Việc thi tuyển lãnh đạo mới chỉ là khâu đầu tiên, quan trọng hơn là sau thi tuyển, cần có cơ chế kiểm soát, giám sát quá trình làm việc.
“Đúng quy trình”, “bổ nhiệm người nhà hơn người tài”, bổ nhiệm theo “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ” là những cụm từ lâu nay được dư luận nhắc đến khi nói về việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ. Để khắc phục lỗ hổng trong công tác cán bộ, việc đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm là biện pháp rất quan trọng. Trong đó, thi tuyển chức danh lãnh đạo được coi là cách làm mới, tăng cường tính công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, đồng thời là giải pháp để chống lạm quyền của những người được trao quyền trong công tác cán bộ.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng", mới đây, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức thi tuyển 3 chức danh vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở đảng và Vụ Địa phương III. Thông tin thi tuyển được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ hơn một tháng.
Các ứng viên được nhận chủ đề và có 30 ngày chuẩn bị, làm việc, nghiên cứu, khảo sát và nộp đề án cho tổ giúp việc. Các đề án được niêm phong, khi hội đồng họp phiên đầu tiên thì mới mở ra xem xét. Hội đồng thi tuyển không chỉ có các thành viên trong Ban Tổ chức Trung ương mà còn có 4 thành viên đến từ Bộ Nội vụ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Hành chính. Sau khi các ứng viên bảo vệ đề án, Hội đồng tiến hành chấm điểm một lần bằng phiếu kín. Điểm cuối cùng là trung bình cộng của các thành viên.
Ông Dương Minh Đức, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng, cách làm này đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng.
“Về việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, Ban Bí thư đã có công văn yêu cầu 14 Bộ, ngành Trung ương và 22 tỉnh thành thí điểm thi tuyển và Ban Tổ chức Trung ương là đơn vị đi tiên phong. Chúng tôi xác định đây là công việc quan trọng để phần nào đó làm tốt công tác theo chức năng nhiệm vụ được giao và phần nào làm hạn chế đi những khuyết điểm, khó khăn trong công tác cán bộ mà dư luận quan tâm. Lãnh đạo ban đã chỉ đạo quyết liệt để có kỳ thi thành công. Tuy nhiên, kết quả thực hiện nhiệm vụ của những người được bổ nhiệm thông qua thi tuyển sẽ là câu trả lời chính xác và đầy đủ nhất”, ông Đức thông tin thêm.
Lâu nay, việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ vẫn được nhắc đến với nhiều tiêu cực, khiến dư luận bức xúc. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tuyển dụng theo kiểu đóng cửa ngồi nghiên cứu hồ sơ, xem lý lịch, xem xét bằng cấp và có cả sự sắp đặt trước các vị trí công việc. Đó là chưa kể tình trạng "chạy chức chạy quyền", hay “sống lâu lên lão làng”, bổ nhiệm người nhà hơn người tài...
Do vậy, thông qua đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý lần này sẽ góp phần lựa chọn được những người xứng đáng. Đồng thời việc thi tuyển sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cũng như khắc phục tình trạng thao túng, lạm quyền, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ.
Theo GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để thông qua thi tuyển chọn được người tài, khâu chuẩn bị và tổ chức thi là rất quan trọng.
“Khâu chuẩn bị phải làm sao để thông tin thi tuyển đến được với nhiều người, từ đó mới tìm được ứng viên tốt. Việc tổ chức thi là khâu quan trọng thứ hai, người chấm thi và người ra đề thi có vai trò rất quan trọng để đánh giá được người xứng đáng. Những vấn đề này rất khó, đòi hỏi tỉ mỉ và mỗi chức danh có phẩm chất, tiêu chí đánh giá riêng, làm thế nào để đánh giá chính xác, tốt nhất, tìm ra người xứng đáng nhất. Nếu làm tốt được hai khâu đó thì việc thi tuyển mới thực chất”, GS-TS Trần Ngọc Đường nêu ý kiến.
Đánh giá về việc thi tuyển chức danh Vụ trưởng ở Ban Tổ chức Trung ương vừa qua, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho rằng đó là "bước đột phá để tiếp tục hoàn thiện quy trình và tăng tốc quá trình đổi mới công tác cán bộ với tư cách là khâu then chốt của then chốt".
Còn theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý mới chỉ là khâu đầu tiên trong công tác cán bộ. Quan trọng hơn là sau thi tuyển, cần có cơ chế kiểm soát, giám sát quá trình làm việc của những người được bổ nhiệm thông qua thi tuyển. Không để tình trạng đã bổ nhiệm rồi muốn làm gì thì làm
Với việc tổ chức thi tuyển chức danh Vụ trưởng vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương đã trở thành cơ quan đi tiên phong trong thực hiện thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng ở 14 bộ ngành Trung ương và 22 địa phương theo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư.
Lần đầu tiên, một cơ quan tham mưu của Đảng về công tác cán bộ tổ chức thi tuyển được xem như “tiếng trống lệnh” mở đầu cho việc đổi mới trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ nói riêng và trong công tác cán bộ nói chung. Do vậy, việc thi tuyển lần này cần được đánh giá rút kinh nghiệm để có những bước đi phù hợp tiếp theo./.
Theo VOV