(Baonghean) - Một vị đại biểu của dân, mới đây, khi phát biểu ở diễn đàn Quốc hội đã tha thiết kêu gọi bà con nông dân đừng dùng thuốc diệt cỏ, diệt chuột trong sản xuất nông nghiệp. Vì yêu quê hương đất nước thì đừng biến khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt. Nghe nôm na, dân dã, nhưng mà càng ngẫm càng thấy có nhiều chuyện cần bàn ở đây.

Phun thuốc diệt cỏ (Ảnh minh họa - Internet)
Phun thuốc diệt cỏ (Ảnh minh họa - Internet)

Trước hết, phải công nhận lời kêu gọi đó là đúng, nhưng chưa trúng vấn đề. Vì lẽ, không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật thì nông dân lấy gì để bảo vệ mùa màng khỏi sâu bệnh, cỏ dại. Không dùng phân hóa học thì lấy gì bón cho cây trồng. Không dùng thuốc tăng trưởng, kích thích thì sao nhanh thu hoạch, nhanh quay vòng đất để tăng năng suất, nâng cao thu nhập. Trong khi, thu nhập của người nông dân, sau khi “trừ đầu, trừ đuôi” chỉ còn nhõn mấy chục nghìn bạc một ngày. Tóm lại, không làm thế thì lấy gì nuôi cả nhà. Người ta cũng phải lo cho người ta trước đã rồi mới có thể lo cho người khác. Cho nên, kêu gọi thì phải đi đôi với hành động trợ giúp, hỗ trợ cụ thể.

Trên thực tế ta cứ kêu ca, phàn nàn người nông dân hay lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất, nhưng nào đã mấy ai kiên trì giúp đỡ, tạo điều kiện cho nông dân từ bỏ thói quen đó mà không ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Muốn nông dân làm ra sản phẩm sạch thì phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật, quy trình cho tới cả đầu ra. Đằng này, để được gia hạn một cái giấy sản xuất đạt chuẩn VietGAP phải mất 70 triệu đồng. Chưa kể các loại phân bón, thuốc bảo vệ hữu cơ dành cho các công đoạn sản xuất cũng đều đắt đỏ hơn rất nhiều. Vậy mà khi mang sản phẩm bán ra thị trường, giá cả cao hơn chẳng bao nhiêu. 

Vấn đề thứ hai là chưa hề có một kế hoạch, chiến lược hay chương trình nào nhằm để bảo vệ, tôn vinh các sản phẩm sạch được các cơ quan chủ quản đưa ra. Thế nên, khi đồ sạch mang ra tiêu thụ bị thương lái đánh lận con đen, nhập nhằng giữa sạch với không sạch. Để rồi người tiêu dùng không tin là có sản phẩm sạch thật mà chỉ là giả hiệu, coi sạch cũng như bẩn. Niềm tin không còn thì đương nhiên  sản phẩm không thể có chỗ đứng. Nói thẳng ra là với tình hình như hiện tại thì chỗ dành cho nông sản sạch rất bé nhỏ và luôn bị sản phẩm bẩn chèn ép và có nguy cơ bị thôn tính bởi sạch quá khó kiếm ăn. Và một khi lợi nhuận từ việc nuôi trồng các loại cây, con theo quy trình sạch để có sản phẩm sạch không cao hơn bao nhiêu so với trồng bừa, nuôi ẩu, thì chắc chắn là không mấy ai mặn mà, cho dù ai cũng muốn dùng đồ sạch, đồ thơm. 

Thế nên, chỉ kêu gọi suông là không ổn.

Duy Hương