Chỉ trong một năm kể từ đầu tháng 10-2015 đến cuối tháng 9-2016, Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đã thụ lý 257 vụ án, khởi tố 710 bị can về tội tham nhũng.

Đó là một trong những nội dung sẽ được Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Một trong những nội dung đáng chú ý về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng là từ 10-2015 đến tháng 9-2016, Cơ quan điều tra công an các cấp đã thụ lý điều tra 257 vụ án, 710 bị can phạm tội về tham nhũng (khởi tố mới 142 vụ, 335 bị can, thiệt hại trên 241 tỷ đồng 838m 2 đất, đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản). Đã kết luận điều tra 111 vụ, 418 bị can và  hiện đang điều tra 135 vụ, 273 bị can.

tham-nhung-gia-tang1_njlm.jpgVụ án Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch HĐQT Vinalines tham ô tài sản gây rúng động dư luận.

Trong khi đó, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 361 vụ với 931 bị cáo và đã xét xử sơ thẩm 194 vụ, 441 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 47,7% (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015). Đặc biệt có 5 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân bị xử lý về tội tham nhũng.

Đẩy lùi tham nhũng còn nhiều hạn chế

Báo cáo này chỉ rõ tình trạng tham nhũng, đặc biệt là các vụ án lớn diễn biến phức tạp xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi bởi những yếu kém hạn chế. Theo đó, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng đặc biệt ở lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng...

Vụ án Giang Kim Đạt - nguyên quyền trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) tham ô 18,6 triệu USD.

Tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ còn khá phổ biến. Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Tình trạng phát sinh “thủ tục con”, vi phạm thời hạn giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Chưa kịp thời trong công tác giám định tư pháp trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, khoa học công nghệ… Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp khiến việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.

Con số đáng chú ý:

+Số người kê khai tài sản, thu nhập năm 2015 hơn 1 triệu người, trong đó có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập

+ Không có trường hợp nào được phát hiện vi phạm quy định về nộp quà tặng và cũng không có trường hợp nào nộp lại quà tặng.

+ 10 người bị tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác khác do vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xem xét, xử lý trách nhiệm.

+  Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 263 vụ, 634 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2015).

+ Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646 tỷ 616 triệu đồng, đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45 tỷ 605 triệu đồng.

+ Tạm đình chỉ 6 vụ, 15 bị can do hết thời hạn điều tra, chờ kết quả giám định, bị can bỏ trốn.

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN