Tờ The Beijing News nhận định Kim Dung là bậc thầy lĩnh vực tiểu thuyết võ hiệp, di sản văn hóa ông để lại không thể dùng tiền bạc đánh giá. Còn trong sự nghiệp xuất bản báo chí, viết tiểu thuyết, bằng tài năng của mình, ông gây dựng khối tài sản khổng lồ.
Năm 1959, Kim Dung thành lập công ty Minh Báo (phát hành tờ báo cùng tên), Từ khi ông đăng tác phẩm của mình trên Minh Báo, tờ này có lượng độc giả ổn định. Tháng 7/1962, lượng phát hành của tờ này vượt 30 nghìn bản mỗi ngày. Sang năm 1963, bình quân mỗi ngày báo phát hành 50 nghìn bản. Khi lên sàn chứng khoán, công ty của Kim Dung được định giá 870 triệu HKD (110 triệu USD), trong đó nhà văn nắm giữ 60% cổ phần. Từ năm 1992, Kim Dung bắt đầu bán cổ phiếu của mình. Theo thống kê của một tạp chí cùng năm, Kim Dung xếp thứ 64 danh sách người giàu Hong Kong với khối tài sản 1,2 tỷ HKD (khoảng 153 triệu USD).
Sau khi rút lui các vị trí ở Minh Báo cũng như ngừng sáng tác tiểu thuyết, Kim Dung vẫn có những khoản thu tác quyền lớn. Năm 2010, nhà văn kiếm được 3,5 triệu nhân dân tệ (446 nghìn USD, tức 11,7 tỷ đồng) bản quyền xuất bản sách ở Trung Quốc. Năm 2011, con số này là 2, 2 triệu tệ. Năm 2015, ông kiếm được 8,5 triệu tệ tiền tác quyền.
Bên cạnh đó, Kim Dung còn thu về tác quyền chuyển thể tiểu thuyết thành phim, game. Một thập niên qua, hầu như mỗi năm đều có tác phẩm chuyển thể, năm nay có ít nhất hai phim được quay là Thần điêu đại hiệp và Ỷ Thiên Đồ Long Ký.
Một luật sư lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho hay theo giá thị trường cùng sức ảnh hưởng của Kim Dung, trò chơi điện tử chuyển thể từ truyện Thiên Long Bát Bộ, tác quyền có thể vượt 100 triệu nhân dân tệ (14,3 triệu USD).
Êkip của nhà văn chú trọng việc bảo vệ bản quyền. Hồi tháng 8, tác giả Giang Nam của Trung Quốc bị tòa yêu cầu bồi thường cho Kim Dung số tiền 1,88 triệu nhân dân tệ (gần 270 nghìn USD, tương đương 6,3 tỷ đồng), vì sử dụng tên Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Kiều Phong... làm tên học sinh trong sáng tác của mình.
Ngành nghề xuất phát từ truyện Kim Dung còn có du lịch. Huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây có điểm du lịch chủ đề truyện Kim Dung, bán vé vào cổng 60 tệ. Một công viên chủ đề văn hóa võ hiệp Kim Dung đang được xây dựng tại tỉnh Chiết Giang - nơi nhà văn chào đời.
Theo Seehua, năm 2007, Kim Dung mua bất động sản ở Hong Kong với giá 5,58 triệu HKD. Hiện giá thị trường của bất động sản này gần 12 triệu HKD (1,5 triệu USD). Trong khi vợ ông -Lâm Nhạc Di- đứng tên nhiều bất động sản với tổng trị giá hơn 600 triệu HKD (76 triệu USD).
Nhà văn qua đời tại bệnh viện ở Hong Kong hôm 30/10. Đông đảo nghệ sĩ như Lý Nhược Đồng (từng đóng Tiểu Long Nữ), Lữ Tụng Hiền (Lệnh Hồ Xung)... bày tỏ không có Kim Dung, họ không tạo được danh tiếng. Tỷ phú Jack Ma viết trên trang cá nhân: "Nếu không có tiên sinh, không biết liệu có Alibaba. Tiên sinh tặng trò hai chữ Thiên Hành, trò ghi nhớ suốt đời". Sao hành động Thành Long viết: "Đại hiệp Kim Dung, hãy yên nghỉ. Thật tiếc vì chưa từng đóng nhân vật của huynh nhưng đệ luôn hướng tới thế giới võ hiệp của huynh. Khí phách đại sư của huynh là tài sản để lại cho đời sau. Đệ xin bái chào".