Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ, tiêu chuẩn khắt khe về cái đẹp, bạo lực học đường... khiến cuộc sống của những người trẻ Hàn Quốc trở nên ngột ngạt.
Goo Yoon-I từng "gây bão" khi "vịt hóa thiên nga" thành công nhờ phẫu thuật thẩm mỹ. Sau 90 ngày ròng rã đau đớn và tốn kém, cô gái đã hoàn toàn lột xác, trở thành hot girl với vẻ đẹp chuẩn Hàn Quốc: làn da trắng hồng, mắt hai mí, mũi cao, môi chúm chím, mặt V-line.
Ám ảnh về ngoại hình
Nhóm nhạc nữ Hàn Quốc - 2NE1 - từng hát trong ca khúc nổi tiếng Ugly: "Tôi thật xấu xí nên chẳng ai muốn yêu thương tôi. Và tôi cũng muốn được xinh đẹp như cô ấy".
Theo trang The Atlantic, một trong những lý do khiến bài hát này thành công đến từ ý nghĩa của lời ca. Quả thật, Ugly đã đánh trúng tiếng lòng của nhiều cô gái, chàng trai Hàn Quốc tự ti về bản thân và mong muốn được đẹp hơn.
Năm 2014, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ trên bình quân đầu người. Điều này đồng nghĩa với việc xứ sở kim chi chính là đất nước "dao kéo" nhiều nhất, với 980.000 ca phẫu thuật được ghi nhận tại thời điểm 3 năm trước.
Phim ngắn kinh dị về phẫu thuật thẩm mỹ
Có nhiều nguyên nhân khiến người dân nước này muốn được trùng tu nhan sắc. Đó có thể là mong muốn được trẻ hơn hay loại bỏ dị tật trên khuôn mặt.
Nhưng dường như phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc đang có xu hướng trẻ hóa khi ngay cả lứa tuổi học sinh cũng nhu cầu xinh đẹp hơn bằng dao kéo.
Theo điều tra của báo chí Hàn Quốc, hơn 92% học sinh, sinh viên Hàn Quốc mong muốn được dao kéo.
Mallory Thornberry (30 tuổi, giáo viên dạy tiếng Anh tại trường phổ thông nữ sinh Gumi, Hàn Quốc) cho hay: "Trong quá trình giảng dạy, nhiều em nhận xét rằng đầu tôi quá nhỏ so với người".
Cô chia sẻ trên hành lang mỗi tầng của trường đều có gương lớn để các em học sinh tha hồ ngắm nghía. "Khi người Hàn nghĩ bạn béo, họ sẽ nói thẳng trước mặt bạn mà không chút ngần ngại", cô giáo trẻ nói.
Chịu ít nhiều ảnh hưởng từ hình mẫu chuẩn mực của các thần tượng xinh đẹp, nhỏ nhắn, tiêu chuẩn cái đẹp của người trẻ Hàn trở nên rất khắt khe.
"Hầu hết nữ sinh trường em đều mong ước được dao kéo. Các bạn ấy thường làm phẫu thuật vào kỳ nghỉ đông", một học sinh tên Seonghee nói với The Atlantic.
Thậm chí, phẫu thuật cắt mí còn được nhiều bậc phụ huynh tại Hàn chọn làm quà tặng cho con em mình dịp tốt nghiệp hay đỗ đại học.
Không chỉ tu sửa gương mặt, các bạn trẻ Hàn còn có xu hướng giảm cân cấp tốc theo phương pháp bỏ đói của nhiều thần tượng Hàn.
Những phương pháp giảm cân này chỉ cho phép họ ăn một lượng thức ăn rất nhỏ, trong khi đó vẫn phải tập luyện thể dục với cường độ bình thường.
Một beauty blogger xứ sở kim chi tên Soo đã đăng trải nghiệm một tuần giảm cân theo phương pháp này lên YouTube và nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý.
"Giảm cân kiểu này khiến tôi rất mệt và chóng mặt. Một tuần đối với tôi thật dài", cô khẳng định.
'Nô lệ' của xu hướng
Giới trẻ Hàn luôn là những người đi đầu xu hướng. Dạo quanh đường phố có thể dễ dàng bắt gặp hai hay nhiều người mặc bộ đồ có mẫu mã, kiểu dáng giống hệt nhau.
Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, khi mốt đã đi qua, những bộ đồ ấy lại bị vứt xó ngay lập tức. Tủ quần áo chật ních nhưng đối với họ lại như không, bởi tất cả đều là đồ "lỗi mốt" và họ đang chờ đợi một xu hướng gì đó mới mẻ hơn.
2 năm trước, loạt ảnh "Sức mạnh của thời trang" đã cho thấy giới trẻ Hàn chính là "nô lệ" của xu hướng.
Người dùng mạng bình luận: "Ở Hàn, nếu không diện nổi áo khoác Northface 700 USD như bạn bè, bạn sẽ bị chê cười ngay. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền cho con chạy theo mốt".
Hiện nay, Hàn Quốc được mệnh danh là kinh đô thời trang tại châu Á, nơi sản sinh ra nhiều xu hướng mới. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc định hình phong cách của giới trẻ Hàn, cũng như thế giới.
Bạo lực học đường nghiêm trọng
Bạo lực học đường luôn là vấn đề nan giải ở mọi quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Theo nghiên cứu của Bộ Giáo dục Hàn, hơn 77.000 em học sinh ở mọi lứa tuổi khẳng định đã bị bắt nạt và 10% trong số đó có ý định tự tử.
