(Baonghean) - Huyện rẻo cao Kỳ Sơn có diện tích tự nhiên gần 209 ngàn ha với trên 90% là đất lâm nghiệp, trong đó 60% là diện tích rừng phòng hộ nên việc chăm sóc, bảo vệ rừng là nhiệm vụ rất quan trọng. Những năm qua, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác này đạt nhiều kết quả tích cực. 

Rừng sa mu gần 20 năm tuổi của ông Vừ Nỏ Dềnh, xã Tây Sơn.
Rừng sa mu gần 20 năm tuổi của ông Vừ Nỏ Dềnh, xã Tây Sơn.

Chúng tôi ngược 12 km đường rừng vào xã Tây Sơn - một trong những xã có phong trào khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng tốt nhất huyện Kỳ Sơn. Ông Vừ Nỏ Dềnh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tây Sơn có 282 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu ở 6 bản, trong đó 100% là đồng bào Mông. Từng là một trong những địa bàn trọng điểm về chặt phá, đốt rừng làm rẫy dẫn đến cháy rừng và sạt lở đất, nhưng từ năm 2010 lại đây công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ở đây có sự chuyển biến đáng kể khi rừng được giao cho từng cộng đồng thôn bản và đại diện nhóm hộ quản lý, bảo vệ. Hàng năm, bắt đầu vào mùa khô nhất là mùa làm rẫy, cán bộ kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ lên kế hoạch vào xã để tập huấn cho bà con và đến từng bản để chỉ vị trí làm rẫy tập trung, hướng dẫn cách tạo đường băng cản lửa khi phát rẫy; qua đó giao trách nhiệm cho từng bản và đại diện nhóm hộ. Huyện ban hành quy chế để đại diện nhóm hộ chịu trách nhiệm trước trưởng bản, trưởng bản chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND xã về diện tích rừng thuộc bản mình quản lý chăm sóc; hộ nào có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy ước thôn bản…

Ông Vừ Chông Dì, bản Huồi Giảng 3 nhận khoanh nuôi, bảo vệ trên 3 ha sa mu cho biết: Thời gian đầu khi chưa có kinh phí hỗ trợ, công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. 2 năm lại đây, trên cơ sở chi trả dịch vụ môi trường rừng và một số nguồn khác, gia đình được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha nên rất phấn khởi. Xã Tây Sơn làm được thế là do dựa vào công tác bình xét hàng năm trong khoanh nuôi bảo vệ rừng, hộ nào làm tốt sẽ được địa phương tạo điều kiện nhận chế độ đầy đủ; ngược lại, những hộ vi phạm sẽ bị nhắc nhở và bình xét giảm tiền hỗ trợ nên tác động trực tiếp vào ý thức người dân. Mặt khác, để phòng ngừa, UBND xã cũng giao cho các bản thường xuyên kiểm tra nhắc nhở người dân, nắm chắc các đối tượng săn bắn, khai thác tận thu để theo dõi nên số vụ cháy giảm hẳn. Nhờ làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ, Tây Sơn là một trong ít xã của Kỳ Sơn bảo vệ được trọn vẹn diện tích rừng tự nhiên, trong đó còn trên 100 ha cây samu và pơ mu tự nhiên có giá trị kinh tế cao. Ông Cao Văn Quỳnh, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn cho biết: Từ năm 2013, với việc chi trả quỹ dịch vụ môi trường rừng từ các dự án thủy điện, mỗi năm Kỳ Sơn được cấp gần 15 tỷ đồng nên công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng nhờ vậy có những thuận lợi lớn. Các kinh phí trên được chi trả trực tiếp, minh bạch theo quy định cho người dân qua bình xét của cộng đồng xóm bản nên có ý nghĩa động viên bà con. 

