Tranh cãi xung quanh vấn đề kiểm soát súng đạn đã kéo dài hàng thập kỷ qua và là một trong những nguyên nhân đang chia rẽ nước Mỹ.
» Những vụ xả súng kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ
Vụ xả súng đẫm máu gây nhiều thương vong tại Las Vegas vừa qua đã lại làm dấy lên tranh luận về vấn đề kiểm soát súng đạn, vấn đề đã tồn tại trong nhiều thập kỷ tại Mỹ.
Dân số Mỹ vào khoảng 315 triệu người, song có tới hơn 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành trong xã hội mà không được kiểm soát. Hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kể sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý.
Thống kê mới đây của trang web gunviolencearchive.org cho thấy, kể từ đầu năm đến nay có gần 250 vụ xả súng tại Mỹ, khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương. Trong số những nạn nhân thương vong có 480 trẻ em dưới 12 tuổi.
Thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ, song đều bị thất bại trong bối cảnh đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội Mỹ. Hiện có nhiều ý kiến đã lên tiếng kêu gọi giới lập pháp Mỹ phải có hành động cụ thể nhằm kiểm soát bạo lực súng đạn ở Mỹ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, đây không phải là vấn đề dễ dàng thực hiện do sự xung đột giữa các nhóm lợi ích.
Dư luận Mỹ sau vụ xả súng tại Las Vegas
Sau mỗi vụ xả súng hàng loạt, cuộc tranh cãi giữa hai phe ủng hộ và phản đối các chính sách kiểm soát súng đạn lại rộ lên mạnh mẽ. Vụ xả súng được đánh giá là đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại tại Las Vegas, đêm 01/10 vừa qua, cũng không ngoại lệ. Hàng loạt nghị sỹ, quan chức và những người ủng hộ kiểm soát chặt chẽ súng đạn đã lên tiếng yêu cầu cần có các đạo luật hiệu quả để ngăn chặn thảm kịch này lặp lại một lần nữa.
Tuy nhiên, với tính chất man rợ của vụ thảm sát vừa qua cộng với việc thủ phạm sở hữu một kho vũ khí khổng lồ, với hơn 40 khẩu súng các loại và hàng nghìn viên đạn, không ít người từ trước đến nay ủng hộ sở hữu vũ khí đang thay đổi quan điểm của mình.
Trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội, đã có hàng nghìn người đủ các thành phần, từ quan chức, nghị sỹ đến diễn viên hay người dân bình thường, tuyên bố thay đổi quan điểm của mình, muốn hạn chế súng đạn kể từ sau đêm 1/10 vừa qua. Không ít người tiếp tục bày tỏ sự thất vọng khi chết chóc đang trở thành một phần cuộc sống tại Mỹ. Có thể thấy rằng, sau Las Vegas, quan điểm và đánh giá về quyền cũng như kiểm soát sở hữu súng đạn của người dân Mỹ dường như đang có những thay đổi mạnh mẽ.
Chính quyền Tổng thống Trump trước vấn đề kiểm soát súng đạn
Trước khi lên đường đi thăm Puerto Rico ngày 3/10, trả lời phỏng vấn báo giới, Tổng thống Donald Trump cho biết, giới chức nước này sẽ thảo luận về luật kiểm soát súng đạn trong thời gian tới. Đây là tuyên bố thứ hai của ông Trump liên quan đến vụ xả súng đẫm máu tại Las Vegas cuối tuần qua.
Trước đó, trong bài phát biểu sau thảm kịch, Tổng thống Trump đã không nhắc đến vấn đề kiểm soát súng đạn mà chỉ kêu gọi nước Mỹ đoàn kết lại để đối phó với những hành động cực kỳ tàn ác như vừa qua.
Điểm lại 9 tháng cầm quyền vừa qua, các vấn đề mà Tổng thống Trump phải đối phó hầu hết đều đến từ các quyết định và chính sách của chính ông này. Chính vì thế, vụ thảm sát đêm Chủ nhật vừa qua đang đặt thêm một thách thức hoàn toàn mới cho năng lực lãnh đạo của ông chủ Nhà Trắng.
Hơn nữa, đa số các vụ thảm sát trước đây thường khiến mọi người nghĩ đến vấn đề người nhập cư, chủ nghĩa khủng bố hay sự bất mãn trong xã hội.
