(Baonghean) - Tháng 2/1968, được sự điều động của Bộ biên tập Việt Nam TTX (nay là TTX Việt Nam), phóng viên chiến sự Phùng Triệu, lúc đó mới 21 tuổi, đã hành quân vượt mưa bom bão đạn bằng xe đạp để vào với "cửa tử" Truông Bồn cùng 2 đồng đội. Xã Hiến Sơn (Đô Lương), nơi nhóm phóng viên sơ tán chỉ cách trọng điểm Truông Bồn chừng 3 km đường chim bay. Lúc đó, không có một ngày nào, giờ nào ngớt tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời Nghệ An, đặc biệt là nút giao thông Truông Bồn. Phùng Triệu đã 2 lần sang viết tin, chụp ảnh tiểu đội 2, được mệnh danh là "Tiểu đội thép". Lần thứ 3, ông quyết định đi một mình. Tới nơi, vừa kịp gặp 14 đội viên TNXP đang hối hả san lấp hố bom về phía cuối truông. Phùng Triệu đã nhanh chóng tác nghiệp ngay mà không cần sắp xếp đội hình. Chụp đến kiểu phim thứ 10 bằng chiếc máy RolleiFlex, thấy tài liệu đã ổn, ông nói với tiểu đội trưởng Trần Thị Thông là tập hợp cả tiểu đội lại để chụp ảnh kỷ niệm. Chị em trong tiểu đội ai cũng thích, cũng muốn chụp, nhưng tiểu đội trưởng Trần Thị Thông lại lưỡng lự. Cô cảm ơn phóng viên và đưa ra 2 lý do không nên chụp ảnh kỷ niệm lúc này: một là phải nhanh chóng lấp hố bom để thông xe, hai là muốn đảm bảo an toàn cho nhà báo...
NSNA Vũ Văn Cảnh - TBT Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam, thay mặt tác giả Phùng Triệu trao lại cho người tiểu đội trưởng Trần Thị Thông. Ảnh: Sỹ Minh
Bức ảnh gốc cách đây 44 năm lần đầu tiên được công bố. Ảnh: Phùng Triệu
Về Phân xã, buổi tối ông xuống hầm chữ A tráng phim ngay, và hôm sau trước khi gửi phim về Tổng xã đã không quên cắt bớt một kiểu phim giữ lại để còn in ảnh tặng cho các chiến sỹ tiểu đội 2, như lời đã hứa. Thời kỳ đó, phóng viên tự ý cắt bớt phim tài liệu là vi phạm lớn, có thể bị kỷ luật nhưng ông đã "liều" vì xúc động trước hình ảnh quả cảm của những nữ TNXP trên tuyến lửa Truông Bồn. Lời hứa năm xưa đã trở thành nỗi niềm đau đáu hàng bao nhiêu năm sau trong cuộc đời người nghệ sỹ Phùng Triệu. Bởi lẽ cái ngày định mệnh 31/10 năm đó (1968), bom Mỹ đã cướp đi vĩnh viễn cuộc đời của 13 chiến sỹ TNXP anh hùng, ở trọng điểm Truông Bồn.
Dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 44 Huyền thoại Truông Bồn (27/10/2012) vừa qua, ông thảng thốt nghĩ đến món nợ chưa trả các liệt sỹ và anh hùng TNXP. Ông quyết tâm phải tìm tòi, lục lọi, lật giở tất cả những gì thuộc về kỷ niệm trong chiến tranh, tất cả những gì lưu giữ trong những năm tháng công tác tại Nghệ An. Và như có sự may rủi vô hình nào đó, tấm phim năm xưa đã được thấy kẹp trong tập thơ của cố thi sỹ Trần Hữu Thung (tác giả bài thơ nổi tiếng Thăm lúa). Tuy tấm phim (cỡ 6x6) đã bị mốc lấm tấm và xây xước một vài chỗ, nhưng NSNA Phùng Triệu mừng đến rơi nước mắt, bởi lẽ đây là một kỷ vật duy nhất của ông về Tiểu đội thép Anh hùng TNXP Truông Bồn ngày ấy. Ông coi đây là tấm phim quý giá nhất trong cuộc đời làm báo và 44 năm cầm máy ảnh của mình.
Mới đây nhất, trong dịp kỷ niệm 51 năm ngày Báo Nghệ An ra số đầu tiên (10/11/1961-10/11/2012), cũng là dịp trao giải thưởng cuộc thi ảnh báo chí "Khoảnh khắc Vàng" lần thứ Nhất, do Báo Nghệ An tổ chức, tất cả đều đã rất xúc động bởi sự có mặt của người tiểu đội trưởng TNXP Truông Bồn huyền thoại Trần Thị Thông năm xưa, nhân vật trong bức ảnh đạt giải Nhất cuộc thi "Gặp lại ân nhân". Nhưng thêm một lần, không gian như chợt lặng phắc, bởi vượt qua thời gian gần nửa thế kỷ, bức ảnh chụp về hoạt động san lấp hố bom của Tiểu đội TNXP Truông Bồn cách đây 44 năm, trước lúc Tiểu đội hy sinh khoảng 10 ngày, đã được NSNA Vũ Văn Cảnh - TBT Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam, thay mặt tác giả Phùng Triệu, trân trọng trao lại cho người tiểu đội trưởng Trần Thị Thông, nhân chứng duy nhất còn lại của một thời đạn lửa bi tráng nơi cửa tử Truông Bồn. Đó cũng là lần đầu tiên bức ảnh được công bố!