(Baonghean) - Năm 2016, dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết diễn biến khắc nghiệt, nhưng hoạt động khuyến nông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bước sang năm 2017, là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, ngành chủ trương thực hiện các giải pháp hiệu quả để góp phần quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành.
Bí xanh là loại cây trồng đã được bà con huyện Tương Dương đưa vào trồng từ lâu. Ông Quang Văn Quý - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Tương Dương cho hay: Trên địa bàn huyện trước đây trồng khoảng 40 ha bí xanh. Tuy nhiên người dân chủ yếu trồng theo phương thức truyền thống, không bón phân, phòng trừ sâu bệnh, quá trình chăm sóc không theo quy trình kỹ thuật nên có những hạn chế về năng suất và chất lượng, năng suất bình quân đạt 18 tấn/ha.
Mô hình “Sản xuất rau an toàn (bí xanh) theo hướng VietGAP” tại bản Lưu Thông - xã Lưu Kiền và bản Na Tổng – xã Tam Thái được triển khai với quy mô 3 ha do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với trạm triển khai từ tháng 4/2016, ngoài chủ yếu sử dụng giống bí xanh địa phương (bí người Mông), còn có thêm các giống bí xanh (Con én vàng), bí đỏ lai F1 và bí đao (bí sắt) NV 86.
Tham gia mô hình, 18 hộ dân được lựa chọn tham gia tập huấn kỹ thuật, quá trình thực hiện, cán bộ phụ trách mô hình thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân tham gia mô hình về cách trồng, chăm sóc, bón phân, phòng bệnh, sử dụng thuốc BVTV chất lượng đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật. Nhờ đó, dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết vụ xuân năm 2016 khá khắc nghiệt, giai đoạn trồng, bí ra hoa đậu quả gặp nắng nóng kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng của cây bí nhưng năng suất thực thụ vẫn đạt 25 tấn/ha, lãi ròng thu được trên 1 ha đạt trên 106 triệu đồng, cao hơn đối chứng 45 triệu đồng/ha.
Mô hình thành công đã đem lại cho nông dân một cách nhìn mới trong việc trồng bí theo kỹ thuật mới, từng bước tăng năng suất, tăng dần diện tích, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng phân bón theo hướng VietGAP, áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào trong sản xuất.
Năm 2016, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp, nhưng hoạt động khuyến nông của tỉnh ta tiếp tục đạt những thành quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và chương trình xây dựng NTM.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Nguyễn Quý Linh cho biết: Toàn tỉnh đã xây dựng 70 mô hình trình diễn, đạt 100% kế hoạch được giao, đúng tiến độ, yêu cầu và chất lượng đặt ra. Nhiều mô hình về giống cây, con mới đã được các địa phương ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả và được đông đảo người dân đón nhận, nhân rộng.
Điển hình như mô hình trồng dưa lê nông hữu siêu ngọt tại huyện Nghi Lộc; Mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng VietGap tại huyện Anh Sơn; Mô hình trồng nghệ dưới tán rừng tại TX. Hoàng Mai; nuôi cá rô phi, cá trắm trong lồng tại huyện Quỳ Châu... Đồng thời, đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông. Ngoài chỉ đạo tổ chức 1.000 lớp tập huấn cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông còn huy động nguồn lực từ các địa phương, doanh nghiệp để khảo nghiệm, hội thảo và tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao một số loại giống cây, con và phân bón mới ứng dụng vào sản xuất.
Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Ngành Khuyến nông tỉnh chủ trương chú trọng và ưu tiên xây dựng, phát triển các mô hình khuyến nông theo quy mô lớn (trang trại, gia trại) gắn quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh với sản xuất hàng hóa, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đầu tư mạnh KHCN và tiến bộ KHKT vào các khâu trong quá trình sản xuất. Đánh giá nhu cầu của thị trường để từ đó lựa chọn kỹ thuật mới, đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân nhằm phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình. Đổi mới phương pháp và đa dạng hóa nội dung, hình thức tập huấn cho nông dân và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, chủ động liên kết ”bốn nhà“ nhất là đối với các tổ chức doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh để chuyển giao nhanh các tiến bộ KHKT, đáp ứng yêu cầu nhân rộng mô hình và phát triển sản xuất của nông dân.
Phú Hương - Cao Tuấn