Liên quan đến những phản ứng của người tham gia giao thông bằng xe mô tô (xe máy) trước thông tin phải nộp phí đường bộ gấp 1,5 lần theo nội dung Thông tư 133/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện của Bộ Tài chính vừa có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Không tăng phí đường bộ với xe mô tô.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, về bản chất là không tăng phí đường bộ đối với xe mô tô, mà chỉ là sắp xếp lại các phương tiện và nhóm phương tiện cho phù hợp với thực tế. Mức phí vừa đưa ra trong Thông tư với mức 100.000 - 150.000 đồng là mức phí tối đa theo khung trần, còn cụ thể thu bao nhiêu là do Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, chứ không quy định thực thu tối đa là 100.000 - 150.000 đồng.
“Thông tư 133 ra đời thay thế Thông tư 197 trước đó, nhằm thay đổi các loại phương tiện và sắp xếp các đối tượng xe cần thu phí cho phù hợp với thực tế. Đối với xe mô tô, mức phí 150.000 đồng là khung trần tối đa đã được quy định từ trước tại Thông tư 197” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích, tại Thông tư 197, quy định thu phí đường bộ đối với xe mô tô được chia ra làm 3 nhóm, bao gồm: Xe có dung tích xi lanh 50cm3 trở xuống thu 50.000 đồng, từ trên 50 cm3 đến 100cm3 phải nộp 100.000 đồng và xe từ trên 100cm3 đến 175cm3 là thu 150.000 đồng. Còn tại Thông tư 133 vừa có hiệu lực thì có sự sắp xếp 3 nhóm xe nói trên thành 2 nhóm cho phù hợp với thực tế, quy định thu với xe dưới 100cm3 tối đa là 100.000 đồng và xe từ trên 100cm3 đến 175cm3 là 150.000 đồng, tức là bỏ quy định đối với nhóm xe từ 50cm3 trở xuống. Về phí áp thu với các loại phương tiện giao thông, ngoài xe máy thì còn có sự thay đổi sắp xếp đối với ô tô cho phù hợp với thực tế. Đơn cử như sơ-mi rơ-moóc, trước đây thu cả đầu kéo cả sơ-mi, nhưng giờ sửa đổi lại thì chỉ quy định thu phí đối với đầu kéo…
Theo Tin tức