Phát hiện, xử lý vi phạm
Từ tháng 9/2020, qua nhiều nguồn tin, UBND huyện Tương Dương xác định trên địa bàn các xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh và Hữu Khuông tái diễn tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vàng. Cụ thể là tại khu vực khe Phá Toọc (bản Hạt), khe Xủng và khe Phép (bản Na Cáng) xã Yên Tĩnh; khe Xai (bản Huồi Cọ), khe Pá (bản Xàn) xã Hữu Khuông và khu vực đồi Pu Phen (vùng giáp ranh 3 xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh). Chính vì vậy, ngày 29/9/2020, UBND huyện Tương Dương thành lập Đoàn kiểm tra, chỉ đạo phối hợp với chính quyền các xã Yên Tĩnh, Hữu Khuông, Yên Na, Yên Hòa tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản trái phép (tại Quyết định số 1090/QĐ-UBND).
Tại điểm khe Phá Toọc thuộc rừng phòng hộ bản Hạt (xã Yên Tĩnh), qua 3 đợt kiểm tra đã phát hiện 1 tổ khai thác trái phép do người địa phương kết hợp với người Thái Nguyên tổ chức dựng lán trại, tập kết máy móc, mục đích khai thác khoáng sản trái phép. Đoàn công tác đã xử lý tiêu hủy tại chỗ 1 máy Đông Phong cũ, 1 cối nghiền đá, 5 lán trại, khoảng 200m dây dẫn nước và đánh sập 2 hầm lò của tổ khai thác khoáng sản trái phép trên khu vực khe Phá Toọc.
Tại địa bàn khe Xai, bản Huồi Cọ, xã Hữu Khuông, kiểm tra phát hiện các dụng cụ khai thác trái phép khoáng sản gồm: 1 máy Đông Phong, 2 giàn máy nghiền đá, 2 lán trại, 1 khí cụ điện. Những dụng cụ này được xác định là của nhóm 4 đối tượng do ông Pịt Văn Làn (thường trú bản Huồi Cọ, xã Hữu Khuông) tổ chức khai thác khoáng sản vàng trái phép.
Trên địa bàn bản Na Cáng, tại điểm khe Phép, thực hiện 2 đợt kiểm tra phát hiện có 2 cối xay đá cũ, 2 lán trại, 2 hầm lò cũ sâu khoảng 10m. Tại vị trí này, Đoàn kiểm tra không phát hiện đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Số tang vật được xác định không có chủ đã bị đoàn tiêu hủy tại chỗ, đồng thời giao chính quyền xã Yên Tĩnh tiếp tục theo dõi nắm tình hình diễn biến. Còn ở khu vực khe Xủng (vùng giáp ranh xã Nga My), đã thực hiện 2 đợt kiểm tra.
Trong ngày 10/11/2020, kết hợp cùng Trạm quản lý bảo vệ rừng phòng hộ và Công an chính quy xã tổ chức kiểm tra đã phát hiện 5 người (đều người Thái Nguyên) đang nghỉ tại lán trại. Tại đây có 1 máy Đông Phong cũ, 1 cối nghiền đá, 1 khí cụ điện, đồ dùng cá nhân liên quan. Dù các đối tượng không có hoạt động đang khai thác khoáng sản trái phép, số tang vật trên không có người nhận, nhưng đoàn đã tiến hành tiêu hủy tại chỗ tang vật; đồng thời, yêu cầu 5 người liên quan trong lán thu dọn đồ dùng cá nhân ra khỏi địa bàn...
Theo ông Nguyễn Phùng Hùng - Trưởng phòng TN&MT, tính đến giữa tháng 11/2020, Đoàn công tác do UBND huyện thành lập và đoàn công tác của chính quyền các địa phương xã Yên Tĩnh, Yên Na, Hữu Khuông, Yên Hòa đã phá hủy 19 máy Đông Phong, 19 giàn nghiền đá, 18 khí cụ điện, chặt phá khoảng 500m ti ô, 03 tấm niken, 7 kg thủy ngân và đường dẫn nước và các dụng cụ khác khai thác vàng trái phép, đốt nhiều lán trại... Hỏi về việc xử lý các đối tượng là người Thái Nguyên tham gia các nhóm khai thác khoáng sản vàng trái phép, theo Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương cho biết: “Qua kiểm tra xác định những đối tượng này đều là dân lao động, do người bản địa thuê để thực hiện hành vi khai thác trái phép khoáng sản vàng. Vì vậy, Đoàn kiểm tra yêu cầu chính quyền địa phương trục xuất họ ra khỏi địa bàn...”.
Sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu!
Theo lãnh đạo huyện Tương Dương, từ khoảng năm 2013 - 2014 trở về trước, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vàng thực sự là một vấn nạn, gây nên nhiều những hệ lụy cho địa phương. Khi nhận được thông tin nạn “vàng tặc” tái diễn, thì cùng với khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý triệt để; thì UBND huyện cũng đồng thời xác định một trong những nguyên nhân là do chính quyền địa phương cơ sở còn lơ là, chưa hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước.
Chính vì vậy, đến ngày 22/10/2020, dù việc kiểm tra xử lý đã có được một số kết quả nhưng UBND huyện Tương Dương tiếp tục có Văn bản số 1080/UBND-NL chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Tại đây nêu rõ: “Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Tương Dương tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đã làm thay đổi dòng chảy và gây sạt lở đất đá, đe dọa đến tính mạng con người, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và ô nhiễm nguồn nước, gây hậu quả khôn lường đến cuộc sống của nhân dân. Các đối tượng khai thác trái phép đã được chính quyền địa phương kiểm tra xử lý nhưng chưa dứt điểm và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp...”.
Bên cạnh tiếp tục giao trách nhiệm cho các phòng, ban, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý, tại Văn bản số 1080/UBND-NL, UBND huyện Tương Dương giao trách nhiệm: “Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản, khoáng sản vàng trái phép trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý hoặc không báo cáo về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn, để diễn ra kéo dài mà UBND huyện phát hiện...”.
Để tăng cường trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản của các cấp chính quyền, ngày 28/10/2020, Huyện ủy Tương Dương cũng ban hành Công văn số 75-CV/HU chỉ đạo các cấp ủy đảng đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản và Chỉ thị 13 - CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng; UBND huyện chỉ đạo tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển tài nguyên khoáng sản...; Đảng ủy Công an huyện, Chi bộ Hạt Kiểm lâm, Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị phát huy vai trò trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các phương án tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản...
Cũng tại văn bản này, Huyện ủy Tương Dương giao Ủy ban Kiểm tra tham mưu, đề xuất hình thức xem xét, xử lý đối với các đơn vị, địa phương và người đứng đầu để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Đồng thời khẳng định: “Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn. Những trường hợp bao che, buông lỏng, chậm phát hiện, không kịp thời ngăn chặn đối với hoạt động khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép Ban Thường vụ sẽ xử lý nghiêm theo quy định”.