Mặt khác, khi người dân làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng không chỉ tạo ra giá trị kinh tế lớn cho bảo tồn, phục hồi được những giống cây gỗ quý mà về lâu dài còn có thu nhập trước mắt rất đáng kể. Như tại xã Tây Sơn, nhờ có rừng già tự nhiên, một số hộ dân còn nhân rộng các giống cây sống dưới tán cây rừng như bo bo, gừng… để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, ngoài nguồn hỗ trợ bảo vệ rừng khoảng 3 triệu đồng/ha, bình quân mỗi năm các hộ có thêm thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng từ các cây trồng ngắn hạn. Từ năm 2012 lại đây, mỗi năm có hàng chục hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 55,3% năm 2014, trong đó có vai trò không nhỏ của việc khai thác tốt quỹ đất rừng. Bên cạnh đó, để có được những cánh rừng quý giá như hiện nay, có vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên cốt cán xã. Chính các cán bộ, đảng viên trong xã được sự vận động của Lâm trường Kỳ Sơn (nay là BQL rừng phòng hộ) đã mạnh dạn nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng để bà con tin theo. Từ vài hộ ban đầu, đến nay toàn xã có 150 hộ, chiếm 1/2 số hộ đứng ra nhận đất, mỗi hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ khoảng 2 ha rừng. Từ một xã thường xuyên để xảy ra cháy rừng, nhưng từ năm 2011 lại đây, Tây Sơn không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Rừng sa mu, pơ mu tự nhiên đang trở thành niềm tự hào của Kỳ Sơn. 

Tại Kỳ Sơn còn một số xã có mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng cộng đồng đã có kết quả rõ nét. Điển hình là mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng cộng đồng ở bản Xiềng Tắm (xã Mỹ Lý) hay bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ), xã Mường Lống hay xã Hữu Lập,… Ông Lô Văn Toán, chủ trang trại rừng ở bản Hoa Sơn, xã Tà Cạ cho hay: Năm 1997, ông nhận 10 ha đất của lâm trường, lúc đó rừng rất hoang sơ và nghèo kiệt chỉ toàn là sắn, cây cỏ dại và lau lách. Vì vậy, ông có ý định phát sạch để trồng cây mới nhưng quá trình dọn dẹp, ông nhận thấy đất của mình còn có một số loại cây gỗ quý như đinh hương, săng lẻ, lát, xoan… nên quyết định để lại khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ. 

Khoanh nuôi, bảo vệ rừng có lợi thế là không phải bỏ chi phí nhưng công chăm sóc vất vả và thời gian chờ thu hoạch khá dài nên để trụ được thì phải biết kết hợp “lấy ngắn nuôi dài”. Tận dụng lợi thế đất, ngoài khoanh nuôi rừng, trang trại 10 ha của ông Toán tại khe Chù Lù, bản Hòa Sơn, Tà Cạ dựng thêm chuồng trại chăn nuôi hàng chục con gia súc, hàng trăm con gia cầm và 3 ao cá. Vì vậy, trong thời gian chờ các cây gỗ quý phát triển, ông Toán thu hoạch khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm từ chăn nuôi. Hiện nay, trang trại của ông có nhiều loại gỗ quý với 3.000 cây săng lẻ, 400 cây đinh hương và trên 3.000 cây xoan, lát … từ 15 đến vài chục năm tuổi.

Ngoài các mô hình lớn, trên cơ sở chính sách của Nhà nước và của huyện, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, trong vòng 4 - 5 năm đã phát triển được gần 400 mô hình gia trại vườn rừng tổng hợp, từ chăn nuôi đến trồng trọt… góp phần bảo rừng mà và khai thác hiệu quả tiềm năng đất rừng, mang lại thu nhập cho người dân. Ông Mùa Nỏ Xử, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Mặc dù hiệu quả kinh tế của các mô hình trang trại, gia trại ở Kỳ Sơn chưa lớn nhưng từ cơ chế khoanh nuôi, bảo vệ rừng, huyện đã khơi dậy được ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng bà con. Do đó, năm 2014, Kỳ Sơn đã nâng độ che phủ rừng từ 49% lên 54% diện tích tự nhiên, cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội khóa XXI Đảng bộ huyện đề ra…”. 

Nguyễn Hải