(Baonghean) - Việc gã nhà giàu mới nổi thành Manchester sang Việt Nam du đấu đã trở thành sự thật. Vào ngày 27/7 tới đây, người hâm mộ Việt Nam sẽ được chứng kiến những cầu thủ thuộc hàng đắt giá nhất thế giới David Silva, Yaya Toure, Joe Hart, Raheem Sterling, Fabian Delph thi đấu trên sân Mỹ Đình. Các cầu thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam được HLV Miura triệu tập cũng lần đầu tiên được chạm trán với đội bóng giàu có từng nhiều lần vô địch Premeir League. Trong bối cảnh nền bóng đá nước nhà đang “dẫm chân tại chỗ”, V-League có phần nhạt nhẽo, nguội lạnh thì sự kiện câu lạc bộ Manchester City thi đấu trên sân Mỹ Đình được xem là một cơn gió lạ, mang lại nhiều hy vọng cho bóng đá nước nhà. 
 
Lâu nay, Đông Nam Á luôn được xem là vùng trũng của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, điều lạ là mấy năm gần đây, các quốc gia trong khu vực lại trở thành điểm đến hấp dẫn của các ông lớn châu Âu, nhất là các câu lạc bộ ở giải Ngoại hạng Anh. Cách đây không lâu, tại Singapore, hai câu lạc bộ Arsenal và Everton cùng nhau lọt vào trận chung kết và giành chức vô địch giải Barclays Asia Trophy. Trận đấu đó, có gần 60 nghìn cổ động viên đảo quốc sư tử đến sân theo dõi. Trước đó, một loạt câu lạc bộ khác là Chelsea, Reading rồi Liverpool cũng đã có mặt tại Thái Lan với nhiệm vụ duy nhất là thi đấu giao hữu với các cầu thủ ngôi sao của quốc gia Phật giáo này. Sau khi có cuộc dạo chơi ở Thái Lan, các ngôi sao phố cảng Liverpool thậm chí còn sang Malaysia, cũng với mục tiêu là tham dự trận đấu gặp các ngôi sao Malaysia vào đêm 24/7. Trước đó, những đội bóng hàng đầu của thế giới khác cũng đều đã đặt chân đến Thái Lan, Singapore, Malaysia. Năm 2013, CLB Arsenal cũng đã có mặt ở Việt Nam theo lời mời của bầu Đức và làm nên hiện tượng “running man” Vũ Xuân Tiến nổi đình nổi đám... 
 
images1195940_man_city1.jpgManchester City vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2013 - 2014. Ảnh: Internet
Rõ ràng, việc Man City, Arsenal – những đội bóng hàng đầu thế giới sang Việt Nam du đấu được rất nhiều cái lợi. Các cầu thủ có dịp cọ xát với những chân sút hàng đầu thế giới; các cầu thủ trẻ có thêm khát khao được thể hiện mình trong màu áo quốc gia; các câu lạc bộ vinh dự có cầu thủ được triệu tập làm nhiệm vụ gặp Man City; các ông bầu có dịp được thể hiện mình đồng thời sự kiện này cũng như một gói kích cầu của các ông bầu đã và đang gắn bó với trái bóng tròn; nhiều khán giả sẽ xem trận đấu này như một nguồn cảm hứng mới để tiếp tục gắn bó với đội tuyển Việt Nam... 
 
Với bóng đá nước nhà, cái được là thế. Vậy, với các câu lạc bộ, họ được gì khi đến Việt Nam cũng như các quốc gia khác ở Đông Nam Á? Câu trả lời không quá khó, ngoài mục tiêu phát triển hình ảnh, thu hút thêm lượng fan thì mục tiêu đầu tiên chính là tiền. Ngoài số tiền “khủng” mà các câu lạc bộ có được sau mỗi lần xỏ giày ra sân gặp đội tuyển các câu lạc bộ sở tại thì cái mà những ông lớn ở châu Âu hướng đến chính là miếng bánh bản quyền truyền hình. Theo thống kê, riêng giải Premier League, lượng người xem giải Ngoại hạng Anh ở châu Á và Châu Đại Dương chiếm 339,5 triệu người, trên tổng số 725 triệu người xem trên toàn cầu. Theo đó, trong giai đoạn 2013-2016, tiền bản quyền truyền hình của giải đấu này ở khu vực đạt 941 triệu bảng trong tổng số 2,23 tỷ thị phần nước ngoài. Số tiền này liên tục tăng sau mỗi năm và liên tục đạt những mức kỷ lục mới. Cùng với miếng bánh bản quyền chính là hình ảnh các câu lạc bộ. Dù thuộc khu vực vùng trũng của bóng đá thế giới nhưng xét về độ máu lửa, tình yêu thể thao thì các quốc gia Đông Nam Á có lẽ không thua bất cứ nơi nào trên thế giới. Chính vì vậy, từ các ông lớn của nước Anh đến Tây Ban Nha, Italia, Pháp... đều cố gắng xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu đi kèm với đó là các vấn đề về bản quyền thương mại, quảng cáo thậm chí nhiều câu lạc bộ đã có những bước đi chiến lược trong việc xây dựng các học viện đào tạo trẻ ở khu vực châu Á sau mỗi chuyến du đấu.
 
Đến hẹn lại lên, trong tháng 7 này, vùng trũng Đông Nam Á sẽ còn tiếp đón nhiều ông lớn khác của bóng đá thế giới đi kiếm tiền. Và chắc chắn, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong những năm tiếp theo. Vấn đề là liệu bóng đá Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á sẽ phát triển như thế nào sau mỗi chuyến kiếm tiền của các ông lớn châu Âu như vậy?
 
Thùy Linh