Phát hiện nhiều trường hợp khai báo y tế không trung thực
Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, chiều 15/5/2021, Sở Y tế Nghệ An đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lập danh sách những người đã đến/trở về từ các địa phương ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn cả nước từ ngày 1/5; tổ chức điều tra dịch tễ, phân loại đối tượng, tổ chức biện pháp cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định hiện hành.
Đa số người dân chấp hành tốt nhưng cũng có trường hợp bị xử phạt do khai báo gian dối, không trung thực để trốn tránh cách ly, có trường hợp thì về gần 1 tuần, đi lại nhiều nơi rồi mới chịu lên khai báo y tế.
Điển hình như ngày 19/5/2021, UBND huyện Quỳ Hợp đã ký Quyết định số 749/QĐ-UBND xử phạt 10 triệu đồng đối với ông Trương Văn Đ. (SN 2001), trú tại xóm Món, xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp do vi phạm hành chính “Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”.
Trước đó, ngày 6/5/2021, ông Đ. đi từ Lãm Trại, phường Vân Dương, TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) về xã Hạ Sơn, nhưng lại khai báo với Trạm Y tế Hạ Sơn là đi từ Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh về để không bị áp dụng các biện pháp cách ly y tế phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Sau khi tiến hành xác minh, xác định ông Trương Văn Đ. đã có hành vi khai báo y tế sai sự thật, UBND huyện Quỳ Hợp đã ký quyết định xử phạt ông Đ. Được biết, đây là trường hợp thứ 3 trên địa bàn huyện Quỳ Hợp bị xử phạt hành chính về lĩnh vực y tế do khai báo y tế không trung thực.
Tương tự, sáng 20/5/2021, lãnh đạo xã Bảo Thắng (huyện Kỳ Sơn) cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của xã này vừa ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng đối với Cụt Văn M. (18 tuổi, trú tại bản Cha Ca 2), về hành vi "không thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh" được quy định tại điểm a, khoản 1, điều 12, Nghị định 117 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, M. làm việc ở một công ty tại Hà Nội. Ngày 18/5, M. bắt xe khách nhiều chặng để về quê mà không khai báo y tế. Sau khi phát hiện, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 xã Bảo Thắng đã yêu cầu nam thanh niên này lên khai báo và thực hiện các biện pháp cách ly phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, quá trình làm việc M. không khai báo thành khẩn, vòng vo, chối cãi. Ban đầu, M. một mực khẳng định vừa trở về từ Thanh Hóa. Sau khi được tuyên truyền, giải thích M. mới chịu thừa nhận về từ Hà Nội nhưng không nhớ địa chỉ cụ thể.
Những hành vi gian dối, không trung thực này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng
Có thể bị khởi tố hình sự
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự: Hiện nay, dịch Covid-19 đã được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, việc không khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, đối với hành vi không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối pháp luật cũng có những quy định xử phạt nhất định. Các hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng, thậm chí là có thể bị khởi tố hình sự, cụ thể:
- Về xử phạt hành chính: Mức phạt với các hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế gian dối được quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”.
Theo quy định trên, nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có triệu chứng mắc Covid-19 mà không kịp thời thời khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.
- Về xử lý hình sự
Theo quy định Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/03/2020 của TAND tối cao thì:
“Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
a) Trốn khỏi nơi cách ly;
b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối”.
Như vậy, người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối khiến lây truyền dịch Covid-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, mức phạt của người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 05 - 10 năm nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.
Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên, người phạm tội thậm chí còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 10 - 12 năm.
Hình phạt bổ sung của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.