Trong khi vàng thế giới tăng vọt thì giá trong nước lại đứng yên. Chênh lệch giữa hai thị trường nhiều phiên gần đây chỉ còn vài chục nghìn đồng khiến những người chờ bán vàng đứng ngồi không yên.
Hai tháng đầu năm 2016, giá vàng thế giới tăng 16% trong khi từng giảm hơn 10% vào năm ngoái.
Hôm 11/2 (mùng 4 Tết), khi thấy giá thế giới lập đỉnh cao nhất một năm ở 1.260 USD, anh Nguyên (Trung Kính, Hà Nội) mừng thầm vì nghĩ sắp đến lúc bán cắt lỗ 10 cây vàng miếng SJC mua giá 35 triệu đồng năm ngoái. Tuy nhiên, hết đợt nghỉ Tết Nguyên đán, hàng vàng hoạt động trở lại nhưng giá chỉ tăng lúc mở cửa rồi giảm ngay sau đó. "Chờ cả tháng 2, giá vàng vẫn lình xình quanh 33 triệu đồng và không hiểu sao lại chẳng liên quan gì tới thế giới", anh Nguyên thắc mắc.
Cũng như anh Nguyên, nhiều người dân khác đã phải bấm bụng bán vàng đi khi chờ mãi giá trong nước vẫn không chịu tăng theo thế giới. Hiện mỗi ounce vàng quốc tế vẫn giữ "phong độ" khi trụ vững quanh mốc 1.240 USD. Quy đổi tiền Việt theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới khoảng 33,4 triệu đồng (chưa kể thuế phí).
Đầu giờ chiều 3/3, các doanh nghiệp vàng trong nước vẫn mua vào bán ra quanh 33,4-33,5 triệu đồng. Như vậy, giá vàng nội hiện đã bằng quốc tế (chiều mua vào) và chỉ nhỉnh hơn 100.000 đồng ở chiều bán ra. "Năm 2015, chênh giá giữa trong nước và thế giới vẫn cả triệu đồng. Nếu năm nay tiếp tục duy trì như vậy có phải tôi đã bớt lỗ hơn không?", anh Nguyên nói.
Tính riêng trong tháng 2, kim loại quý này trên thế giới tăng giá 10,6% nhưng giá vàng nội chỉ tăng hơn 2%. Lý giải về sự không liên thông, bà Trần Như My - Giám đốc kinh doanh vàng của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI - cho rằng giá là do cung cầu quyết định. "Ai cũng mong giá cao để bán nhưng doanh nghiệp vàng mua vào không biết 'xả' đi đâu vì lực cầu trong nước quá yếu. Nếu giá quốc tế còn đi lên, không loại trừ khả năng vàng SJC còn rẻ hơn thế giới", bà My nói.
Đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý - ông Lê Xuân Tùng - cũng tin việc vàng trong nước rẻ hơn thế giới có thể xảy ra. Theo ông, giá vàng miếng SJC với thế giới không nên so sánh 1:1 bởi nguồn cung trong nước hiện bị khống chế, giá tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào cầu.
"Tuy nhiên, nhu cầu đầu cơ vàng trong dân không có, chỉ còn nhu cầu tích lũy nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, năm 2015 người dân mua vào nhiều do giá xuống, nay khi thế giới đi lên, họ kỳ vọng bán ra chứ không mặn mà mua vào, càng làm cho cầu yếu hơn", ông Tùng nói.
Trước thông tin cho rằng có sự bất thường và bắt tay giữa các doanh nghiệp vàng trong nước khi kìm giá vàng, trao đổi với VnExpress, đại diện một doanh nghiệp vàng lớn phủ nhận việc này nhưng cũng thừa nhận: "Giờ chỉ cần giá tăng lên, lực bán ra xả hàng của người dân sẽ rất lớn, khi ấy chúng tôi sẽ lỗ do mua vào không biết bán đi đâu". Vị này cũng kể, mấy ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết, giá cũng tăng mạnh nhưng lực bán ra của người dân quá lớn do xả hàng nhiều.
Thực tế, một số thời điểm, khi giá thế giới tăng, các hàng vàng đẩy giá bán ra nhưng co hẹp biên độ mua bán để giữ giá mua vào không tăng mạnh. Điều này càng làm cho người dân đi bán vàng thiệt thòi hơn.
Nếu giá vàng trong nước rẻ hơn quốc tế, theo đại diện một công ty vàng bạc, nhu cầu mua vào của người dân sẽ rất lớn. "Lúc ấy, tự động giá sẽ tăng trở lại. Giá vàng không phải do một hay nhiều doanh nghiệp tự quyết mà tất cả phụ thuộc vào cung cầu", ông nói.
Theo một chuyên gia, nhu cầu vàng của người dân yếu hơn trước một phần vì những chính sách bất nhất của các doanh nghiệp vàng khi thu mua lại. Năm ngoái, Công ty SJC đột ngột ngưng mua vàng miếng loại một chữ (seri có một ký tự chữ nằm trước) một thời gian.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vàng khác (không phải SJC) lại từ chối mua vàng miếng thương hiệu SJC với lý do bao bì cũ, hỏng... hoặc trừ tiền nhiều. Thông tin này ngay lập tức khiến người dân lo lắng bởi chất lượng vàng đều như nhau trong bối cảnh Nhà nước đã quy định chỉ có một thương hiệu vàng miếng quốc gia là SJC.
"Mua vàng thì dễ nhưng bán ra lại gặp những quy định như vậy nên người dân càng ngần ngại', vị này nói
Theo VNE