(Baonghean.vn) - Đến thời điểm này, các trường tiểu học, THCS trên toàn huyện Quế Phong đã hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất, sẵn sàng cho năm học mới.
Tại trường THCS Tiền Phong, từ ngày 1/8, các thầy cô đã có mặt thường xuyên tại trường để dọn dẹp khuôn viên và sơn sửa 16 lớp học, phòng chức năng. Thầy Nguyễn Văn Hải, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xã Tiền Phong có 25 thôn bản với 3 dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống. Có nhiều bản cách trường đến 20km đường rừng khó đi như Xốp Sành, Na Sành. Ngoài ra, các bản Na Chạng, Piêng Cu cũng còn nhiều khó khăn, vì vậy việc vận động học sinh đến trường rất được sự quan tâm của Ban giám hiệu. Năm học này, toàn trường có 577 học sinh, tăng so với năm học trước 138 em. Đây là một dấu hiệu đáng mừng của nhà trường. Để đạt được kết quả này, các thầy cô giáo đã đến từng nhà vận động học sinh ở những thôn bản xa xôi nhất đến trường. Nhờ vậy mà không có học sinh bỏ học sau hè".
Có mặt tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4, một điểm trường khó khăn vào bậc nhất của huyện, thầy cô, phụ huynh và học sinh đang phấn khởi khẩn trương sửa sang lại trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường chuẩn bị cho năm học mới. Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có 1 điểm chính, ngoài ra còn 6 điểm lẻ là Huôi Xái 1, Huôi Xái 2, Huôi Mới 1, Huôi Mới 2 và Nậm Tột, tất cả đều đang rất khó khăn. Không điện thắp sáng, không sóng điện thoại, ngay tại điểm trường chính phòng học chật chội, tường thưng, mái lợp bằng gỗ, sân đất... hầu như tất cả đều tạm bợ, xuống cấp qua từng năm. Thầy Lang Văn Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 cho biết: Mặc dù còn rất nhiều khó khăn như trường còn tạm bợ, giao thông giữa các điểm trường, trường đến bản còn xa xôi, heo hút nhưng chúng tôi đã cố gắng hết mức để khắc phục trong thời gian ngắn nhất sẵn sàng cho năm học mới...
Trường Tiểu học, THCS Hạnh Dịch cách ngã 3 Phú Phương 15km với 16 điểm lẻ, trong đó có những điểm trường như bản Chiếng, cách trung tâm xã đến 16km, riêng cấp Tiểu học có 4 điểm nằm rải rác ở bản Mường Đán, bản Cóng, bản Mứt, Chăm Pụt, khó khăn về đi lại nhưng thầy trò của trường vẫn hết sức cố gắng để việc học diễn ra bình thường. Cách đây 3 năm, chia sẻ với khó khăn đó của trường, Tỉnh đoàn Nghệ An đã kêu gọi hỗ trợ xây 3 phòng nội trú cho học sinh với 12 giường/phòng. Ngoài ra xã hỗ trợ xoong, nồi, phụ huynh góp gạo, tiền nhờ người nấu. Các trường khác như Tiền Phong, Tri Lễ, Thông Thụ... đang phấn đấu để đảm bảo việc ăn ở cho học trò.
Năm học 2016 - 2017, toàn huyện có tổng số 15.854 học sinh các cấp. Để thực hiện kế hoạch, chỉ tiêu đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời chuẩn bị khai giảng năm học mới 2016 – 2017, Phòng GD&ĐT đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra tình hình chuẩn bị năm học mới của 46 trường học thuộc Phòng giáo dục quản lý từ ngày 5- 8/8/2016. Ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất, rà soát sỹ số và có giải pháp vận động học sinh đến trường. Đến thời điểm này, các trường học ở huyện đã rà soát vận động được trên 92% học sinh các cấp học đến trường. Trước thềm năm học mới, thầy cô huyện Quế Phong cũng đã được tập huấn đầy đủ về chuyên môn cho cả 3 bậc học và các đối tượng liên quan do Sở tổ chức. Hầu hết các trường lớp của huyện đã chủ động khắc phục khó khăn trước mắt, đón học trò vào học đúng kế hoạch của Sở GD&ĐT.
“Nằm trên địa bàn vùng sâu vùng xa biên giới, các huyện nghèo nguồn kinh phí phân bổ hạn hẹp qua từng năm, nên để đầu tư cho giáo dục toàn diện là rất khó khăn. Bởi vậy, những quan tâm hỗ trợ từ cộng đồng xã hội dành cho giáo dục miền núi sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng cho địa phương. Trước mỗi năm học mới, nhà trường đều phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài huyện quan tâm cho giáo dục, và từ nguồn hỗ trợ này đã giảm bớt khó khăn cho rất nhiều trường” Thầy Hồ Mậu Sự – Phó phòng GD&ĐT huyện Quế Phong chia sẻ.
Mang theo những tâm sự của các thầy cô xứ Quế, chúng tôi mong hành trình gieo chữ ở miền biên viễn sẽ có thêm nhiều quả ngọt không chỉ ở một niên khóa này.
Trần Hải