Thu nhập ngoài tiền lương ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng. Thu nhập từ nhiều hình thức bao cấp trá hình phát triển.

Theo ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ chế tạo nguồn để thực hiện Đề án cải cách tiền lương và quản lý tiền lương đã đề ra cách đây 23 năm, cơ bản không thay đổi và không tạo chuyển biến lớn.

“Tiền lương hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ người hưởng lương từ ngân sách; không gắn bao nhiêu với cải cách hành chính. Hằng năm ngân sách nhà nước lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng cho tiền lương mà chất lượng bộ máy không được nâng cao, vẫn trì trệ, phiền  hà” – ông Đặng Như Lợi nói.

images1713137_tien_luong_thap_nhung_nhieu_can_bo_nha_nuoc_van_giau_co_hinh_1_57feda8262c53.jpgLương thấp nhưng nhiều người vẫn muốn vào cơ quan nhà nước làm việc

Một thực tế là tiền lương thực hiện (thực nhận) ngày càng bình quân, chắp vá, phá vỡ quan hệ tiền lương chung. Chúng ta càng xã hội hóa quỹ tiền lương chi từ ngân sách càng tăng, đóng góp của người thụ hưởng thêm nặng mà không mấy hiệu quả.

“Thu nhập ngoài tiền lương ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng. Thu nhập từ nhiều hình thức bao cấp trá hình phát triển. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trở nên giàu có, không biết, không sống và không quan tâm nhiều đến tiền lương của mình”, ông Đặng Như Lợi nêu thực tế.

Hiện nay, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ tiền lương hằng tháng của mình để phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, kĩ năng lao động và tăng tiền lương, trong khi cán bộ, công chức, viên chức tại chức, lực lượng vũ trang hưởng lương chỉ biết bậc lương, các khoản phụ cấp được hưởng mà không biết cụ thể tiền lương của mình bằng bao nhiêu. Đến hẹn lại lên, cán bộ, công chức, viên chức tốt xấu đều được xếp, hưởng lương mới. Cách làm này tốn kém cho ngân sách nhà nước mà tác dụng cải cách tiền lương chẳng được bao nhiêu.

Ông Đặng Như Lợi thừa nhận, tiền lương là vấn đề phức tạp, chuyển qua nhiều giai đoạn càng thêm phức tạp, khó hiểu, nhưng sự hiểu biết từ cơ quan soạn thảo, tham gia soạn thảo đến cấp quyết định còn quá nhiều hạn chế, nhận thức không đầy đủ. Trong khi đó, cấp quyết định chính sách tiền lương chưa tập trung đầu tư công sức, thời gian vật chất để nghiên cứu, lắng nghe, hiểu biết những nội dung cơ bản của chính sách tiền lương, cho nên phần nhiều các quyết định vẫn mang tính chủ quan, kinh nghiệm và nặng về chính trị.

Cải cách tiền lương theo hướng nào?

Ông Đặng Như Lợi cho rằng, trước tiên cần xác định rõ, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), lực lượng vũ trang ( LLVT) khác với tiền lương của người lao động trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Cần bảo đảm cho CB,CC,VC,LLVT sống được với tiền lương bình quân ít nhất bằng tiền lương bình quân của lao động trong doanh nghiệp.

Và cần tập trung nghiên cứu, thay đổi cơ chế, chính sách có tính đột phá, mạnh mẽ nhằm tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong khu vực  sự nghiệp, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở hạch toán kinh tế (không hạch toán kinh doanh, trừ trường hợp cụ thể).

Mục tiêu của việc cải cách này là hình thành một hệ thống chế độ tiền lương đồng bộ, khoa học, chống bình quân, cào bằng; Bảo đảm tương quan tiền lương hợp lý; Giảm cơ bản và tiến tới xóa bỏ các chế độ bồi dưỡng trong các cuộc họp, hội nghị; tiền ăn trưa và các khoản thu nhập tương tự khác.

Cùng với đó, cần thay đổi cơ bản hệ thống chế độ tiền lương của CB,CC,VC,LLVT hiện hành; tách hẳn với hệ thống chế độ tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh, với chế độ tiền lương hưu trí, trợ cấp BHXH và ưu đãi người có công với cách mạng.

Căn cứ vào tổ chức, tính chất và điều kiện lao động để xây dựng chế độ tiền lương, hình thức trả lương, cơ chế quản lý tiền lương phù hợp với từng lĩnh vực, ngành khác nhau. Tiền lương được xây dựng, xếp, hưởng theo công việc, chức vụ. Mức lương cơ bản được quy định cụ thể cho công việc, chức vụ và ổn định trong một số năm. Bỏ quy định mức lương bằng hệ số, phụ cấp chức vụ.

Để thật sự cải cách được chính sách tiền lương, theo ông Đặng Như Lợi, cần cải cách đồng bộ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách người có công. Xóa bỏ hoàn toàn chế độ bao cấp; Xem xét chế độ phương tiện đi lại và các chế độ bao cấp khác để xử lí cho phù hợp, hiệu quả. Tách chính sách tiền lương khu vực tự trang trải với khu vực ngân sách chi trả. Giao toàn quyền quyết định tiền lương khu vực tự trang trải cho tổ chức đại diện tập thể người lao động và người sử dụng lao động.

Nhà nước chỉ tập trung giải quyết tiền lương khu vực chi từ ngân sách. Nhà nước công bố mức lương tối thiểu quốc gia nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu chung của toàn xã hội. Tiền lương bình quân của cán bộ, công chức phải bằng hoặc cao hơn tiền lương bình quân của lao động trong doanh nghiệp. Và mấu chốt là “Cải cách tiền lương phải gắn với chất lượng cán bộ, công chức, viên chức” – ông Lợi nói./.

Theo VOV