(Baonghean) - Cuối năm, ghi nhận sự khởi sắc về sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại ở các địa phương không thuộc vùng trung tâm với những nhà máy, dự án mới đi vào hoạt động.
Những nhà máy mới...
Thị xã Hoàng Mai đang từng ngày thay da đổi thịt. Cùng với khu hành chính mới đi vào vận hành, hạ tầng được đầu tư nâng cấp, năm qua, nhiều dự án mới đã về với TX. Hoàng Mai và đi vào hoạt động hiệu quả. Điển hình nhất là Nhà máy Hoa Sen Quỳnh Lập, Nhà máy lớn thứ 2 của Tập đoàn Hoa Sen trên cả nước .Nằm ven biển Quỳnh Lập, trên đường Đông Hồi, nhà máy với dáng vóc đồ sộ đang thu hút gần 900 lao động về làm việc ở đây với mức lương bình quân 9 triệu đồng/người/tháng, trong đó có hơn 700 lao động Nghệ An.
Anh Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc nhà máy cho hay: Từ đầu năm 2016 đến nay, nhà máy sản xuất đến đâu tiêu thụ hết hàng đến đó, nạp ngân sách cho địa phương 36,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 20 tỷ đồng. Tập đoàn Hoa Sen đang đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy và hiện đã xong phần khung. Khoảng quý 2/2017, sẽ đi vào hoạt động. Với công nghệ hiện đại, Nhà máy Hoa Sen Quỳnh Lập vận hành tự động, điều khiển bằng vi tính là chính.
Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, dịch vụ hàng quán xung quanh nhà máy cũng mọc lên, đáp ứng phần nào nhu cầu của người lao động. Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai cũng đi vào hoạt động với 200 công nhân, hiện nay đang bắt đầu kế hoạch với đơn hàng mới của năm 2017 xuất sang Nhật Bản.
Theo báo cáo của thị xã Hoàng Mai, giá trị sản xuất công nghiệp và TTCN tăng mạnh những tháng cuối năm với nhiều nhà máy đã đưa tốc độ tăng cả năm so với cùng kỳ đạt 33,18%.
Bức tranh công nghiệp dịch vụ ở huyện Tân Kỳ năm 2016 cũng sáng hơn khi xuất hiện của nhiều dự án, nhà máy mới. Theo báo cáo của huyện, năm qua, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, các sản phẩm tiếp tục tăng, như: đường tăng 16,8%; gạch nung tăng 40%; nước máy tăng 7,8% so với năm 2015... Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa theo giá thực tế ước đạt 4.348 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2015.
Nhà máy gạch Hoàng Nguyên ở xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) đi vào hoạt động từ tháng 4/2016 đã tạo việc làm cho lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng. Khai phá đồi núi thấp để xây dựng nhà máy, chỉ 1 năm sau từ khi lập dự án cho tới đầu tư xây dựng, nhà máy đã đi vào hoạt động. Nhà máy có 2 dây chuyền sản xuất: 1 dây chuyền 22 triệu viên ngói/năm và một dây chuyền 5-10 triệu viên gạch/năm, đến nay tổng mức đầu tư đã đạt 80 tỷ đồng.
Tại dự án showroom ô tô Trường Hải trên đường Hồ Chí Minh, hiện nay nhà đầu tư đã xây dựng một trung tâm đại lý giới thiệu ô tô lớn nhất miền Tây Nghệ An phục vụ cho 10 huyện miền núi, đồng thời xây dựng một trung tâm sửa chữa ô tô quy mô lớn ở đây, tổng mức đầu tư của 2 dự án này hiện lên đến hơn 70 tỷ đồng.
Năm qua, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư và cho phép khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng 5 dự án trên địa bàn Tân Kỳ, trong đó có 3 dự án lớn bao gồm Trung tâm văn hóa tổ chức sự kiện, khách sạn; chợ trung tâm thị trấn, Trạm dừng nghỉ, trạm tiếp xăng dầu. Ngoài ra còn có các dự án khu đô thị; nhà máy bột đá siêu mịn...
Xu hướng dịch chuyển
Nếu như trước đây, nhiều dự án, nhà máy tìm đến vùng trung tâm như thành phố Vinh, Nghi Lộc, Cửa Lò... thì nay các nhà đầu tư đã có xu hướng dịch chuyển đến các vùng trung du, miền núi thấp hoặc các địa phương các vùng có tài nguyên, có giao thông thuận tiện và nguồn lao động dồi dào.
Một trong những “cơ duyên” để các dự án “đậu” lại ở các huyện xa thành phố đó còn là sự quan tâm, hết lòng với doanh nghiệp, doanh nhân của lãnh đạo chính quyền địa phương. “Công nghệ, thiết bị là một chuyện nhưng con người vẫn quan trọng nhất. Ngoài giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện về đất đai, lãnh đạo địa phương còn hết sức tạo điều kiện về cấp mỏ cho chúng tôi, tính từ khi lập dự án, chỉ trong 1 năm nhà máy đã đi vào hoạt động”, nói về vai trò của địa phương, anh Nguyễn Văn Liên - Giám đốc Nhà máy gạch Hoàng Nguyên (Tân Kỳ) cho biết.
Điều này cũng đúng ở các địa phương khác như TX. Thái Hòa, Anh Sơn,... Với tinh thần chủ động thu hút đầu tư, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp nhằm khai thác tiềm năng lợi thế... các huyện đã có thêm nhiều nhà máy mới tạo ra nhiều giá trị trên địa bàn, kéo theo sự phát triển của hàng hóa, dịch vụ, sự khởi sắc, nhộn nhịp của các làng quê.
Ví như ở TX. Thái Hòa, mặc dù không thuộc khu công nghiệp, nhưng TX. Thái Hòa đã xây dựng được số cụm công nghiệp, thu hút một số dự án về đầu tư như nhà máy may, nhà máy sản xuất đá trắng, nhà máy mộc...
Công nghiệp phát triển, thương mại dịch vụ cũng “ăn theo”, lao động có thêm nhiều việc làm tại chính quê nhà và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2016 ước tăng gần 10% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng ước tăng 14,75% so với cùng kỳ; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,33%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 8,16%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải tăng 12,82%. |
Châu Lan