Trong vụ xả súng hàng loạt vừa qua, thủ phạm lại không có động cơ rõ ràng. Trong thời gian tới, không chỉ những người ủng hộ quan điểm kiểm soát chặt chẽ súng đạn sẽ lên tiếng mạnh mẽ mà ngay bản thân ông Trump và các quan chức ủng hộ sở hữu súng đạn cũng không thể tránh né, buộc phải mang vấn đề đã và đang gây nhức nhối trong dư luận Mỹ ra thảo luận.
Cho dù kết quả tranh cãi giữa hai phe ủng hộ và phản đối như thế nào thì chính quyền Tổng thống Trump cũng bắt buộc phải đưa ra quan điểm rõ ràng của mình về kiểm soát súng đạn.
Vấn đề cốt lõi của cuộc tranh cãi
Tranh cãi xung quanh vấn đề kiểm soát súng đạn đã kéo dài hàng thập kỷ qua và là một trong những nguyên nhân đang chia rẽ nước Mỹ.
Các cuộc tranh cãi này không chỉ gói gọn trong một tầng lớp, một thế hệ mà là hệ quả của lịch sử nước Mỹ từ ngày lập nước, đan xen trong tất cả các tầng lớp, từ chính giới, đảng phái chính trị, lợi ích kinh tế cho đến từng thành phần, từng khu vực trong xã hội vốn đa dạng và vô cùng phức tạp của Mỹ.
Quay lại lịch sử, Tu chính án thứ 2 trong 27 Tu chính án của Mỹ được thông qua ngày 12/12/1791 bảo đảm các công dân Mỹ có quyền sở hữu và mang súng. Nội dung của Tu chính án này có hai phần: Lực lượng dân quân được quản lý tốt là cần thiết cho an ninh của bang tự do và quyền của người dân sở hữu và mang vũ khí không thể bị xâm phạm.
Việc khó giải thích nội dung Tu chính án này một cách rõ ràng, hai vế song song nhau hay vế trước là điều kiện cho vế sau, cho phép cả phe ủng hộ và phản đối đưa ra lập luận riêng bảo vệ quan điểm của mình.
Về quan điểm, Tổng thống thuộc phe Cộng hòa thường ủng hộ nới lỏng hạn chế súng đạn trong khi Dân chủ liên tục đưa ra các đề xuất hạn chế. Việc ủng hộ quan điểm nào phụ thuộc mật thiết vào ý chí của cử tri ủng hộ họ, chính vì thế, để đưa ra dư luật kể cả ủng hộ hay hạn chế cũng chính quyền đều gặp khó khăn.
Nền văn hóa và tâm lý ưa thích súng đạn lâu đời, tận dụng thủ đoạn chính trị để kiếm phiếu bầu cộng với lợi ích kinh tế to lớn dường như là những yếu tố chính đã gây ra tranh cãi về kiểm soát súng đạn nhiều năm qua.
Nhu cầu của người dân Mỹ về thắt chặt kiểm soát súng đạn
Văn hóa súng đạn đã trở thành một đặc điểm nổi bật trong xã hội Mỹ từ rất lâu. Chính vì thế, tâm lý của người dân Mỹ đối với quyền sở hữu súng đạn nói chung và việc kiểm soát súng đạn nói riêng rất phức tạp.
Theo kết quả thăm dò của Trung tâm nghiên cứu PEW tháng 6 năm 2017. Có tới gần một nửa người dân Mỹ lớn lên trong ngôi nhà có ít nhất một khẩu súng, con số đối với những người hiện đang sở hữu súng là 67% trong khi với những người không sở hữu súng là 40%. Theo một số kết quả thăm dò trước vụ thảm sát tại Las Vegas, có khoảng 80-90% số người được hỏi ủng hộ việc kiểm tra lý lịch của người mua súng. Xu hướng này không chỉ tăng lên trong người dân Mỹ mà còn nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên Cộng hòa.
Tuy nhiên, cũng theo kết quả thăm dò của Trung tâm PEW, có 52% những người không sở hữu súng và 71% số người từng sở hữu súng cho biết có thể họ sẽ mua súng trong tương lai. Duy trì quyền sở hữu súng, thực hiện một số biện pháp để hạn chế các vụ thảm sát liên quan đến súng đạn có lẽ là điều mà đa số người dân Mỹ mong muốn hiện nay./.
Theo VOV