Mặt hàng gạo đang trở nên “có giá”, tạo điểm nhấn cho nhóm hàng nông lâm thủy sản khi xuất khẩu gạo tăng cả lượng và giá trị trong tháng đầu năm.

images1459466_gao_4502_1454992706.jpgXuất khẩu gạo. Ảnh Internet
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản của cả nước trong tháng 1 giảm tiếp 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 2,33 tỷ USD. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của từng mặt hàng đều chung xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 489 triệu USD, giảm 15,8%; thủy sản ước đạt 455 triệu USD, giảm 8,8%; chè ước đạt 9.000 tấn với trị giá 15 triệu USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 9,4% về giá trị…
 
Tuy nhiên, nổi lên trong xu hướng ảm đạm của các sản phẩm nông nghiệp, xuất khẩu gạo đã có sự bứt phá mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1 ước đạt 495.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Sở dĩ xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh là do thị trường Philippines, Indonesia tăng cường nhập khẩu gạo. Ngay từ những ngày đầu tháng 12/2015, thông tin Indonesia cần nhập khẩu một triệu tấn gạo từ Việt Nam đã được ông Mayerfas, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam nêu ra.


Bởi lẽ, Indonesia là một trong những nước có lượng tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới nên yêu cầu về đảm bảo lương thực rất lớn. Mặc dù cũng là nước sản xuất gạo, nhưng Indonesia vẫn phải nhập khẩu gạo và Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà nước này muốn nhập khẩu. Với thị trường Philippines, ngay từ đầu năm, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines đã “bắn tiếng” muốn nhập ít nhất 50.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan.


Xu hướng này cũng đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo từ cuối tháng 12/2015. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, cuối năm vẫn còn khoảng 500.000-600.000 tấn gạo cần giao cho các hợp đồng tập trung và 200.000 tấn hợp đồng thương mại mà các doanh nghiệp đã ký kết trong quý I. Đặc biệt, ông Năng cũng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 sẽ khá tốt do các quốc gia nhập khẩu lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước.


Song, chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm về lúa gạo Võ Tòng Xuân lại cho rằng, xuất khẩu gạo tháng một tăng trưởng mạnh không phải hiện tượng lạ. Xuất khẩu gạo tăng mạnh là do 2 thị trường nói trên thời gian qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động hạn hán do El Nino gây ra nên không đủ gạo ăn. Chính quyền các nước sợ thiếu lương thực nên phải lo mua vào để dự trữ. “Tất nhiên, các thị trường này sẽ đặt theo chu kỳ và chu kỳ này trúng vào lúc đầu năm”, ông Xuân nói.


Cùng chung đánh giá với VFA, ông Võ Tòng Xuân nhìn nhận, xuất khẩu gạo từ những tháng tiếp theo có khởi sắc do các thị trường vẫn đang có nhu cầu nhập khẩu gạo. Philippines, Indonesia và một số thị trường khác thời gian tới vẫn tiếp tục mua gạo bởi kế hoạch nhập khẩu sẽ được thực hiện dần dần chứ không chỉ dừng ở tháng 1.


Hơn nữa, châu Phi cũng mất mùa do biến đổi khí hậu cũng tác động xấu với nông nghiệp ở đó. Đây cũng là dịp cho hạt gạo Việt có giá tăng lên so với năm cũ. Chưa kể, việc Thái Lan nhất trí cắt giảm sản lượng lúa gạo trong giai đoạn 2016 - 2017 cũng là tín hiệu tốt cho Việt Nam. Hiện Thái Lan được coi là “vựa lúa gạo” lớn nhất thế giới, nếu Thái Lan cắt giảm sản lượng thì nguồn cung gạo trên thế giới sẽ giảm. Theo quy luật kinh tế thị trường, khi nguồn cung giảm sẽ kéo theo giá lúa gạo “nhích” và gạo Việt Nam cũng có thể kỳ vọng tăng giá.


Dù nhìn nhận việc Thái Lan cắt giảm sản lượng lúa gạo như một cơ hội cho Việt Nam nhưng vị chuyên gia này không quên nhấn mạnh đến “ý đồ” của Thái Lan. Ông Xuân phân tích, Thái Lan cắt giảm sản lượng gạo để chuyển sang trồng một số loại cây khác như cây mía, xoài, vải thiều do Thái Lan thấy XK gạo không có lợi, giá cao nhưng năng suất thấp (6, 7 tháng mới thu hoạch được trên 3 tấn một ha trong khi Việt Nam giá thấp nhưng 1 năm thu hoạch 3 vụ).


“Từ chiến lược của Thái Lan, tôi đang đề xuất chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam theo chính sách mới, tức là mạnh dạn chuyển đổi không nên gắn với cây lúa. Người nông dân không bao giờ giàu được nhờ cây lúa. Chúng ta không nhất thiết phải “nai lưng” trồng lúa mới có cái ăn. Indonesia thiếu gạo phải nhập, Malaysia không cần tự túc về lúa gạo, họ trồng cây dầu cọ, cao su để làm giàu rồi lấy tiền đó đi mua gạo”, ông Xuân nêu quan điểm.


Với dự báo về tình hình xuất khẩu sẽ khả quan hơn năm 2015, VFA định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới theo hướng duy trì và củng cố phân khúc thị trường gạo trung bình và cấp thấp để khai thác lợi thế cạnh tranh có sẵn về giá thành sản xuất và cước vận chuyển gần gồm thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.


Mặt khác, các doanh nghiệp cũng sẽ thiết lập mở rộng thị trường gạo cao cấp nhằm đa dạng hóa nhu cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giá trị gia tăng, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường gần, tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Theo Hải quan