(Baonghean.vn) Bản Đon, xã Thông Thụ (Quế Phong -Nghệ An) rồi đây sẽ chìm trong hàng triệu m3 nước của lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Cái ngày người dân bản miễn cưỡng rời mảnh đất chôn rau, cắt rốn không còn xa. Thế nhưng, đến thời điểm này, người dân bản Đon vẫn chưa "duyệt" phương án chuyển về khu tái định cư (TĐC) Huôi Tùm (xã Tiền Phong).


Bản Đon nằm cách Quốc lộ 48 chưa đầy 5km. Vậy mà, hành trình vào bản của chúng tôi phải mất gần nửa ngày trời với hai lần vượt sông Chu trên những cây cầu tạm bợ làm bằng tre nứa nổi dập dềnh theo sóng nước.


Bản nhỏ có hơn 118 nóc nhà sàn, nằm san sát nhau, tựa lưng vào dãy Pù Huôi Công sừng sững, mặt hướng ra dòng Nậm San (tiếng Thái, Tày có nghĩa là sông Chu ) cuộn nước về xuôi. Ở bản Đon, 100% đồng bào Thái quanh năm sống hiền hòa, tay cấy, tay cày theo mùa vụ; hết ngày mùa, dân bản lại rủ nhau lên Pù Huôi Công đặt bẫy, hái măng rừng. Cuộc sống của đồng bào Thái ở bản Đon dù còn khó khăn, song cứ êm đềm trôi qua như vậy từ đời này sang đời khác, lâu đến nỗi cả già làng Vi Văn Ngoạn (80 tuổi) không còn nhớ tổ tiên mình chuyển đến đây từ đời nào. Nhưng có một điều mà cả già Ngoạn cũng như con cháu già đều cảm thấy bần thần, trăn trở mỗi khi nhắc đến - đó là thời khắc cả bản phải bỏ lại mảnh đất này để chuyển về một nơi ở mới đang gần kề. "Phải rời đất ông bà, tổ tiên mà đi, bụng mình buồn lắm chứ!" - già Ngoạn buồn bã.


 
Cán bộ xã, huyện, Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na phải vào vận động nhiều lần, bà con mới thông suốt chấp nhận di dời về nơi ở mới. Nhưng ngặt nỗi, cả bản thống nhất chỉ chuyển sang một khu tái định cư mới ngay trong xã Thông Thụ (Quế Phong) chứ không đồng ý chuyển về khu TĐC Huôi Tùm (xã Tiền Phong) nằm gần trung tâm huyện Quế Phong. "Chúng tôi nhiều lần lội bộ vào với bà con, cùng ăn, cùng ở, vận động nhưng bà con chỉ muốn TĐC ngay trong địa bàn xã Thông Thụ thôi. Đây là vấn đề khó khăn nhất trong công tác di dân TĐC của Thủy điện Hủa Na"- ông Cao Xuân Quỳnh -Trưởng phòng đền bù - giải phóng mặt bằng Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na cho biết.


Thời điểm này, ở bản Đon, câu chuyện được bà con bàn tán sôi nổi là chính quyền có chủ trương di dời cả bản về khu TĐC Huôi Tùm (xã Tiền Phong) cách bản cũ gần 40 km. Ông Hà Văn Thanh (56 tuổi) thương binh hạng 2/4 - Chi hội trưởng Hội CCB bản Đon, chia sẻ: "Dân bản mình sống quen sông, quen thổ của vùng này rồi. Bây giờ chuyển ra gần trung tâm, điều kiện sinh hoạt có thuận tiện hơn thật, nhưng về lâu, về dài, dân bản vẫn lo không có đất đai để làm ăn. Vì vậy, dân bản quyết định xin được TĐC trên địa bàn xã Thông Thụ thôi. Chúng tôi đã tự tìm được mấy điểm TĐC rồi".


