Đó là chia sẻ của Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn Phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư Tp HCM) khi đọc đi đọc lại quy định tại điều 35, Dự thảo Luật Báo chí đang lấy ý kiến.

Trước đó, với tiêu đề, cấp thẻ nhà báo cho cộng tác viên - 'không tóc' nắm thế nào? Báo Công an Nhân dân đã đưa ra quan điểm góp ý về dự thảo Luật báo chí cho rằng: “Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) quy định cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh và cấp huyện cũng được xét cấp thẻ nhà báo. Điều này đang gây nhiều lo ngại bởi cộng tác viên không phải biên chế, hợp đồng của cơ quan báo chí, giao thẻ cho họ dễ bị lạm dụng làm bậy và khi đó biết “nắm tóc” ai mà xử?”

Bài báo viện dẫn, "điều 36 (chính xác 35- PV) quy định 8 trường hợp được cấp thẻ nhà báo. Theo chúng tôi, quy định 8 trường hợp như vậy là rộng, trong đó tại điểm 7, Điều 36 quy định cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh và cấp huyện cũng được xét cấp thẻ nhà báo. Quy định này mở quá rộng bởi diện cộng tác viên của đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, cấp huyện rất lớn, người làm việc ở xã, thôn, làm việc trong hay ngoài cơ quan Nhà nước cũng đều có thể là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh, truyền hình huyện, tỉnh. Nếu cấp thẻ nhà báo cho những người này thì số lượng thẻ sẽ tăng lên rất nhiều".

Trong một số diễn đàn mạng của người làm báo cũng đưa ra những bình chọn thể hiện sự trăn trở về việc “Cộng tác viên cũng được cấp thẻ nhà báo”, có các ý kiến theo nhiều chiều khác nhau. Người cho rằng nên mở rộng, người cho rằng nên quản lý chặt chẽ hơn đối tượng được cấp thẻ nhà báo.

Báo chí tác nghiệp. Ảnh minh họa Internet

Những đóng góp, bàn luận cho thấy tinh thần quan tâm, phát huy dân chủ trong lấy ý kiến các dự luật, trước khi trình Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, qua tranh cãi này cho thấy có một sự hiểu nhầm, hiểu khác nhau về một điều luật trong dự thảo.

Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng: “Những tranh cãi này xuất phát từ sự nhầm lẫn khi đọc về khoản 7 điều 35 của dự thảo Luật báo chí mới nhất”.

Tại khoản 7 điều 35 ghi rõ: “Những người thực hiện nghiệp vụ về nội dung thông tin ở các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương có thời gian công tác liên tục từ 03 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội (trừ những trường hợp khác theo quy định pháp luật); là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 12 tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 01 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ và được đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo”.

Theo luật sư Hùng,  không có đối tượng được cấp thẻ là cộng tác viên đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, tương đương mà phải công tác (có tham gia đóng bảo hiểm xã hội) liên tục từ 3 năm trở lên. Sau dấu “;” vẫn cùng là một đối tượng nhưng có 2 điều kiện (chính xác hơn phải cần tới 3 điều kiện). Điều kiện thứ nhất là công tác có đóng bảo hiểm 3 năm trở lên tại đài truyền thanh truyền hình cấp huyện. Điều kiện thứ 2 phải có thời gian cộng tác, có tác phẩm cộng tác với đài phát thanh, truyền hình tỉnh, hoặc thành phố thuộc Trung ương đủ để được xét. Điều kiện thứ 3, phải được đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Mặt khác, nhìn góc độ phản đề, nếu điều này quy định có 2 đối tượng riêng biệt, người làm tại đài truyền thanh, truyền hình huyện và người là cộng tác viên đài phát thanh, truyền hình tỉnh thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn về điều kiện cấp thẻ. Nhà báo báo tỉnh, Trung ương phải 3 năm công tác liên tục tại một cơ quan, còn nếu quy định là riêng đối tượng là cộng tác viên thì sẽ phá vỡ hoàn toàn cấu trúc luật cũng như mâu thuẫn với điều kiện chung.

Ls Hùng cũng góp ý, như vậy có thể nói, khoản 7 điều 35 Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi không có quy định cộng tác viên các cơ quan báo chí mà không đảm bảo điều kiện kể trên được cấp thẻ nhà báo. Nhưng những hiểu lầm này có lẽ xuất phát từ dấu “;” dẫn đến chưa rõ ràng về “một đối tượng, nhiều điều kiện” hay “nhiều đối tượng”.

Do đó, để quy về cùng một đối tượng tránh hiểu lầm, tránh giải thích khác nhau về cùng một điều luật thì người soạn thảo nên thay dấu “;” bằng chữ “đồng thời”.

Điều 35. Đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo

1. Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập các cơ quan báo chí, thông tấn.

2. Trưởng phòng (ban), phó trưởng phòng (ban) nghiệp vụ báo chí của các cơ quan báo chí, thông tấn.

3. Phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, thông tấn.

4. Người quay phim, đạo diễn chương trình phát thanh, truyền hình (trừ phim truyện) của các đơn vị được cấp phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và sản xuất phim tài liệu của Nhà nước.

5. Những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về báo chí tại các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có tham gia hoạt động báo chí và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật này.

6. Giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập có tham gia hoạt động báo chí và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật này.

7. Những người thực hiện nghiệp vụ về nội dung thông tin ở các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương có thời gian công tác liên tục từ 03 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội (trừ những trường hợp khác theo quy định pháp luật); là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 12 tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 01 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ và được đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.

8. Những người đã được cấp thẻ nhà báo nhưng được điều chuyển sang làm công việc khác vẫn tiếp tục có tác phẩm báo chí được sử dụng, được cơ quan báo chí xác nhận, được xét cấp thẻ nhà báo trong các trường hợp cụ thể sau:

a) Được điều động công tác tại các phòng (ban) không phải nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí;

b) Được điều chuyển sang làm công tác giảng dạy chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập;

c) Được điều chuyển sang làm cán bộ chuyên trách tại hội nhà báo các cấp.

Điều 36. Điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo

1. Người công tác tại các cơ quan báo chí quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 35 Luật này được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

a) Tốt nghiệp đại học; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm báo chí in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang báo chí điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên;

b) Có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ  03 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội (trừ những trường hợp khác theo quy định pháp luật);

c) Hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan báo chí phân công;

d) Không vi phạm quy định về phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp báo chí; không bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

đ) Được cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, sở thông tin và truyền thông (đối với báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và hội nhà báo cùng cấp (nếu có) thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo.

2. Người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về báo chí, giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 35 Luật này được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

a) Có thời gian công tác liên tục trong biên chế tại cơ quan quản lý nhà nước về báo chí từ 03 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

b) Giảng viên có thời gian giảng dạy chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập từ 05 năm trở lên đến thời điểm xét cấp thẻ;

c) Không bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

d) Được cơ quan trực tiếp quản lý đề nghị cấp thẻ nhà báo.

3. Những trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 35 Luật này được xét cấp Thẻ nhà báo phải đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại điểm a, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này. 

4. Các trường hợp sau đây không được xét cấp thẻ nhà báo:

a) Không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 35 Luật này;

b) Là đối tượng liên quan trong các vụ án chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Bị Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo do vi phạm quy định của pháp luật mà thời gian thu hồi thẻ chưa quá 12 tháng kể từ ngày ra quyết định đến thời điểm xét cấp thẻ.

(Trích Dự thảo mới nhất Luật Báo chí sửa đổi)

Theo Infonet