lưu. Đồng thời Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Huyện ủy Yên Thành chỉ đạo UBND huyện phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao; Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện Đề án để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy đảm bảo theo quy định./.