Sự học là nhiệm vụ thường xuyên, suốt đời
P.V:Thưa ông, trong những ngày vừa qua, chúng ta vừa nhận được tin vui khi thành phố Vinh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”. Vậy, việc công nhận được dựa theo những tiêu chí nào, thưa ông?
Tiến sỹ Trần Xuân Bí: Thật phấn khởi và vinh dự trước tin vui, ngày 23 tháng 9 năm 2020, thành phố Vinh (Nghệ An) được UNESCO công nhận là thành phố tham gia Mạng lưới các “Thành phố học tập toàn cầu”. Thành phố Vinh được UNESCO công nhận nhờ triển khai việc học tập suốt đời ở cấp độ địa phương.
Đến thời điểm này, việc tổ chức đánh giá và công nhận các thành phố học tập và đưa vào Hệ thống các “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO là hoàn toàn độc lập. Về phía thành phố Vinh được UNESCO đánh giá là một trong những trung tâm đào tạo và giáo dục lớn nhất tại khu vực miền Trung. Thành phố của chúng ta cũng được ghi nhận là địa phương có truyền thống hiếu học, mạng lưới giáo dục của thành phố có khả năng đáp ứng được nhu cầu học tập và phát triển đa dạng của người dân với nhiều trường đại học, cao đẳng, nhiều cơ sở đào tạo, trường trung cấp nghề và hàng trăm trường học từ cấp phổ thông đến mầm non.
Cùng với thành phố Vinh, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) và hơn 50 thành phố khác từ 27 quốc gia cũng đã được UNESCO công nhận là thành phố học tập. Từ sự đánh giá của UNESCO kể trên về việc học tập suốt đời của người dân thành phố Vinh cho thấy, việc xây dựng các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều tiêu chí đã đem lại kết quả tích cực. Sa Đéc và Vinh được UNESCO đánh giá đã chứng minh được những chính sách và việc thực hành hiệu quả về học tập có thể "hỗ trợ sự phát triển của những thành phố sôi động, hội nhập, an toàn và phát triển bền vững".
P.V:
Tiến sỹ Trần Xuân Bí: Trong thời gian qua, Việt Nam đã sớm bắt nhịp với xu hướng toàn cầu là chủ trương xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho việc học tập suốt đời của mỗi người dân. Chính phủ cũng đã phê duyệt các đề án công tác và giao các ngành, địa phương cụ thể hóa các nội dung của công cuộc lớn lao và dài lâu này. Cụ thể, giai đoạn 2012-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án: “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”. Đề án lớn này bao gồm 7 đề án thành phần, trong đó hội khuyến học được giao thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” cũng chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.
Qua những văn bản đã triển khai, chúng ta có thể hiểu rằng, việc triển khai xây dựng xã hội học tập là hướng đến một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời. Ở đó, mọi người được tiếp cận những cơ hội học tập thuận lợi và lấy tự học cùng với ý chí, nghị lực phấn đấu kiên trì của mình là chính để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Việc học cũng không nên hiểu là chỉ học ở nhà trường, ở một độ tuổi nhất định mà “tất cả các hoạt động học tập có chủ đích xuyên suốt cuộc đời của một cá nhân từ khi chào đời đến lúc rời xa cuộc sống, theo các phương thức giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy” - theo đúng như tinh thần về học tập suốt đời của UNESCO.
Trong những năm qua, việc xây dựng xã hội học tập - học tập suốt đời ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh ta nói riêng được cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai đồng bộ ở mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Riêng hội khuyến học các cấp được giao tham mưu, triển khai việc xây dựng xã hội học tập - học tập suốt đời từ trong mỗi gia đình đến dòng họ, ra cộng đồng thôn, xóm, ấp, bản, tổ dân phố...
Vui đắp truyền thống hiếu học
P.V:Nghệ An được đánh giá là một trong những tỉnh, thành làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Ông hãy nêu những kết quả cụ thể mà Nghệ An đã làm được trong những năm qua. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, đặc biệt là với một tỉnh có truyền thống hiếu học như xứ Nghệ?
Tiến sỹ Trần Xuân Bí: Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020, Hội Khuyến học Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh có Quyết định số 1360/2015/QĐ. UBND-VX ban hành Kế hoạch triển khai, xây dựng các mô hình học tập theo tinh thần Quyết định số 281/2014/TTg. Qua 5 năm thực hiện, phong trào khuyến học ở Nghệ An đã thu được những kết quả rất đáng tự hào. Đó là, đẩy mạnh và duy trì được các phong trào thi đua khuyến học có tác dụng tích cực, thiết thực cổ vũ, động viên, giúp đỡ sự học của học sinh, sinh viên cũng như người lớn tuổi tỉnh nhà như: Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng - xây dựng các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập; Phong trào “Tháng Khuyến học Nghệ An”, “Tết Khuyến học Nghệ An”; phong trào “Tiếng trống, tiếng kẻng học bài”; Đàn gà - Vườn chuối - Ao cá - Vườn cây khuyến học; Khai bút đầu Xuân; Nuôi lợn nhựa - lợn đất khuyến học...
