(Baonghean) - Phát triển chăn nuôi dê hàng hóa đã từng là thế mạnh của nông dân Nghệ An, có thời kỳ cao điểm, tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh lên tới 117.600 con. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đàn dê đã suy giảm mạnh, (chỉ còn 70.000 con vào năm 2010). Trong những năm gần đây, người dân đã tiếp cận thành công phương thức nuôi dê nhốt mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước phục hồi tổng đàn với số lượng hơn 95.000 con vào năm 2014.

Anh Nguyễn Lâm Thân (xóm Thuần Trung, xã Thanh Tùng, Thanh Chương) chăm sóc đàn dê nhốt.
Anh Nguyễn Lâm Thân (xóm Thuần Trung, xã Thanh Tùng, Thanh Chương) chăm sóc đàn dê nhốt.

Ở xã Mã Thành (Yên Thành) anh Nguyễn Thọ Liêu khá nổi tiếng về nuôi dê. Có thời điểm anh Liêu nuôi hơn 80 con dê lai và thành lập đầu mối thu gom dê của vùng Yên Thành chở đi tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh khẳng định: “Nuôi dê có lãi gấp 5 đến 8 lần nuôi lợn. Con dê có một đặc điểm hơn hẳn các loài vật nuôi khác là giá thịt của chúng chỉ có ổn định hoặc tăng thêm chứ hiếm khi xuống. Người ít vốn cũng nuôi được dê, giá con giống chỉ dao động khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/con mà chúng lại ít bệnh tật, chỉ cần 6 đến 7 tháng tuổi là đã có thể phối giống nên đàn dê tăng rất nhanh. Nuôi dê cũng không quá vất vả mà lại thu hồi vốn nhanh, hiệu quả kinh tế rất rõ ràng. Trước đây khi mới thành lập gia đình, vợ chồng bán nhẫn cưới mua được 5 con dê, sau 6 năm gia đình đã thoát được nghèo để có cuộc sống tốt hơn”. 

Theo ông Nguyễn Văn Huệ - Cán bộ khuyến nông huyện Yên Thành thì đàn dê toàn huyện Yên Thành dao động ở mức trên dưới 6 ngàn con với phương thức nuôi nhốt là chủ yếu. Ngoài hướng đi chính là nuôi dê lấy thịt thì bà con còn nuôi dê sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Đầu Xuân Ất Mùi, đến thăm nhà anh Nguyễn Lâm Thân ở xóm Thuần Trung, xã Thanh Tùng (Thanh Chương) người vừa “trúng to” trong đợt bán “dê lộc” dịp Tết vừa qua, anh chẳng giấu giếm: “Nhận thấy nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao so với một số con vật khác, từ năm 2011 gia đình đã chuyển hướng sang nuôi dê nhốt. Thịt dê ít khi mất giá bởi nhu cầu của khách hàng ngày càng nhiều, trước Tết Nguyên đán, 1 kg hơi có giá từ 190 - 200 nghìn đồng. Trung bình mỗi con dê 20 kg là cầm chắc 4 triệu đồng. Hiện tại đàn dê của gia đình có 16 con, trước đó, chúng tôi đã bán đi vài con lấy tiền mua sắm Tết”. Qua tìm hiểu được biết, những năm qua ở Thanh Tùng, phong trào nuôi dê trở lại và phát triển mạnh. Xã có 11 xóm và xóm nào cũng có người nuôi, nhiều nhất là xóm Tùng Tân, Yên Thành, Kim Long, Tân Phượng… Nhà nuôi ít thì từ một đến vài con, nhà nuôi nhiều thì hàng chục con. Một trong những đặc tính đem lại hiệu quả kinh tế từ đàn dê là khả năng sinh sản mạnh của chúng, mỗi con dê cái một năm thường sinh 2 lứa, mỗi lứa 2 con có thể thu về 15 đến 16 triệu đồng/năm.

Nhìn lại quãng thời gian hơn 10 năm trước, thời kỳ đó đàn dê của Nghệ An suy giảm mạnh. Từ tổng đàn 117.600 con vào năm 2006 giảm xuống còn 70.000 con vào năm 2010. Nguyên nhân chính là do tập quán nuôi dê theo phương thức chăn thả, trong khi chúng lại là loài ăn lá rất khỏe. Trung bình mỗi con ăn từ 4- 7 kg cây cỏ và lá tươi mỗi ngày. Đặc biệt các loại cây hoa màu là thức ăn yêu thích của chúng. Trong khi đó, theo kinh nghiệm của người dân thì cây gì đã bị dê ăn ngọn thì rất khó hồi sinh, phát triển. Mặt khác, với tập tính ưa di chuyển và sinh sản mạnh khiến cho việc kiểm soát đàn dê theo phương thức chăn thả lại càng khó khăn, gây thiệt hại lớn cho hoa màu và môi trường xung  quanh. Vì thế, nhiều địa phương vẫn còn e ngại trong việc phát triển đàn dê.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương thức nuôi nhốt cố định tại chuồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Nuôi dê nhốt không khó, trái lại nó còn dễ hơn nuôi bò, nuôi lợn” là khẳng định của nhiều hộ phát triển nuôi dê theo hướng hàng hóa. Hiện tại, giống dê cũng được lai tạo với khả năng thích nghi cao với điều kiện nuôi nhốt. Thức ăn bỏ chuồng từ lá sắn, lá tự nhiên đến là chuối, lá xoan quanh vườn. Thậm chí vỏ lạc, ngô, rơm, cỏ chúng đều ăn. Chuồng nuôi dê thiết kế cũng không quá cầu kỳ, người dân có thể xây tường, gác nan tre hoặc đóng cũi, thậm chí thưng bằng lưới B40. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất của chuồng phải thông thoáng, phân rơi lọt vì dê “ở sạch, ăn khô”. Tất cả những thứ lá làm thức ăn cho dê khi rửa qua nước phải đợi thật khô ráo mới cho chúng ăn nếu không chúng sẽ bị mắc bệnh về tiêu hóa. Theo kinh nghiệm của nhiều người thì cái khó của nuôi dê không nằm ở vốn bởi việc xây chuồng và nhân giống dê rẻ hơn lợn nhiều, tuy nhiên điều khó khăn ở đây khi nuôi nhốt là mỗi con phải nhốt riêng một chuồng thì chúng mới nhanh lớn. Do đó nếu muốn phát triển thêm số lượng đàn thì phải có quỹ đất rộng mới thực hiện được.

Anh Thái Khắc Thanh, Phó phòng Kỹ thuật, Trung tâm giống chăn nuôi tỉnh cho biết: “Hiện tại trên địa bàn tỉnh ta có hai giống dê chính được người dân chăn nuôi là giống dê cỏ và dê lai Bách Thảo. Nguồn giống được cung cấp bởi các công ty cấp giống trên địa bàn tỉnh và có thể nhập giống trực tiếp từ các tỉnh Ninh Thuận, Ninh Bình, Thanh Hóa. Mô hình nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn vốn đầu tư ít lại tận dụng được công lao động nên rất phù hợp với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo ở nông thôn. Trong 3 năm (từ 2012 đến 2014), chúng tôi đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai thành công Dự án nuôi dê sinh sản trên 3 huyện Quỳ Hợp, Thanh Chương và Tân Kỳ. Dự án đã giúp cho người dân hiểu rõ hơn về phương thức nuôi dê nhốt, chuyển dần từ hình thức chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa. Hiện tại thị trường tiêu thụ thuận lợi, trong thời gian tới nếu bà con tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh chăn nuôi dê theo hướng thâm canh hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao ”.

Thanh Quỳnh