(Baonghean.vn) Những năm gần đây, cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế nông nghiệp, vùng bãi sông Lam đang thực sự trở thành vùng sản xuất hàng hoá quan trọng của nhiều huyện.


Đứng trên vùng đất bãi ven sông Lam thuộc xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn), phóng rộng tầm mắt là cả một dải ngô xanh bời bời, những hàng đậu lớp lớp nối theo nhau, các luống rau cải, khoai lang xanh mướt. Nhờ độ phì nhiêu nên trồng ngô, đậu , khoai lang, lạc trên vùng bãi rất có hiệu quả, mỗi năm làm 2 vụ liên tục là vụ đông và vụ xuân.

Việc phát triển tiềm năng vùng bãi sông Lam đã được đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ huyện Anh Sơn và được các xã ven sông xây dựng đề án sản xuất, chú trọng cơ cấu theo công thức sản xuất chuyển đổi, luân canh, tăng vụ và nhất là ứng dụng các tiến bộ KHCN như các giống ngô mới, lạc mới, đưa vào đa dạng rau củ hàng hóa như cà chua, cà rốt, su hào, bắp cải.

Cùng với đó, quy trình kỹ thuật chăm sóc cây màu cũng đảm bảo nên tăng thu nhập cho bà con nông dân. Chị Trần Thị Thanh- xóm 6, Lĩnh Sơn, cho hay: Năm nay thời vụ muộn, cuối tháng 9 mới trồng nhưng ngô vẫn phát triển như ý, nhàtôi có 1 sào đất bãi trồng ngô.

Giống ngô mới LVN61 bông to, hạt đều nên sản lượng và năng suất cao. Dưới chân ngô có thể trồng xen rau cải, phía đất cát khai hoang gần sông thì đào hố trồng bầu. Nhờ đất bãi mà nhà mình có thu nhập, có lương thực cho chăn nuôi và bán ở chợ". Tại các xã ven sông vùng cao hơn, mỗi năm vùng bãi còn được bà con chuyên canh 3 vụ sản xuất. Nhiều xã như Thạch Sơn, Vĩnh Sơn, Đức Sơncòn xây dựng cánh đồng rau màu chuyên canh thu nhập cao như rau cải, xu hào, bầu bí phục vụ nhu cầu rau sạch cho tiêu dùng nội huyện.


Ngược xuống vùng bãi huyện Đô Lương,không chỉ có rau màu mà còn ngút ngát dâu xanh. Những năm gần đây, để bảo tồn và phát triển làng nghề trồng dâu nuôi tôm Xuân Như và các xã phụ cận, Đô Lương đã quy hoạch 1.000 ha cây dâu trên vùng đất bãi.

Các giống dâu mới được bà con nông dân đưa vào trồng lá to, dày, số lượng lá nhiều làm thức ăn nuôi tằm nhanh lớn. Cây dâu tằm tại vùng bãi sông Lam được bà con nông dân xã Lưu Sơn, Đặng Sơn, Bắc Sơn phát huy tính chủ độngvà tự giác trong chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả, nhất là các vùng bãi thấp.


Cùng với sản xuất rau màu trên vùng bãi, việc phát triển nuôi cá lồng ngoài bờ sông cũng được các ngư dân tận dụng để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nghề nuôi cá lồng đầu tư con giống không nhiều, thức ăn chỉ là những lá cỏ, lá chuối, thương lái đến tận nơi tìm mua. Anh Phạm Văn Thuận- xóm 1, Lạng Sơn (Anh Sơn) tính đến nay cũng gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Lam, cho biết: "Trước đây có thời điểm tôi nuôi 40 lồng nuôi cá , nuôi cá lồng sau một năm có thể bán, nếu không có dịch bênh, cá không bị chết mỗi năm gia đình thu hoạch trên 2 tạ cá thương phẩm".


 
Tại các huyện đồng bông vùng phụ cận Thành phố Vinh như Nam Đàn, Nghi Lộc, diện tích đồng cỏ hiếm, vùng bãi ven sông sau thu hoạch còn là bãi chăn thả mênh mông cho việc chăn nuôi trâu bò hàng hóa và sức kéo của người dân.

Trong những năm qua, vùng bãi ven sông Lam thực sự là mảnh đất màu mỡ góp phần tạo ra giá trị kinh tế lớn cho bà con các địa phương.Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, thực hiện công thức luân canh tăng vụ, vùng bãiven Sông Lam thành một vùng kinh tế chủ lực, đa dạng cây trồng và loại hình sản xuất, hàng năm người dân bám đất, bám bãi không cho đất nghỉ.

Ông Lê Anh Sơn- phó phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương, phấn khởi "Hiện trên địa bàn huyện Đô Lương mới chỉ có xã Đông Sơn có vùng sản xuất chuyên canh rau, củ, quả trên đất bãi nhưng diện tích còn ít. Đến nay, huyện đã hoàn thành đề án xây dựng vùng chuyên canh rau, củ, quả với quy mô từ 150-200 ha tại vùng bãi ven sông Lam, tập trung tại Trung Sơn, Thuận Sơn, Tân Sơn, Nam Sơn, Lưu Sơn". Khai thác tiềm năng vùng bãi ven sông theo hướng xây dựng, quy hoạch vùng chuyên canh nhằm tập trung đầu tư thâm canh có hiệu quả, tạo khối lượng rau, củ hàng hóa có giá trị, từ đó góp phần để các địa phương đẩy mạnh vàphát triển chăn nuôi theo hướng thị trường. Đây là một hướng đi quan trọng trong bối cảnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới hiện nay ở tỉnh ta.


 
Tuy nhiên, hiện có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất trên vùng bãi. Ông Phạm Đình Đức- trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, cho biết: Cơ bản bà con còn sản xuất trên từng vùng manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất không cao, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất khó khăn, đặc biệt là tâm lý ngại đầu tư của bà con nông dân. Để thực sự khai thác tiềm năng vùng bãi trong việc phát triển kinh tế nói chung thì việc thực hiện dồn điền, đổi thửa, để tạo ra ô thửa bãi lớn là một mục tiêu trọng điểm.


Do đặc thù nằm hai bên bờ sông Lam nên vùng đất bãi thường xuyên trong tình trạng hàng năm khi nước sông dâng cao làm xói lở, bồi lấp nhiều diện tích vùng màu của nhân dân, vùng bãi đang "nở rộ" các điểm khai thác cát, sạn theo hình thức tổ hợp, cá nhân tự phát. Một dải bãi dài từ địa phận Thị trấn Đô Lương, Lưu Sơn, Đặng Sơn huyện Đô Lương lên đến các xã Lĩnh Sơn, Lạng Sơn, Hùng Sơn, Tường Sơn huyện Anh Sơn có hàng trăm điểm khai thác với phương tiện hút cát, sạn và guồng máy thi nhau hoạt động hết công suất.

Đặc biệt, tại Anh Sơn, việc khai thác cát tại các mố kè, chân bờ sông tại Thị trấn Anh Sơn và đoạn qua xã Đỉnh Sơn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và tiến độ thi công công trình kè chống sạt lở ven sông Lam nói chung.Bên cạnh đó còn phải kể đến ô nhiễm môi trường sống và nguồn nước sông Lam, ảnh hưởng nguy hại và làm sụt giảm phong trào nuôi cá lồng, đánh cá trên sông của ngư dân cũng đang dần kham hiếm.


Mai Lương