Hiệu quả từ kinh phí “mồi”

Năm 2022, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 600 triệu đồng thực hiện đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng” cho 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH May mặc Quang Vinh ở xóm 3, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc và Công ty TNHH Công nghệ xanh DEV Việt Nam ở Lô 15, Khu công nghiệp Nghi Phú, xã Nghi Phú, thành phố Vinh.

Khuyến công tạo sức bật cho công nghiệp nông thôn ảnh 1
Sở Công Thương nghiệm thu máy sản xuất dung dịch điện giải xuất xứ Estonia của Công ty TNHH Công nghệ xanh DEV Việt Nam. Ảnh: Thu Huyền

Được hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng, Công ty TNHH Công nghệ xanh DEV Việt Nam ở Lô 15, Khu công nghiệp Nghi Phú, xã Nghi Phú, TP. Vinh đầu tư mới máy sản xuất dung dịch điện giải xuất xứ Estonia.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DEV Việt Nam cho biết: Đây là công ty có ngành nghề khá mới được hỗ trợ từ hoạt động khuyến công. Máy được đầu tư có công nghệ mới, như giảm thời gian tiếp xúc khử trùng; tự làm sạch; chất lỏng phân hủy sinh học; bộ điều khiển lưu lượng được lắp đặt trong phần thủy lực để đóng máy nếu nguồn cấp nước bị gián đoạn và khởi động thiết bị ngay sau khi lưu lượng nước tiếp tục được duy trì, thuận tiện hơn các dòng máy thủ công.

Máy sản xuất dung dịch điện giải xuất xứ Estonia của Công ty TNHH Công nghệ xanh DEV Việt Nam. Ảnh: Thu Huyền

Còn với Công ty TNHH May mặc Quang Vinh, được hỗ trợ 300 triệu đồng kinh phí của khuyến công quốc gia, doanh nghiệp đã đầu tư mới 20 bộ máy chần đè cổ nhỡ 3 kim 5 chỉ với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Máy có nhiều tính năng mới hiện đại như: Hệ thống máy tự động nâng chân vịt, tự động cắt chỉ trên dưới, không cần công nhân cắt chỉ thủ công.

Máy có hệ thống làm mát kim đặc biệt, ổn định hơn, giảm tần suất kim nóng làm đứt chỉ, đảm bảo sản xuất ổn định. Ngoài ra, cầu răng cưa máy bao gồm 3 cấp độ kích thước, có thể tùy chọn tính năng của vải giúp nâng năng suất hơn các dòng máy thông thường.

Đoàn công tác kiểm tra, nghiệm thu máy tại Công ty TNHH May mặc Quang Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Trước đó, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, năm 2020, Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống Nhất chi nhánh Nghệ An ở huyện Hưng Nguyên được hỗ trợ 300 triệu đồng đầu tư máy cán thép sản xuất cửa thép vân gỗ chống cháy. Sau khi đầu tư sản xuất, giá trị sản phẩm được nâng lên; máy ép, cán thép được các góc cạnh khó mà trước đây thực hiện bằng thủ công mất rất nhiều thời gian, chất lượng không đảm bảo và không đồng đều. Nếu so với lao động thủ công, máy đạt hiệu quả sản xuất gấp 10 lần, tiết kiệm được hàng chục lao động phổ thông và thu nhập người lao động nâng lên, đạt từ 7-10 triệu đồng/lao động/tháng; Một số lao động kỹ thuật cao có mức lương 15-17 triệu đồng/lao động/tháng. 60 lao động được tạo việc làm ổn định. Khoảng 9 tháng đầu năm nay, doanh thu đã đạt 19 tỷ đồng. Thị trường sản phẩm cửa thép vân gỗ chống cháy của công ty có ở các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2021.

Năm 2021, cũng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia 300 triệu đồng cho Đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất vật liệu trong xây dựng", Công ty cổ phần Thương mại kính Việt - Đức ở huyện Hưng Nguyên đã đầu tư mới máy mài kính song cạnh công nghiệp. Máy có thể mài một lúc 2 cạnh và mài được loại kính mỏng mà các máy móc trước đây của doanh nghiệp không làm được. Thấy được hiệu quả của máy móc hiện đại, đơn vị đã chủ động đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị khác để phục vụ sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Số lao động trực tiếp hiện nay của công ty là 64 người, với thu nhập bình quân 7,5-12 triệu đồng/lao động/tháng. Doanh thu của công ty năm 2021 đạt khoảng 20 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi ổn định hơn, lượng sản phẩm được tiêu thụ cao hơn, doanh thu đến nay đã đạt khoảng gần 20 tỷ đồng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp nông thôn

Ngoài các chương trình hỗ trợ trực tiếp từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công Thương Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 thực hiện Đề án: "Hỗ trợ ứng dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ trong sản xuất, chế biến mỳ sợi" tại Công ty cổ phần Tổng hợp Phú Tài Phát, xã Nghi Kim, TP. Vinh. Dây chuyền được đầu tư là hoàn toàn tự động từ khâu trộn mỳ đến khi ra thành phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đây, đơn vị sử dụng cụm máy móc, thiết bị đơn lẻ, các thiết bị thô sơ, sử dụng thủ công cho ra sản phẩm có năng suất, chất lượng thấp, chưa đáp ứng được tối đa yêu cầu của thị trường. Với dây chuyền thiết bị đồng bộ do một nhà sản xuất nghiên cứu chế tạo và lắp ráp đã giúp công ty nâng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công suất được nâng lên gấp 5 lần so với phương pháp sản xuất cũ.

Trong 2 năm (2021-2022), đã có hơn 40 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Trong ảnh: Máy chần đè cổ nhỡ 3 kim 5 chỉ ở Công ty TNHH May mặc Quang Vinh. Ảnh: Thu Huyền

Đối với hoạt động khuyến công địa phương, năm 2021, nguồn kinh phí được phê duyệt là 4,5 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ 15 đề án máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ, tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Năm 2022, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí khuyến công tỉnh đợt 1 cho 45 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 4,392 tỷ đồng. 2 năm qua (2021-2022) đã có hơn 40 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng máy móc tiên tiến trong các lĩnh vực: chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, may công nghiệp, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp xây dựng. Đặc biệt, có 2 đề án ứng dụng dây chuyền sản xuất tiên tiến được chuyển giao, nhân rộng.

Kiểm tra, nghiệm thu máy tại doanh nghiệp tư nhân Ngọ Dung ở thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Ảnh: Thu Huyền

Ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hoạt động khuyến công mang lại hiệu quả, nhất là hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp... góp phần gia tăng giá trị sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn, vùng kinh tế khó khăn.

Năm 2022, hoạt động khuyến công tỉnh hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn trong danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Nội dung hoạt động khuyến công của tỉnh được đánh giá đang ngày càng đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa, nhân rộng, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất ra các sản phẩm có giá trị, nhiều cơ sở có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. 6 tháng đầu năm 2022, Nghệ An có 25 sản phẩm, bộ sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh và có 8 sản phẩm được lựa chọn vinh danh cấp khu vực.

Nếu như năm 2020 toàn tỉnh chỉ có 53 sản phẩm tham gia thì năm nay có 82 sản phẩm đăng ký tham gia. Đây chính là động lực cho các cơ sở mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương

Bên cạnh đó, nhằm liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất hàng hóa, nhà phân phối sản phẩm và người tiêu dùng, đến nay, đã có trên 200 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết, từ đó, hình thành được hơn 100 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm OCOP của các địa phương, thông qua các kênh hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị, các sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại...

Có thể nói, nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí hoạt động khuyến công đã ngày càng được nâng cao. Hoạt động khuyến công đã góp phần tích cực tham gia thực hiện các chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp khu vực nông thôn./.