(Baonghean) - Những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới được bà con giáo dân trong toàn tỉnh chung sức, đồng lòng với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những ngày gần đến Lễ Noel, đi trên các tuyến đường chạy qua các xã Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Trung, Hưng Châu của huyện Hưng Nguyên, đâu đâu cũng thấy đèn hoa trang trí rực rỡ. Tại xã Hưng Tây, niềm vui như được nhân lên với bà con giáo dân khi tháng 4 vừa rồi, xã đã được UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới.

Đây thực sự là kết quả vượt bậc, bởi chỉ cách đây mấy năm, nói về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, người dân còn thấy xa vời bởi trước khi rà soát, toàn xã chỉ có 7 tiêu chí đạt. Các tiêu chí còn lại là cơ sở vật chất văn hóa, trường học, giao thông đều đòi hỏi sự huy động lớn.

Tuy nhiên, “kỳ tích” đã đến khi chỉ trong hơn 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xã đã huy động được 266,5 tỷ đồng để hoàn thành 19/19 tiêu chí. Nhờ đó, đã đầu tư làm mới 8 km đường trục xã, 47,7 km đường trục xóm và 13 km đường ngõ xóm bằng bê tông đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ GTVT. Ngoài ra, còn cứng hóa được 21/30 km đường giao thông nội đồng; bê tông hóa 17,3 km kênh mương thủy lợi. Trong 5 năm qua đã xây mới được 18 nhà văn hóa xóm và nhà văn hóa đa chức năng xã. Các công trình trường học, chợ nông thôn, trạm y tế… đều được xây mới khang trang.

Tuyến đường được trang hoàng chuẩn bị đón Lễ Giáng sinh ở huyện Hưng Nguyên.
Tuyến đường được trang hoàng chuẩn bị đón Lễ Giáng sinh ở huyện Hưng Nguyên.

Về xã Hưng Yên Bắc, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng bà con giáo dân trong xã cũng tự hào bởi trong rất nhiều phong trào ở địa phương, đồng bào giáo dân đều gương mẫu đi đầu. Như thời điểm này, để thực hiện dồn điền, đổi thửa, bà con xóm 5 - xóm giáo toàn tòng đã đồng lòng, thống nhất đóng góp tiền, mua máy ủi, máy xúc về cải tạo ruộng đồng.

Đứng trên những thửa ruộng rộng thênh thang đang chờ để sang tên mới, Xóm trưởng Phạm Trọng Phượng chia sẻ: “Ban đầu, khi chủ trương dồn điền, đổi thửa được đưa ra, ban cán sự xóm rất lo lắng bởi ruộng có thửa tốt, thửa xấu, hệ thống giao thông thủy lợi không đồng đều. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền về chủ trương, đường lối và thấy được lợi ích của việc dồn điền, đổi thửa thì bà con đều đồng tình ủng hộ. Trong quá trình cải tạo, cấp mới lại ruộng, người dân còn kiến nghị xóm lùi vào một phần diện tích để thời gian tới cải tạo nâng cấp lại đường xóm cho đúng tiêu chuẩn. Cùng với đó, 24 hộ dân trong xóm cũng tự nguyện dỡ hàng rào, dỡ cổng để mở rộng tuyến đường chạy dài từ xóm ra đồng, với chiều dài gần 400m”.

Ông Nguyễn Đình Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Bắc hồ hởi cho biết thêm: “Tuy điều kiện sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con giáo dân ở đây rất đoàn kết, đồng sức, đồng lòng “sống tốt đời, đẹp đạo”. Bên cạnh đó, bà con giáo dân còn ra sức tăng gia lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và tạo việc làm cho hàng trăm lao động khác. Trong xã, có hộ gia đình giáo dân Nguyễn Văn Hữu vừa vinh dự được bầu đi dự tuyên dương nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh...”.

Tại huyện Quỳnh Lưu, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến nay, giáo dân toàn huyện đã hiến trên 4.000 m2 đất, tháo dỡ 980m bờ tường bao, di dời 24 quán ốt, ủng hộ hàng trăm khối đá, nhiều loại vật tư, năm 2016 đã xây dựng 12 km đường bê tông nhựa.

Trong đó, riêng giáo họ Thuận Nghĩa (xã Quỳnh Lâm), giáo họ Phú Xuân (xã Quỳnh Tam), giáo họ Trung Nguyên (xã Quỳnh Hồng) đã ủng hộ trên 400 triệu đồng làm đường giao thông thôn xóm và bê tông kênh mương nội đồng. Bên cạnh đó, giáo dân các giáo xứ, giáo họ còn tích cực thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - Sống tốt đời, đẹp đạo”.

Dịp này, các giáo đường, nhà thờ của giáo xứ đều rực rỡ ánh đèn.

Bên cạnh đó, các giáo xứ, giáo họ còn tích cực thực hiện phong trào phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, điển hình như phong trào nuôi tôm công nghiệp ở các giáo xứ Lộc Thủy (xã Quỳnh Bảng), giáo họ Cự Tân, Hiền Môn (xã Quỳnh Thanh), giáo họ Ngọc Thanh (xã Quỳnh Ngọc) với diện tích trên 200 ha, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện có 285 mô hình kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cho thu nhập cao và 917 hộ làm dịch vụ kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định.

Tiêu biểu như mô hình sản xuất mộc cao cấp ở giáo họ Thuận Giang (xã Quỳnh Hưng), Thượng Nguyên (xã Quỳnh Hồng), làng nghề mây tre đan Trúc Vọng (xã Quỳnh Thanh); chế biến nước mắm Phú Yên (xã An Hòa), Văn Thái (xã Sơn Hải). Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người/ năm đạt 24 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,4%, có 900 hộ thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Thực hiện đường hướng “Người giáo dân tốt cũng là người công dân tốt”, giáo dân các giáo xứ, giáo họ triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh dân chủ xã, phường, thị trấn; hương ước, quy ước thôn xóm; tích cực đóng góp nghĩa vụ thuế quỹ, ủng hộ quỹ vì người nghèo, từ thiện xã hội, phong trào khuyến học khuyến tài, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, sinh hoạt trong các đoàn thể, xây dựng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc. 

Tỉnh Nghệ An hiện có trên 45 nghìn hộ đồng bào công giáo với trên 24 vạn giáo dân sinh sống ở cả 3 vùng đồng bằng, miền núi, trung du thuộc 14/20 huyện, thành, thị. Những năm qua, các cuộc vận động phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng giáo dân ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ông Phan Hải Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban đoàn kết công giáo tỉnh khẳng định: “Sự đóng góp của đồng bào công giáo trong chương trình xây dựng nông thôn mới là hết sức to lớn và đáng trân trọng. Qua đó, góp phần cổ vũ phong trào, tạo động lực cho nhân dân các địa phương thực hiện thắng lợi cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh”.

Những năm qua, với tinh thần “Kính Chúa, yêu nước” bà con giáo dân đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong năm 2016, bà con giáo dân đã hiến gần 30.000 m2 đất, đóng góp hàng tỷ đồng và hàng trăm ngàn ngày công trong xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn tỉnh có hơn 35.000 gia đình công giáo được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 65%, 400 khu dân cư tiên tiến, hơn 60 làng văn hoá cấp huyện, cấp tỉnh./.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN