Đây được xem là động thái nhằm chủ động hạ nhiệt căng thẳng giữa Anh với Iran, đồng thời cũng được đánh giá là lựa chọn khôn ngoan nhằm chủ động thoát ra khỏi “mớ bòng bong” liên quan đến Mỹ và Iran.

Anh không thể “đấu sát ván”

Sau khi xuất hiện thông tin về việc 3 tàu của Iran cố gắng bắt giữ tàu chở dầu Heritage của Anh tại eo biển Hormuz - dù Iran kiên quyết bác bỏ cáo buộc này, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã lên tiếng kêu gọi cả hai bên hành động kiềm chế bởi vì Anh không muốn leo thang căng thẳng với Iran.

Trong thông báo mới nhất, ông Jeremy Hunt đã chủ động đề xuất sẽ thả tàu Grace 1 của Iran mà Anh đã phối hợp cùng Gibralta bắt giữ trước đó để chứng minh thiện chí của Anh trong việc giải quyết tình hình căng thẳng với Iran. 

anh__iran_1__reuters6966642_1472019.jpgNgoại trưởng Anh Jeremy Hunt đề xuất thả tàu Grace 1 của Iran. Ảnh: Reuters

Giới phân tích cho rằng, việc ông Jeremy Hunt đưa ra điều kiện sẽ thả tàu nếu Iran đảm bảo Grace 1 không vi phạm các lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến Syria cũng là rất khôn ngoan.

Thứ nhất, với điều kiện Grace 1 không vi phạm lệnh cấm của EU thì gần như chắc chắn con tàu này sẽ được thả, bởi Iran ngay từ đầu đã luôn phủ nhận việc tàu Grace 1 chở dầu đến Syria.

Thứ hai, với việc nhấn mạnh mối quan tâm của Anh là “đích đến” Syria chứ không phải là nguồn gốc dầu từ Iran, ông Jeremy Hunt đang cố gắng thiết lập sự khác biệt giữa cách tiếp cận trong chính sách của Anh và Mỹ, bởi Anh hiểu rằng Iran sẽ không chấp nhận trở thành đối tượng bị EU trừng phạt trong vấn đề liên quan đến Syria. Tuyên bố này cũng thể hiện mong muốn của Anh về việc tránh xa vòng xoáy căng thẳng tại Vùng Vịnh gần đây với 2 “người chơi” chính là Mỹ và Iran.

Trước thời điểm Ngoại trưởng Anh điện đàm với người đồng cấp Iran Javad Zarif, Anh đã tuyên bố sẽ điều tàu chiến thứ hai là HMS Duncan tới Vùng Vịnh để cùng với tàu HMS Montrose nhiệm vụ đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này. Tuyên bố như “đổ thêm dầu vào lửa” của Anh khiến dư luận không khỏi lo ngại về khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Anh và Iran.

Thế nhưng, động thái hòa giải của Ngoại trưởng Jeremy Hunt sau đó đã cho thấy tuyên bố của Anh chỉ là một “nước cờ” nhằm giữ gìn hình ảnh mà thôi.

Theo giới phân tích, trên thực tế Anh không đủ tiềm lực để “chơi sát ván” với Iran tại khu vực mà Iran hoàn toàn nắm thế chủ động này. Iran đã từng cảnh báo việc bắt giữ tàu Anh chỉ là vấn đề thời gian nếu như Anh không ngay lập tức thả tàu Grace 1.

Tàu Grace 1 của Iran bị bắt giữ với cáo buộc chở dầu đến Syria. Ảnh: AFP

Việc tàu Heritage của Anh bị tàu Iran bao vây, và chỉ được giải cứu sau khi HMS Montrose xuất hiện - dù chưa có thông tin chính thức nào xác nhận cho thấy Iran “nói được, làm được”.