Gần đây, xứ sở kim chi lại rúng động bởi một vụ bạo lực học đường nghiêm trọng tại Busan. Nạn nhân là học sinh 14 tuổi, bị đánh đập dã man suốt 1,5 giờ bằng ghế, ống kim loại, chai rượu và bị dí thuốc lá vào nhiều vùng da.
Điều đáng nói, thủ phạm cũng chỉ 14 tuổi, một trong số đó mới 13 tuổi.
Trả lời phỏng vấn của JTBC News, nạn nhân chia sẻ: "Em cứ ngỡ mọi người đều là bọn chúng. Nửa đêm, em thường xuyên tỉnh giấc bởi cơn đau đầu dữ dội".
Đường đến trường có lẽ là con đường dài nhất đối với Lee Su In (15 tuổi). Học sinh này bị bắt nạt bởi bạn cùng tuổi vì chúng không thích ngoại hình của em.
Su In đã nhờ đến sự can thiệp của giáo viên nhưng người này chẳng làm gì hơn một lời quở trách cho có.
"Sau đó, bọn họ bắt nạt em thường xuyên hơn. Em chẳng còn lựa chọn nào khác nên buộc phải chuyển trường", Su In nhớ lại.
Hay câu chuyên gây ám ảnh 4 năm trước của một cậu học sinh 15 tuổi tự kết liễu cuộc đời, để lại tờ giấy nhắn ghi tên những người đã hành hạ mình trong suốt 2 năm.
Theo điều tra của Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ, cứ 10 em học sinh thì có một em từng trải qua bạo lực học đường ở nhiều hình thức khác nhau.
Clip phản ứng của người Hàn khi bắt gặp một em học sinh bị bắt nạt
Chật vật vì việc làm
Theo The Washington Post, Hàn Quốc dưới con mắt của nhiều bạn trẻ chịu áp lực về vấn đề việc làm được gọi với cái tên "Địa ngục Joseon".
Trên Facebook, một hội nhóm mang tên "Địa ngục Joseon" được lập nên với hơn 5.000 thành viên, song song với đó là website hellkorea.com. Hội nhóm và trang web này chuyên đăng những bài viết về đời sống tồi tệ tại Hàn: thời gian làm việc dài, tự tử nhiều, thậm chí than phiền về giá cả đồ ăn vặt quá cao.
Hwang Min Joo (26 tuổi, làm công việc viết kịch bản cho các chương trình trên TV) cho biết: "Tôi không thể tưởng tượng cảnh mình lập gia đình và có con. Không có tương lai nào cho chúng tôi cả".
Hwang thường đi làm vào sáng thứ hai với một vali to và tới tối thứ năm cô mới quay trở về nhà. Mọi hoạt động sinh hoạt như ăn, ngủ, vệ sinh của Hwang đều được thực hiện tại văn phòng.
"Nếu xong việc lúc 9h tối, ngày hôm đó của tôi khá ngắn đấy", cô chia sẻ.
Thế nhưng, không phải lúc nào Hwang cũng "được" bận rộn như vậy. Công việc của Hwang không ổn định. Nếu không nhận được hợp đồng chương trình nào, điều đó đồng nghĩa với việc ngày mai cô lại thất nghiệp.
Trả lời The Washington Post, Hwang mơ ước mỗi tối sẽ được ngủ ngon và khi sáng mai thức giấc, cô vẫn có việc để làm.
Không chỉ Hwang, nhiều bạn trẻ Hàn cũng chật vật kiếm việc làm, cảm thấy chán nản khi nghĩ về tương lai. Để có được công việc ổn định ở thời buổi kinh tế trì trệ, họ phải ngày đêm ôn luyện cho kỳ thi công chức căng thẳng và khắt khe nhưng vẫn chịu số phận thất nghiệp vì tỷ lệ cạnh tranh quá lớn.
Yolo mà sống
Trong quá khứ, nhiều bạn trẻ Hàn bị buộc phải sống theo khuôn phép muôn thuở: học thật giỏi để vào được trường đại học ưng ý, kiếm công việc nhẹ nhàng lương cao, sau đó an yên hưởng nhàn cuộc sống được gia đình họ hàng cho là hoàn hảo.
Nhưng thời gian gần đây, suy nghĩ của giới trẻ Hàn đã hoàn toàn thay đổi. Họ dành nhiều thời gian cho bản thân hơn bằng cách ăn một mình, đi chơi một mình hay... đám cưới một mình. Làn sóng này được gọi là Yolo (You only live once) hay "honjok" (trong tiếng Hàn nghĩa là cô độc).
Một nhân viên ngân hàng tên Park Da Som (25 tuổi) được Quartz bắt gặp khi đang ăn một mình trong nhà hàng.
"Trước kia, nhìn thấy tôi ăn một mình người ta hay nhìn lắm. Nhưng giờ khác rồi, điều này chẳng còn lạ lẫm gì đối với người Hàn nữa khi Yolo trở thành phong trào xã hội", cô gái chia sẻ.
Quyết định theo đuổi lối sống cá nhân Yolo, Park Sora (23 tuổi) không có ý định cưới chồng, sinh con hay có công việc ổn định.
Cô cũng không ngần ngại chia sẻ quan điểm mới mẻ của mình: "Tôi từng ra nước ngoài và gặp nhóm người ngoại quốc. Họ rất khoan khoái khi uống một cốc cà phê mỗi sáng, thay vì tích góp từng đồng cho tương lai. Tôi hoàn toàn đồng ý với lối sống này".
Theo Zing