Nhận diện những thách thức
Để đảm bảo chỉ tiêu về thu ngân sách Nhà nước (NSNN), ngay từ đầu nhiệm kỳ, các giải pháp về thu ngân sách được các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ khẩn trương. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hàng năm đều đạt và vượt so với dự toán được Trung ương giao. Các nguồn thu được quản lý chặt chẽ, đảm bảo thu kịp thời, bổ sung vào NSNN.
Kết quả thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 10.647,8 tỷ đồng; năm 2016 đạt 11.790,6 tỷ đồng; năm 2017 đạt 12.595 tỷ đồng; năm 2018 đạt trên 13.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa năm 2015 đạt 7.709,9 tỷ đồng; năm 2016 đạt 9.887,1 tỷ đồng; năm 2017 đạt 11.074 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo đánh giá, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của tỉnh; một số chỉ tiêu khó đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù thu NSNN tăng trưởng hàng năm nhưng theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra đến cuối nhiệm kỳ đạt từ 25.000 đến 30.000 tỷ đồng, thì đây là nhiệm vụ khó hoàn thành.
Về nguyên nhân, theo Cục Thuế tỉnh: Tốc độ tăng GRDP của tỉnh không đạt như dự kiến (theo mục tiêu đại hội cả giai đoạn 2016 - 2020 là 11-12%, nhưng dự kiến năm 2020 mới đạt mức cao nhất là 10 - 11%). Tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh, tạm ngừng hoạt động ở mức cao, tỷ trọng doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ doanh nghiệp phát sinh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đạt dưới 35%,...
Mặt khác, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới trong giai đoạn vừa qua, một số dự án lớn cam kết đầu tư vào Nghệ An nhưng chưa triển khai như: Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I; Nhà máy sản xuất thép Kobelco; các dự án nâng cấp công suất sản xuất bia của các Công ty Bia Sài Gòn và Bia Hà Nội,... Trung ương thay đổi các cơ chế về thuế liên quan đến chính sách thu (giảm giá tính thuế thủy điện, tăng phân bổ chi phí cho các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn Nhà nước, các doanh nghiệp xuất khẩu tài nguyên không được hoàn thuế,...).
Một khoản thu khá lớn thuộc lĩnh vực bia, rượu thì hiện nay các nhà máy bia thay đổi cơ cấu sản xuất, chuyển từ sản phẩm bia có giá trị cao sang sản phẩm bia có giá trị thấp hơn để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn dẫn tới giảm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trên địa bàn.
Cùng đó, các mũi kinh tế và các vùng trọng điểm trong phát triển kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng; Các khu công nghiệp, công nghiệp nhỏ chậm lấp đầy. Các dự án lớn trên địa bàn đi vào hoạt động trong giai đoạn 2016 -2018, tuy nhiên chưa phát sinh thuế nộp như kỳ vọng, như Tôn Hoa Sen, gỗ MDF, VSIP, các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam... Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) còn hạn chế, chưa có dự án lớn mang tính động lực.
Theo ông Hà Lê Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An, Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017 và thực hiện chuyển đổi một số khoản thu phí, lệ phí của các đơn vị sự nghiệp công lập thành giá dịch vụ nên các khoản thu không cân đối (thu học phí, viện phí) sẽ không còn được hạch toán vào NSNN theo quy định.
Dự kiến nguồn thu này khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm (Năm 2016: viện phí thu được 3.182 tỷ đồng; học phí thu được 260 tỷ đồng). Đây cũng là một trong những lý do khiến cho công tác thu ngân sách khó đạt mục tiêu đề ra.
Tăng cường giải pháp thu ngân sách
Tại cuộc giao ban mới đây của UBND tỉnh, theo ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Sở Tài chính, ngành sẽ chỉ đạo quyết liệt công tác thu, khai thác các nguồn thu, tăng cường quản lý chống thất thu; rà soát, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN trên địa bàn.
Để đảm bảo theo kịch bản đề ra, trong năm 2019, 2020 đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Trong giai đoạn nước rút, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm chủ lực. Trong đó xác định rõ chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu kế hoạch. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành chịu trách nhiệm về kết quả lãnh đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu của địa phương, ngành, lĩnh vực phụ trách.
Thể hiện một số lĩnh vực có khả năng kích cầu tăng trưởng, đó là một số dự án như: Dự án cải tạo chung cư Quang Trung (thành phố Vinh), Đại lộ Vinh - Cửa Lò, cầu Cửa Hội, nâng cấp đường Bình Minh (Cửa Lò)... Ngoài ra, nhiều dự án lớn như Nhà máy bia, nước giải khát Masan tại Khu B - KCN Nam Cấm (1.661 tỷ đồng); Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (1.025 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Biomass Fuel Việt Nam tại KCN VSIP (20 triệu USD); Nhà máy dược phẩm Nghệ An (315 tỷ đồng),... đang được nhà đầu tư tích cực triển khai để sớm đưa vào hoạt động. Đây chính là cơ sở để kích thích tăng trưởng, tạo nguồn thu trong thời gian tới.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh quý I năm 2019 ước thực hiện 3.354 tỷ đồng, đạt 24,9% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu nội địa đạt 3.014 tỷ đồng, đạt 25,6% dự toán và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2018; Thu tiền sử dụng đất 703 tỷ đồng, đạt 29,8% dự toán, tăng 60,6% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu: 340 tỷ đồng, đạt 20% dự toán và bằng 70,4% so với cùng kỳ năm 2018.