(Baonghean) - Thật sai lầm nếu không nhanh chóng đưa cây cam trở thành cây trồng chủ lực ở Nghệ An trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường chung của thế giới - Đó là ý kiến phát biểu của ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tại cuộc họp sáng ngày 7/11/2015 với các sở, ban, ngành, các công ty nông, lâm nghiệp và các huyện, thành, thị trong tỉnh để bàn giải pháp phát triển cây cam trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh.

Cây trồng có hiệu quả lớn

Cam Nghệ An vốn nổi tiếng với thương hiệu "Cam Vinh" đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước thừa nhận và ngày 17/12/2010 Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Cam Vinh" cho sản phẩm cam quả Nghệ An. Đây là cơ sở và điều kiện để Nghệ An mở rộng diện tích trồng cam trên quy mô lớn để không những tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới sẽ là sản phẩm xuất khẩu lớn ra thị trường quốc tế và là nguồn nguyên liệu lớn để phục vụ cho nhà máy chế biến nước hoa quả có giá trị cao trong tương lai gần.

Xuất xứ thương hiệu cam Vinh thơm, ngon nổi tiếng được bắt nguồn từ giống cam Xã Đoài có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, do một cố đạo người Pháp sang truyền đạo ở xứ Xã Đoài ngày nay mang đến trồng. Đến bây giờ cam Xã Đoài không còn bó hẹp ở vùng Xã Đoài nữa, nó đã được đem đi trồng ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh nhờ có phương pháp nhân giống vô tính.

images1445224_y1.jpgẢnh minh họa

Gần đây, thông qua con đường trao đổi khoa học công nghệ, Nghệ An có thêm giống cam V2 được gieo trồng trên quy mô tương đối lớn. Cả 2 giống cam Xã Đoài và V2 đều có các đặc điểm cơ bản gần như giống nhau, đó là: quả hình trụ, trọng lượng quả nặng trung bình từ 140 - 145 gam, vỏ quả mỏng, thịt quả có màu vàng tươi như màu mật ong. Quả ít hạt, ăn có mùi thơm, ngon và có vị ngọt đặc trưng. Đặc biệt, cả 2 giống cam này ra hoa muộn và quả chín tập trung vào Tết âm lịch nên rất có giá khi bán.

Hiện nay, ở Nghệ An đã có 3.425 ha cam được trồng bằng cả 2 giống cam xã Đoài và cam V2 tập trung ở các huyện: Quỳ Hợp 1.642 ha, Nghĩa Đàn 425 ha, Thanh Chương 303 ha, Yên Thành 28 ha, Con Cuông 137 ha, Nam Đàn 162 ha, Anh Sơn 110 ha, Nghi Lộc 105 ha và rải rác một số địa phương khác. Trong số diện tích đó có 1.867 ha cam kinh doanh, năng suất cam bình quân chung toàn tỉnh đạt 135 tạ/ha.

Tại Công ty nông nghiệp Xuân Thành ở huyện Quỳ Hợp có gần 800 ha cam được phân bố cho 680 hộ nhận khoán, bình quân mỗi hộ trồng 1,07 ha cam. Hộ nhận khoán nhiều nhất từ 3 - 5 ha, ít nhất 0,5 - 1,0 ha. Theo ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty nông nghiệp Xuân Thành cho biết: Trong số gần 800 ha cam nói trên có 320 ha cam kinh doanh, vụ cam năm 2013 được mùa cam, nhưng không được giá vẫn cho thu nhập 100 tỷ đồng.

Vụ cam năm 2014 được cả  giá, được cả mùa cam nên doanh thu đạt được 150 tỷ đồng và vụ cam năm 2015 do gặp hạn nặng, cam vẫn nhiều quả, nhưng quả nhỏ hơn và vẫn cho thu nhập khoảng 143 - 145 tỷ đồng. Năm 2016 hiện nay cam rất sai quả, dự kiến sẽ là một năm được mùa cam không thua kém năm 2014 và 2015... Cũng theo ông Hoàng Minh, nếu được đầu tư thâm canh tốt, có nước tưới đầy đủ thì 1 ha cam cho doanh thu 1 tỷ đồng là chuyện bình thường ở đây.

Tại Công ty nông nghiệp Xuân Thành hiện nay có 40 hộ nông dân thành lập câu lạc bộ những người trồng cam có số doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp có ông Kiều Quang Vinh - một lão nông có kinh nghiệm trồng cam giỏi. Ông Vinh cho biết: Gia đình ông chỉ có 0,75 ha cam, năm ngoái ông thu hoạch được 40 tấn quả, bán với giá bình quân 30.000 đồng/kg, cho doanh thu 1,2 tỷ đồng. Vụ cam năm nay hạn nặng, nước tưới không kịp nên năng suất có phần giảm hơn năm ngoái. Nhưng cũng không thể có thu nhập dưới 1 tỷ đồng trên diện tích 0,75 ha này.

Xuống huyện lúa đồng bằng Yên Thành, vào trang trại cam Thiên Sơn ở xã Đồng Thành do ông Trịnh Xuân Giao làm trưởng trại, ông cho biết: Trang trại của ông có 20 ha cam được trồng bằng giống cam Xã Đoài, cam V2 và đã cho thu hoạch 15 ha, 5 ha còn lại năm sau mới cho thu hoạch. Vụ cam đầu tiên (năm 2012) thu về 200 tấn quả, cho thu nhập được 5,4 tỷ đồng. Vụ cam năm 2013 thu về 400 tấn quả, cho thu nhập 12 tỷ đồng.

