(Baonghean) - Hiện nay việc quản lý các loại sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) còn nhiều bất cập và chưa theo kịp với thực tiễn, trong khi tình trạng kinh doanh ngày càng phức tạp.
Thực phẩm chức năng bán tràn lan
Chưa bao giờ việc mua bán TPCN đơn giản và dễ dàng như hiện nay. Người dân có thể tìm mua ở hiệu thuốc, mua ở chợ, mua trên mạng xã hội Facebook. Đủ các loại phục vụ nhu cầu của “thượng đế”, từ bổ thần kinh, xương khớp cho người già, collagen giúp đẹp da, ngăn ngừa lão hóa, cho đến cả sản phẩm giúp trẻ hay ăn, tăng trưởng chiều cao, thậm chí hỗ trợ điều trị ung thư…
TPCN được bán trên thị trường hiện nay gồm 3 loại chính: Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh và thực phẩm tăng cường miễn dịch. Các loại TPCN có mặt trên thị trường với khoảng 70% là hàng nhập ngoại, 30% hàng nội địa. Hiện nay, hầu hết các nhà thuốc lớn trên địa bàn TP. Vinh đều có bán TPCN với các loại sản xuất trong nước và nhập khẩu của nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản,…).
Theo thông tin từ Hiệp hội TPCN, từ chỗ chỉ có 60 sản phẩm TPCN của 15 cơ sở sản xuất trong nước (năm 2000), hiện có khoảng 3.600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với khoảng trên 6.800 sản phẩm lưu hành. TPCN được bán ở khắp nơi, khoảng 90% nhà thuốc có bày bán; 63/63 tỉnh thành có người sử dụng, từ trẻ em đến người già đều dùng thực phẩm này.
Tại Nghệ An, theo số liệu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, có khoảng 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN đang hoạt động đã được Cục ATTP - Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Ngoài ra, có 4 cơ sở kinh doanh TPCN và 4 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã được Chi cục ATVSTP tỉnh cấp giấy đủ điều kiện VSATTP.
Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đã bắt 2 vụ vận chuyển TPCN không rõ nguồn gốc, vi phạm ATVSTP, tịch thu 292 hộp TPCN các loại, trị giá 28,5 triệu đồng. Trong năm 2016, Chi cục ATVSTP đã kiểm tra chuyên ngành 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chỉ phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền phạt gần 13 triệu đồng. |
Chưa được kiểm soát chặt chẽ
Để quản lý TPCN, Bộ Y tế ban hành Thông tư 43/2014/TT-BYT. Theo Thông tư này, nhà thuốc phải có khu bày bán riêng cho sản phẩm TPCN; đồng thời quy định cụ thể việc ghi nhãn đối với từng loại TPCN như: thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt. Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Thế nhưng, trên thực tế tại TP. Vinh, không ít nhà thuốc có bán TPCN nhưng không có khu bày bán riêng, các sản phẩm TPCN được các nhà thuốc bày bán chung với các loại thuốc chữa bệnh, có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng Thông tin truyền thông và Quản lý ngộ độc thực phẩm (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) thừa nhận: “Ngành kinh doanh TPCN phát triển đột biến nhưng công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn. Trên thực tế, còn nhiều khó khăn trong quản lý TPCN, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn để thực hiện kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.
Lâu nay, trong quá trình kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm, Chi cục lấy mẫu gửi ra Viện Kiểm nghiệm ATTP Trung ương để kiểm định chất lượng, vì thế rất bất tiện và tốn kém kinh phí. Do đó, số mẫu lấy được kiểm nghiệm ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hơn nữa, nhân lực của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quá mỏng không thể kiểm soát nổi thị trường”.
Thông tin từ Chi cục quản lý thị trường Nghệ An cho biết, hoạt động vận chuyển, kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng vẫn còn nhiều tiềm ẩn khó lường với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, quản lý của các ngành chức năng. Hàng hóa thường được các đối tượng vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc và tuyến cửa khẩu Nậm Cắn - Nghệ An, cửa khẩu Cầu Treo - Hà Tĩnh đưa vào thị trường Nghệ An để tiêu thụ.
Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện hoạt động buôn bán các mặt hàng này qua mạng và các hình thức tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo tại các khối xóm, đến cả làng bản ở vùng sâu, vùng xa. Loại mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: viên uống trắng da hiệu PEAPL, nguyên liệu vitamin E,... nguồn gốc các loại hàng hóa trên phần lớn sản xuất từ Trung Quốc và Thái Lan.
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận đã bán những sản phẩm được làm giả tinh vi từ nước ngoài, khiến các cơ quan chức năng khó nhận biết. Thậm chí các đối tượng còn mua sản phẩm giả ngay từ nước bản địa, mang về Việt Nam thông qua đường “xách tay”, sau đó chia nhỏ để bán… Như vậy, ngay cả khi cơ quan quản lý phát hiện ra cũng khó xử lý mạnh tay, bởi chỉ có thể xử phạt hành chính theo quy định, mà mức xử phạt chưa cao nên chưa đủ sức răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Nguyễn Văn Duẩn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường tỉnh: Thực phẩm chức năng còn được các doanh nghiệp bán thông qua các cuộc hội thảo, giới thiệu sản phẩm và các công ty đa cấp bán qua mạng lưới phân phối gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng. |
Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường Nghệ An sẽ có những biến động so với thời điểm đầu năm, bởi nhu cầu mua sắm các loại mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng để làm quà biếu, bồi bổ sức khỏe, làm đẹp... có khả năng tăng cao. Từ đây tạo cơ hội cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh phi pháp tuồn hàng vào tiêu thụ trên địa bàn bằng các hình thức bán hàng qua mạng, hàng xách tay với những chiêu trò quảng cáo tinh vi, khó kiểm soát.
Do đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh phối hợp, tăng cường kiểm tra, đầu tư phương tiện cần thiết cho việc giám định nhằm xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất chân chính.
Quỳnh Lan
TIN LIÊN QUAN |
---|