Theo Tổng cục Đường bộ, tính đến ngày 31/8, trong tổng số 27 trạm đàm phán ký hợp đồng, đã có 25 trạm hoàn thành ký hợp đồng với nhà đầu tư Công ty TNHH thu phí tự động - VETC.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hai nhà đầu tư chưa ký hợp đồng là Liên danh Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn - Công ty Cổ phần Thương mại và Tư vấn đầu tư xây dựng, chủ đầu tư dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194, đơn vị quản lý dự án BOT Cam Thịnh - Khánh Hòa.
Lý giải việc chậm trễ ký hợp đồng thu phí tự động không dừng với nhà đầu tư VECT, đại diện hai đơn vị nói trên cho rằng, có hai nguyên nhân chính, thứ nhất là việc minh bạch về thu và quản lý doanh thu của BOT. Thứ hai là về giá dịch vụ, không có cơ sở nào để nhà đầu tư VECT lấy 50% phí quản lý tổ chức thu.
“Nếu chỉ có một đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là Công ty TNHH thu phí tự động VETC thì liệu có đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng? ”, đại diện nhà đầu tư BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, nêu quan ngại.
Theo Quyết định số 4390 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt thì dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng với 27 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên và Quốc lộ 1, liên danh Tasco - VETC được Bộ Giao thông chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, theo dạng hợp đồng BOO ((Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).
Tuy nhiên, theo chuyên gia Ngô Trí Long, chỉ định thầu chỉ đúng với lĩnh vực thuộc an ninh quốc phòng. Còn theo nguyên tắc thị trường, chỉ định thầu triển khai các dự án BOO trong thu phí không dừng dẫn tới thiếu minh bạch trong kiểm soát chi phí. Do vậy, cần thiết phải đấu thầu để chống lợi ích tiêu cực, đối giá.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, năm 2015, Chính phủ đã có quyết định lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng VETC. Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch và nhà đầu tư BOT có điều kiện lựa chọn, Bộ Giao thông Vận tải vẫn thông báo mời thầu công khai, nhưng sau gần 1 năm chỉ có duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH thu phí tự động VETC đăng ký tham gia.
Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn nhà đầu tư này để đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Sau khi dự án đi vào thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải vẫn tiếp tục mời các nhà cung cấp dịch vụ, bất kỳ nhà cung cấp nào đủ năng lực đều có thể đăng ký tham gia nên không có chuyện độc quyền”, ông Huyện khẳng định.
Trước những lo ngại 27 dự án chỉ có một nhà đầu tư liệu có chuyện thiếu minh bạch, thông đồng sửa đổi phần mềm làm sai số liệu, ông Huyện khẳng định, không thể có chuyện đó.
Trong hợp đồng ký giữa nhà đầu tư BOT và VETC đều có các điều khoản ràng buộc như: Tiền thu phí phải chuyển ngay vào cuối ngày về ngân hàng, VETC phải có tiền ký quỹ ít nhất bằng 3 ngày thu phí. Bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào cũng đều phải bảo hành suốt đời dự án, nên không sợ thông đồng, không thể thay đổi phần mềm vì làm sai số liệu là bị đền bù gấp 30 lần, 5 lần sai sẽ đuổi ra khỏi dự án, một năm bị một lần phạt, đưa đơn vị khác vào.
Cũng theo ông Huyện, đến năm 2017, đã có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác là Viettinbank, Viettel, VNPT và Cadpro để nhà đầu tư BOT lựa chọn. Nếu nhà cung cấp dịch vụ yếu kém sẽ bị thay thế ngay. “Bộ Giao thông Vận tải luôn mở rộng cửa đối với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đủ điều kiện”, vị này khẳng định.
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, sẽ có tới 6 thành phần có thể kiểm soát được việc thu phí, đó là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công an, chủ đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ và chủ xe.
Dữ liệu thu phí không dừng của các nhà cung cấp dịch vụ sẽ được truyền về hệ thống của Tổng cục Đường bộ để lưu trữ, giám sát. “Đơn vị nào cung cấp cũng được nhưng phải đàm phán giá dịch vụ và phải kết nối liên thông. Bộ Giao thông không bắt buộc nhà đầu tư BOT phải ký với nhà cung cấp dịch vụ nào”, ông Huyện nói thêm.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đưa ra tiêu chuẩn đối với nhà cung cấp dịch vụ, trên cơ sở này nhà đầu tư BOT có quyền lựa chọn hoặc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tốt nhất cho mình.
Tuy nhiên, điều kiện là nhà cung cấp đó phải được Bộ Giao thông Vận tải thẩm tra, chấp thuận và nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm tự kết nối với hệ thống của Tổng cục. Đồng thời, bắt buộc phải kết nối với trung tâm quản lý các trạm thu phí theo hợp đồng BOO để tổng cục giám sát.
“Việc các nhà đầu tư BOT muốn tự quản lý hệ thống thu phí không dừng là không thể. Chính phủ đã có chủ trương để nhà cung cấp đứng ra giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về cho Tổng cục Đường bộ quản lý, không có chuyện đơn vị thứ 3 quản lý như lo lắng của nhà đầu tư”, ông Huyện nói.
Theo Kiều Linh/vneconomy