Vụ cam năm 2014 thu về 500 tấn, cho thu nhập 15 tỷ đồng và vụ cam năm 2015 cho thu hoạch 600 tấn cam quả, doanh thu từ 17 - 18 tỷ đồng. Vụ cam 2016 này khả năng có thể được mùa lớn hơn năm 2015. Theo ông Trịnh Xuân Giao, hầu hết sản phẩm cam trang trại của ông 50% bao tiêu nội tỉnh, 50% còn lại khách hàng từ Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh vào tận trang trại của ông để mua và nhận hàng. Hiện nay trang trại của ông đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 12 ha nữa trong năm 2016 này.

Cam Vinh ngon nổi tiếng nhưng tại sao vẫn chưa "bứt phá" để trở thành nông sản chủ lực của tỉnh nhà? (Ảnh tư liệu minh hoạ).

Rõ ràng cây cam trồng trên đất Nghệ An đã đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người trồng cam. Không những thế, cây cam còn là cây trồng bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sống rất tốt. Mấy năm qua, phần lớn những người trồng cam với quy mô trên dưới 1 ha đều cho thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến trên dưới 1 tỷ đồng/ha thật dễ dàng; trong khi đó chi phí đầu tư để sản xuất cam qua tính toán hết tối đa từ 13 - 15% so với doanh thu mà thôi.

Nếu chúng ta đến một số vùng nơi bà con nông dân trồng bằng giống cam Xã Đoài, cam V2 ở các huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Yên Thành… mới thấy hết được giá trị đích thực của cây cam, không chỉ giúp xóa hết đói, giảm hết nghèo mà thực sự là cây trồng làm giàu cho rất nhiều gia đình, ông Hồ Ngọc Sỹ - nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT nói.

Phát triển mạnh cây cam là một chủ trương đúng

Tại các cuộc họp bàn về chủ trương và giải pháp phát triển cây cam ở Nghệ An hiện nay, hầu như không có ý kiến nào chần chừ, phân vân, do dự trong phát biểu thảo luận.

Ngược lại, tất cả các ý kiến đều cho rằng, mở rộng và phát triển mạnh cây cam hiện nay ở Nghệ An là một chủ trương đúng và trong thực tế mấy năm qua thu nhập từ cây cam của người trồng cam đã chứng minh điều đó.

Ở Nghệ An, cây cam rất có điều kiện và lợi thế để phát triển, đó là: Có giống cam Xã Đoài chất lượng tốt được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và cả một số nước trên thế giới biết đến khi nói đến "Cam Vinh". Gần đây có thêm giống cam V2 bổ sung vào có chất lượng tương đương giống cam Xã Đoài, cả 2 giống cam này đều rất tốt. Vùng miền Tây Nghệ An có 13.400 ha đất đỏ Bazan, đây là loại đất rất tốt có tầng canh tác dày, thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày. Hiện tại, vùng này đang là vùng trọng điểm trồng cam ở Nghệ An thuộc các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa…

Giống cam Xã Đoài có ở Nghệ An gần một thế kỷ nay, rất phù hợp với đất đai, khí hậu môi trường sống ở Nghệ An và đã được UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ hàng năm cung cấp đầy đủ kinh phí để nghiên cứu, bình tuyển, chọn lọc, phục tráng lại, nên giống cam Xã Đoài ngày nay vẫn tốt, vẫn giữ lại được chất lượng vốn có.

Người dân Nghệ An vốn có kinh nghiệm và truyền thống trồng cam từ nhiều đời nay. Khi được UBND tỉnh chủ trương mở rộng diện tích trồng cam trên quy mô lớn thì đây là cơ hội để cây cam trở thành cây trồng chủ lực, cây cho sản phẩm hàng hóa lớn và là sản phẩm thế mạnh của Nghệ An trong tương lai gần.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2015 - 2020 phần nói về nông nghiệp và phát triển nông thôn ghi rõ: Phấn đấu đến năm 2020 diện tích cam trồng mới 2.500 ha, đưa tổng diện tích cam cả tỉnh lên con số 6.000 ha. Phấn đấu đưa năng suất cam trên diện tích cam kinh doanh đạt bình quân 180 tạ/ha, sản lượng cam hàng hóa đạt khoảng 36.000 - 40.000 tấn.

Để thực hiện được chủ trương phát triển mạnh cây cam từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chủ trương kêu gọi các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả tại Nghệ An. Trước mắt, UBND tỉnh trích kinh phí của tỉnh để hỗ trợ 10.000 đồng/cây giống và kinh phí làm đất, cải tạo đồng ruộng để trồng cam.

Chủ trương mở rộng và phát triển mạnh cây cam ở Nghệ An bằng giống cam truyền thống Xã Đoài và giống cam chất lượng cao V2 là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay, rất được bà con nông dân đồng tình, nhất là bà con nông dân ở các huyện miền núi.

Để thương hiệu cam Vinh bay xa và luôn luôn trong nỗi nhớ không bao giờ quên của mọi người gần xa trong nước và quốc tế. Đề nghị UBND tỉnh giao ngành NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Quỳ Hợp tổ chức lễ hội cam, giới thiệu sản phẩm cam Vinh cho người tiêu dùng trong cả nước và quốc tế biết loại cam đặc sản quý hiếm này ở quê hương Nghệ An. Từ đó sẽ hình thành chuỗi giá trị khép kín từ người sản xuất đến các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ hết sản phẩm cam cho bà con nông dân.

Doãn Trí Tuệ

TIN LIÊN QUAN