(Baonghean) - Mặc dù bị ngăn cấm và chịu hình thức xử phạt khá nặng nhưng hiện nay trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, thậm chí là đường liên xã, những chiếc xe tải cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải trọng cho phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Trước thực trạng đó, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát bằng nhiều hình thức, đặc biệt là dùng cân xách tay để kịp thời xử lý vi phạm.
Một thực tế diễn ra lâu nay trên tuyến Quốc lộ 46 đoạn qua các huyện Nam Đàn, Thanh Chương là việc thường xuyên xuất hiện những chiếc xe “hổ vồ”, chở đất cát và các loại nguyên vật liệu quá tải trọng cho phép, gây không ít bức xúc cho người dân và những người cùng tham gia giao thông. Theo ghi nhận, vào mỗi đợt ra quân xử lý xe quá khổ, quá tải, với sự phối hợp liên ngành giữa các lực lượng chức năng, tình trạng này có giảm.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mọi việc lại tái diễn do lực lượng thanh tra Sở giao thông Vận tải không thể “khép kín” được tất cả các tuyến đường huyện. Hơn nữa, việc kiểm tra tải trọng đòi hỏi phải có đầy đủ điều kiện về thiết bị, cơ sở vật chất để đo đạc chính xác mức độ vi phạm.
Không chỉ riêng trên tuyến Quốc lộ 46 mà nhiều cung đường khác trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tuyến Quốc lộ 48 từ ngã ba cầu vượt Quốc lộ 1A (huyện Diễn Châu) chạy ngược lên các huyện miền Tây như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ được coi là huyết mạch trong vận chuyển hàng hóa của tỉnh. Vì thế, tình trạng các phương tiện quá tải hoạt động cũng rất phổ biến.
Điều đáng nói là trên tuyến đường này có rất ít trạm cân tải trọng nên lực lượng chức năng khó có cơ sở để xử phạt. Nắm bắt được những “kẽ hở” trong công tác kiểm soát, cuối năm 2016, Ban An toàn giao thông tỉnh đã trang bị 6 cân xách tay cho 6 huyện có mật độ xe quá tải trọng lớn gồm Quỳ Hợp, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Tương Dương, Thanh Chương, Nam Đàn. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cũng cấp 7 cân xách tay cho Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và 2 huyện Nghĩa Đàn, Qùy Hợp. Cân xách tay là thiết bị đo tải trọng của xe với thiết kế gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển và sử dụng.
Thiết bị này có tác dụng hỗ trợ rất đắc lực cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát các xe chở quá tải trọng cho phép ở những đoạn đường không có trạm cân cố định. Việc phân bổ về địa phương cũng giúp các huyện chủ động hơn khi kiểm tra phương tiện lưu thông trên địa bàn. Với tổng số 13 cân hiện có trên toàn tỉnh, bước đầu đã cho thấy tính hiệu quả trong việc kiểm soát và xử lý xe quá tải trọng.
Tại huyện Yên Thành, chỉ tính riêng trong 15 ngày cuối tháng 5, lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện đã sử dụng cân tải trọng xách tay di động xử lý trên 70 trường hợp, trong đó có 10 trường hợp quá trọng tải, 3 trường hợp quá khổ, 4 trường hợp vượt chiều cao; nộp vào kho bạc Nhà nước trên 200 triệu đồng. Hay như tại huyện Thanh Chương, từ khi được cấp cân đến hết tháng 4/2017, lực lượng chức năng đã có cơ sở để xử phạt tổng số tiền gần 50 triệu đồng cho các lỗi vi phạm xe chở quá khổ, quá tải.
Đánh giá về hiệu quả của cân xách tay đối với việc kiểm soát xe quá khổ, quá tải, Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh cho rằng, việc trang bị cân xách tay kiểm tra tải trọng cho lực lượng chức năng ở cơ sở là hợp lý, tạo thuận lợi hơn trong việc giám sát, kiểm tra, xử phạt tại các tuyến đường nằm trên địa bàn các huyện. Mặc dù mới được đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn và chỉ ở một số huyện, nhưng đã góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng xe quá tải gây hư hỏng đường sá và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đã xử phạt 1.595 xe quá tải và 1.182 xe quá khổ. Ưu điểm của cân xách tay là có thể sử dụng để kiểm tra sai phạm ở bất kỳ vị trí tuyến đường nào mà không cần trạm cân cố định, do đó, ngăn ngừa khả năng các tài xế xe tải cố tình đi đường vòng để né tránh trạm cân.
Người dân sinh sống trên bất kỳ tuyến đường nào có xe quá tải hoạt động hoặc người tham gia giao thông đều có thể liên hệ đến lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông để phối hợp xử lý. Tuy nhiên, điều bất cập là không phải ở đâu cũng có nơi để hạ tải hàng hóa, nên lực lượng chức năng gặp không ít lúng túng trong quá trình xử lý xe quá tải.
Nhằm phát huy tính hiệu quả và khắc phục các vấn đề bất cập trong công tác kiểm soát tải trọng xe, mới đây, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của phương tiện giao thông. Trong đó, việc trang bị thêm cân xách tay để tuần tra, kiểm soát lưu động là một trong những giải pháp được quan tâm. Tại các địa bàn, đoạn đường phức tạp về xe chở hàng quá tải trọng, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương hoặc chỉ huy đội, trạm cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát sẽ trực tiếp chỉ huy và tham gia việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý xe vi phạm chở hàng quá tải.
Riêng tại Nghệ An, thông tin từ Ban ATGT tỉnh, sau khi cấp cân xách tay cho 6 huyện, Ban sẽ yêu cầu các huyện báo cáo kết quả việc thực hiện xử lý xe quá tải. Trên cơ sở đó tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục cấp cân cho các huyện khác, với mục tiêu khép kín địa bàn, kiểm soát tối đa lượng xe quá tải lưu hành trên đường. Đối với người dân, cần chấp hành đúng các quy định khi chuyên chở hàng hóa, không tự ý cơi nới thành thùng để chở quá tải trọng cho phép nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và độ bền của phương tiện, kết cấu cầu đường.
Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định mức phạt cao nhất chở quá tải trên 150% theo giấy chứng nhận đăng kiểm, chủ xe là cá nhân sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng; chủ xe là tổ chức phạt 36-40 triệu đồng, lái xe bị phạt 8-12 triệu đồng. Tương tự, hành vi chở quá tải cầu đường, chủ xe là cá nhân bị phạt 28-32 triệu đồng, chủ xe là tổ chức bị phạt 56-64 triệu đồng, lái xe bị phạt 14-16 triệu đồng. Nghị định cũng quy định mức phạt từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe. |
Phương Thảo