Trong khi đó, giới chức Anh từng thừa nhận không có đủ tiềm lực để bảo vệ toàn bộ khoảng 50 tàu chở dầu cỡ lớn đang hoạt động tại khu vực này.

Các tàu chở dầu của Anh tại Vùng Vịnh sẽ vô cùng bất an nếu như căng thẳng với Iran không được hóa giải, và việc Anh nâng mức cảnh báo cao nhất với các tàu chở dầu tại Vùng Vịnh cho thấy bị tàu Iran bắt giữ là một nguy cơ hiện hữu. 

“Giữa đôi dòng nước”

Ngay từ khi Anh quyết định hỗ trợ Gibralta bắt giữ tàu Grace 1 của Iran, trong nội bộ nước Anh đã có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết phải tiến hành bước đi này, không chỉ bởi lo ngại sự trả đũa của phía Iran đối với các tàu chở dầu của Anh, mà còn bởi ảnh hưởng đến vai trò của Anh trong việc cùng các đối tác nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.

Mặc dù các quan chức Anh đã khẳng định không có mối liên hệ nào giữa việc đảm bảo tự do hàng hải và việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân từng được ký giữa Iran với nhóm P5+1, nhưng thực tế cho thấy hai vấn đề này có sự liên kết chặt chẽ.

Bất cứ hành động nào nhằm vào Iran ở Vùng Vịnh sẽ bị Iran đáp trả cứng rắn ngay lập tức với mục tiêu gây sức ép buộc các bên phải duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran theo hướng đảm bảo lợi ích cho quốc gia này. Và Anh chắc chắn không phải là ngoại lệ.

Với việc bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran, Anh muốn xây dựng hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm trong việc duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có tuân thủ các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt với Syria.

Thế nhưng một số chuyên gia cũng nhận ra rằng, bước đi của Anh chịu sức ép rất lớn từ phía Mỹ - quốc gia đang cố gắng bóp nghẹt nền kinh tế của Iran với các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của nước này. 

Anh thuận theo những tính toán của Mỹ có thể xuất phát từ sự mong manh của chính mình, từ nỗi sợ bị cô lập khi đang trong giai đoạn cắt đứt tư cách thành viên trong EU.

Nhận định này càng có cơ sở nếu xét trên thực tế, việc bắt giữ tàu Grace 1 có rất ít tác dụng đối với nguồn cung dầu của Syria, bởi nước này hoàn toàn có thể nhập khẩu dầu từ Nga - quốc gia mà cả Mỹ lẫn châu Âu đều phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi “đụng” tới. 

Tàu khu trục HMS Montrose của Anh đang làm nhiệm vụ tại Vùng Vịnh. Ảnh: Getty

Trong khi đó, việc bắt giữ tàu của Iran trước có thể khiến Anh bị “khóa chặt” trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài, trong khi các tàu chở dầu của Anh lại trở thành nạn nhân trước sự trả đũa của Iran.

Mặc dù Anh dự kiến sẽ có những cuộc trao đổi cấp cao với Mỹ về kế hoạch đảm bảo an toàn và tự do hàng hải ở Vùng Vịnh, song Anh vẫn lo ngại sự khác biệt trong chính sách với Iran sẽ khiến những quốc gia không tìm kiếm một cuộc đối đầu với Iran sẽ bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng - trong đó có Anh. 

Một khi Anh và Iran bị đẩy vào cuộc đối đầu không khoan nhượng, cơ hội Anh tham gia vào nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ gần như bằng 0. Đến khi đó, hình ảnh quốc gia tuyến đầu trong duy trì các lệnh trừng phạt với Syria sẽ không đủ để “cứu” Anh khỏi tai tiếng góp phần hủy hoại thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử.

Vì vậy, việc chủ động đề xuất thả tàu chở dầu của Iran được xem là một lựa chọn khôn ngoan của Anh để thoát ra khỏi “mớ bòng bong” mà họ trót vướng vào sau một tính toán thiếu cẩn trọng.