Không đăng ký kết hôn thì quyền nuôi con thuộc về ai?

(Baonghean)- Tình huống pháp lý: Thông tin anh T.V. D (Thành phố Vinh) cung cấp: Anh D và chị Y yêu nhau, sống chung với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2014 chị Y sinh con, sau đó hai người chia tay. Gia đình anh D muốn nuôi đứa bé nhưng chị Y nhất quyết không chịu.

Hỏi: Không đăng ký kết hôn thì quyền nuôi con thuộc về anh D hay chị Y? anh D muốn nuôi con thì nên làm gì? căn cứ pháp lý?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 11, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật về hộ tịch; Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng; Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”. Khoản 1, Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng; con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân; Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Từ những quy định trên, ta thấy mặc dù anh D và chị Y có yêu nhau, sống chung với nhau và sinh con nhưng không đăng ký kết hôn nên sẽ không được công nhận là vợ chồng. Do đó, đưa bé sinh ra khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì không được công nhận là con chung. Nếu anh D có chứng cứ chứng minh được mình là bố của đứa bé thì anh D mới có quyền giành quyền nuôi con với chị Y.

Nếu anh D đã thực hiện các thủ tục thừa nhận quyền nuôi con thì quyền nuôi con được quy định tại Khoản 1, Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định  chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ, hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của luật này.

Theo đó, anh D và chị Y sẽ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa  thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi và căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt  của con. Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, nếu anh D đã làm thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật, nhưng cả anh D và chị Y đã không thỏa thuận được ai sẽ là người nuôi  con sau khi chấm dứt chung sống thì tòa án sẽ quyết định dựa trên quyền lợi của con. Do đó khi có tranh chấp quyền nuôi con xảy ra, để đảm bảo cơ hội giành quyền nuôi con, anh D cần đưa ra các chứng cứ chứng minh việc cháu bé sống với  anh D sẽ tốt hơn khi ở với chị Y như (tình cảm dành cho con, điều kiện vật chất, công việc, thu nhập, chỗ ở của anh D, chị Y...).

Văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự

Tin mới