Còn đối với Quang Châu Thắng (47 tuổi), anh có lý do để phải lo lắng cho gia đình 9 miệng ăn của anh nếu phải chuyển ra khu TĐC mới ở xã Tiền Phong. "Cả nhà chỉ trông vào ruộng, rẫy và rừng. Nếu chuyển ra đó thật thì lấy đất mô mà sản xuất. Người dân xã Tiền Phong còn phải kéo nhau vào Thông Thụ làm ăn mà. Bây giờ cả bản chúng tôi ra đó biết làm gì mà sống. Tốt nhất là cho chúng tôi định cư tại xã, không đi đâu cả"- Thắng thổ lộ.


Chúng tôi gặp Lương Khánh Thiện đại biểu HĐND xã Thông Thụ (Quế Phong). Ở tuổi 27, Thiện được xem là "ông nghị" trẻ nhất xã từ trước đến nay. Là người con bản Đon, đại diện cho ý kiến của dân bản ở HĐND xã nên Thiện nắm rõ tâm tư của dân bản lắm! Thiện chia sẻ: "Dân bản không muốn ra Huôi Tùm vì sợ không có đất sản xuất, sợ cuộc sống ngoài ấy gần trung tâm phức tạp, nhiều tệ nạn xã hội". Nhưng, theo Thiện, bà con nhất quyết không chuyển ra khu TĐC cư mới cái chính là do tâm lý "ngại thay đổi". Lâu nay, bà con sống khép kín ở mảnh đất "sau núi, trước sông" này. Bây giờ, nếu phải di chuyển ra Huôi Tùm, nhiều người cảm thấy bị "ngộp", người khác lại lo sợ ra đó không biết làm gì mà sống, bởi lâu nay chỉ biết đến rừng, đến rẫy, bà con nào có biết làm gì khác nữa đâu.


Trước tình cảnh trên, huyện đã tổ chức đoàn công tác nhiều lần xuống tận bản để họp vận động bà con, nhưng người dân bản Đon (xã Thông Thụ) vẫn chưa đồng ý. Ông Trương Minh Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện - Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ và TĐC và ông Cao Xuân Quỳnh, Trưởng phòng đền bù giải phóng mặt bằng Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na, cho biết: "Chúng tôi vẫn đang tích cực vận động bà con đồng ý chuyển dời về khu TĐC Huôi Tùm (xã Tiền Phong). Nhiều biện pháp được thực hiện một cách đồng bộ với quyết tâm trong thời gian ngắn nhất, công tác di dân, TĐC tại bản Đon sẽ hoàn thành".


Bản Đon, bản Ăng, xã Thông Thụ là 2 bản không đồng ý chuyển đến điểm TĐC Huôi Đừa và Huôi Tùm ở xã Tiền Phong vì mong muốn TĐC nội xã theo vị trí do dân tự chọn (di vén). Giữa chính quyền và người dân chưa có sự đồng thuận đang khiến 2 bản này trở thành điểm khó nhất trong công tác TĐC Thủy điện Hủa Na. Song, dù phương án đi dân nào thì cũng cần phải có sự tính toán, cân nhắc thật kỹ lưỡng, nhằm tránh những phát sinh về lâu, về dài ảnh hưởng đến dân sinh như đã từng xẩy ra tại các khu TĐC thủy điện không chỉ ở trong tỉnh ta mà còn trên phạm vi cả nước.

"Khu TĐC khe Chóng và khe Ò (xã Yên Na, huyện Tương Dương) thuộc công trình Thủy điện Bản Vẽ. Chỉ sau một năm chuyển về, khu TĐC này đã bị đá núi lở vào nhà. Năm 2011, núi tiếp tục lở đe dọa tính mạng, tài sản nhân dân ở 2 khu TĐC này. Hiện nay, UBND huyện Tương Dương đang phải tìm phương án di dân đi nơi khác. Đây là bài học về việc chọn hình thức TĐC di vén khi chưa có sự khảo sát kỹ nơi đến mà chỉ dựa vào ý kiến của người dân vì sức ép tiến độ công trình".

Nguyễn Thành Duy