Nhờ phong trào khuyến học đã huy động được sự đóng góp về sức người, sức của trong dân và các doanh nghiệp, các nhà tài trợ hảo tâm cho việc xây dựng cơ sở trường lớp, học bổng dành cho các em học sinh giỏi các cấp, học sinh vượt khó đến trường học tập và tu dưỡng tiến bộ. Đáng mừng là, dù điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm gần đây, Quỹ Khuyến học các cấp đã vận động được 63-65 tỷ đồng/năm và trao thưởng gần 200.000 lượt suất phần thưởng khuyến học, học bổng cho các em học sinh. Đây cũng là những thành quả ý nghĩa và to lớn nhất mà công tác khuyến học đem lại, kịp thời động viên, hỗ trợ giúp các em học sinh vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và góp phần thúc đẩy tinh thần hiếu học của học trò xứ Nghệ.
P.V:Chúng ta vừa tổng kết 5 năm việc thực hiện Quyết định 281/QĐ -TTg về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Trong những thành tựu mà Nghệ An đạt được, các chỉ số về việc triển khai gia đình học tập, dòng học học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, làm sao những mô hình này duy trì và hoạt động được thực chất lại là vấn đề còn nhiều băn khoăn?
Tiến sỹ Trần Xuân Bí: Sau 5 năm thực hiện đại trà việc xây dựng các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, Nghệ An đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi, trên 75-80% gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt danh hiệu Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập.
Trên cả nước, Nghệ An cũng là địa phương được đánh giá cao trong việc triển khai, xây dựng các mô hình. Thành công đó có được là bởi việc xây dựng các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập phù hợp với lợi ích của người dân, với xu thế của thời đại. Đồng thời, có sự gắn kết việc học tập của con em, các thành viên trong gia đình với sự thành đạt, lập thân, lập nghiệp của con cháu; gắn kết với sự làm ăn ngày càng khá giả, với đời sống tinh thần, văn hóa của gia đình.
Thời gian qua, phong trào xây dựng các mô hình học tập cũng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp... vào cuộc, cùng chung tay làm khuyến học. Chúng ta cũng có đội ngũ các anh, chị em làm khuyến học tận tâm, tận tụy với sứ mạng được giao. Hiện hệ thống các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đầy đủ, nhất quán, tạo hành lang tư tưởng, chính trị thông suốt; hành lang pháp lý đủ mạnh để phát triển bền vững việc xây dựng xã hội học tập, trước hết là các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.
Từ những kết quả trên chúng ta cũng có thể thấy rằng, việc phát triển và duy trì tốt các mô hình không phải là nhất thời mà đã gắn với thực tiễn cuộc sống nhanh chóng và có tính ổn định. Xứ Nghệ là mảnh đất có truyền thống hiếu học lâu đời. Truyền thống này thường xuyên được khơi dậy và vun đắp bằng các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, có sức cuốn hút, có sức mạnh to lớn thúc đẩy sự học tập, rèn luyện, tu dưỡng, lập thân, lập nghiệp, phụng sự Tổ quốc, quê hương. Vì thế, một khi sự học vẫn còn được coi trọng thì những mô hình mà chúng ta đã xây dựng được vẫn tiếp tục được gìn giữ và vun đắp, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác.
P.V:Công tác khuyến học, khuyến tài không phải là nhiệm vụ riêng của các cấp hộikhuyến học mà là nhiệm vụ của tất cả các ban, ngành,đoàn thể và đến từng thôn,xóm, từng gia đình. NhânNgày Khuyến học Việt Nam(2/10), ông muốn gửi gắm gì để công tác khuyến học, khuyến tài ở Nghệ An ngày càng hiệu quả và đạt được mục tiêu đã đề ra.
Tiến sỹ Trần Xuân Bí: Thông qua phong trào xây dựng và phát triển các mô hình học tập, hệ thống tổ chức hội khuyến học của tỉnh nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng tổ chức hội và hội viên. Đến nay tổng số hội viên toàn tỉnh đạt trên 66 vạn, chiếm 20,6% dân số toàn tỉnh. Đây cũng là những nhân tố tích cực, ngày đêm tận tâm, tận tụy giúp cho công tác khuyến học của tỉnh nhà đạt được những thành tựu nổi bật trong nhiều năm qua, trở thành điểm sáng trong công tác khuyến học của cả nước. Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam, tôi chúc anh, chị em gặt hái được nhiều niềm vui trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng tỉnh Nghệ An sớm trở thành một xã hội học tập.
P.V: Xin cảm ơn ông!