Khi tinh thần khởi nghiệp đang lên cao, cũng là lúc nhiều người không lượng được sức mình, sẵn sàng bỏ việc làm đang ổn định để "ra riêng" rồi nhanh chóng thất bại.
Những câu chuyện thành công về khởi nghiệp đã khích lệ nhiều người mạnh dạn nuôi dưỡng ước mơ của mình nhưng ngược lại, nó đang khiến không ít người rơi vào cảnh "ảo tưởng".
Đang có mức lương hơn chục triệu đồng nhưng My, chuyên viên chăm sóc khách hàng cấp cao (VIP) của một ngân hàng luôn nhấp nhổm chuyện bỏ việc để mở cửa hàng bán quần áo thiết kế cho công sở. Tuy nhiên, dù muốn bán hàng chuyên thiết kế chứ không phải sản xuất đại trà và nhập từ Trung Quốc như các shop, My lại không có khả năng vẽ mẫu thiết kế cũng như cắt may.
Cô lập luận, mình có gu thời trang tốt thì hoàn toàn có thể mô tả mẫu thiết kế và giao cho một mối thi công là được. Trong khi đó, thậm chí trong tay My còn chưa có vốn (cô mơ mộng sẽ tìm kiếm nhà đầu tư tài trợ hoặc rủ người góp) và hoàn toàn chưa tính đến bài toán quản trị chi phí quản lý, kinh tế cho cửa hàng đó. Chưa kể, mặt hàng quần áo thiết kế thường có giá cao và rất khó bán.
Thực tế, rất nhiều người đã cho là cô lấy "trứng chọi đá" nếu vẫn quyết làm theo cách này và chỉ sau một thời gian ngắn "ra riêng", My đã sớm nhận ra thất bại khi chi phí để "nuôi" một cửa hàng quá lớn và do không thể tự làm các khâu thiết kế, may mặc từ A đến Z nên cô hầu như không có lãi với mỗi chiếc váy bán ra.
Thực tế, không ít người nghĩ về khởi nghiệp như My và số những bạn trẻ đang có thu nhập ổn định ở nơi làm việc muốn ra riêng làm ăn ngày một nhiều.
Anh Chử Đức Hoàng - sáng lập kiêm CEO của Zinmed - người đã từng khởi nghiệp thành công với ý tưởng về phần mềm kiểm soát tiểu đường cho rằng những người như anh Minh chưa nên bỏ việc mà hãy tự tìm hiểu về đam mê của mình trước đã, có thể khoảng vài tuần.
"Khi đủ ham thích thì hãy trải nghiệm nó. Việc học chỉ giúp bạn biết đâu là thất bại nhưng chưa chắc giúp tránh được nó", Hoàng khuyên. Trước khi khởi nghiệp với Zinmed, Hoàng cũng có tới 10 năm giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực y tế.
Theo anh Chử Đức Hoàng, những người có thừa khát vọng và ý chí, nhưng thiếu kiến thức và chưa đủ tiềm lực tài chính thì không nên mù quáng hay a dua theo phong trào để rồi thất bại. Những thất bại đó có thể làm ảnh hưởng đến bản thân, công việc, gia đình và cả một thế hệ xã hội.
Theo VNE