(Baonghean) - Toà nhà ấy nằm khiêm nhường, thậm chí hơi lặng lẽ trên một trong những tuyến đường được xem là đẹp nhất và sôi động nhất thành phố Vinh - đường Quang Trung. Mỗi lần đi qua đó, tôi vẫn thường nhớ về bức thư và bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Tỉnh ủy Nghệ An. 

Nội dung bức thư có đoạn: “Vị trí nhà ông bà Hàn Bình, cũng là nơi ở của chị Minh Khai và chị Quang Thái. Số nhà 132, đường phố: Maréchal Foch, trên đường từ ga đến Cầu Rầm. Có thể hỏi: bà Nhuận, bà Đinh Thị Cổn, chị Lân, anh Đoàn… Đương nhiên nên hỏi bà Hiên, cậu Dung. Ông bà Hàn Bình còn có nhà ở Chợ Thượng”. Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ngày 6/11/2005. 

images1851978_bna_58cbb99765d53.jpgBút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Tỉnh ủy Nghệ An giúp xác định vị trí ngôi nhà ông Hàn Bình. Ảnh: Q.S

Vâng! Công trình mà tôi đang muốn nhắc đến chính là Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai ở thành phố Vinh. Năm 2005, khi bắt tay vào thực hiện công trình này, Tỉnh ủy Nghệ An, Thành ủy Vinh và các đơn vị liên quan đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, tìm địa điểm, vị trí xây dựng. Mục đích là nhằm tri ân nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai, giáo dục các thế hệ về lịch sử đấu tranh cách mạng của mảnh đất có bề dày truyền thống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tại sao Tỉnh ủy Nghệ An và Thành ủy Vinh lại xin ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi lẽ người vợ đầu của Đại tướng là bà Nguyễn Thị Quang Thái, em gái Nguyễn Thị Minh Khai. Khi giúp thành phố Vinh xác định vị trí xưa kia của ngôi nhà bố mẹ vợ, Đại tướng đã 94 tuổi, ấy vậy mà Đại tướng vẫn nhớ tường tận mỗi tên đường, tên phố, mỗi người liên quan. Phải có tình cảm sâu sắc lắm với người con gái đất thành Vinh - Nguyễn Thị Quang Thái và gia đình nhà vợ thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nhớ tường tận về nơi này đến thế.

Nhà Lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai thuộc phường Quang Trung (TP. Vinh). Ảnh: Đào Tuấn

Trước khi nói về công trình Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai ở thành phố Vinh, xin khái quát về sự hình thành của vùng đất phường Quang Trung trong quá trình đồng hành với lịch sử phát triển của thành phố. Ngày 10/12/1927, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Vinh - Bến Thủy trên cơ sở sáp nhập 3 trung tâm đô thị. Đó là: Vinh, Bến Thủy và Trường Thi. Ngày 18/1/1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier ban hành Nghị định bổ sung chia Vinh - Bến Thủy thành 10 phố, từ phố Đệ Nhất đến phố Đệ Thập, vùng đất phường Quang Trung thuộc phố Đệ Nhất. 

Đến năm 1945, sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chính quyền cách mạng thành phố Vinh hợp nhất địa giới hành chính của thành phố Vinh từ 10 khu phố thành 5 khu phố, khu vực phường Quang Trung thuộc địa phận khu phố 1…

Có thể nói ngay từ thời phong kiến - thuộc địa, vùng đất thuộc phường Quang Trung hiện nay đã là trung tâm kinh tế - hành chính của chính quyền phong kiến cũng như của chế độ thực dân; đây cũng là nơi được thực dân Pháp xây dưng thành trung tâm hành chính - thương mại, công nghiệp tư bản Pháp và như một tất yếu khách quan, trên đại lộ Maréchal Foch thuộc phố Đệ Nhất là nơi hội tụ của tầng lớp trung lưu, thượng lưu và nhất là các nhà tư sản trong khu vực, trong đó có tư sản dân tộc. Gia đình ông Hàn Bình là một trong số đó. 

Học sinh phường Quang Trung tham gia hoạt động ngoại khóa tại Nhà lưu niệm. Ảnh: Đào Tuấn

Ông Nguyễn Huy Bình - Hàn Bình quê gốc ở làng Mọc - Thượng Đình, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Thủ đô Hà Nội. Là người có học thức, địa vị trong xã hội lúc bấy giờ, khi đến làm ăn cư trú tại đất Vinh, ông nhận được sự trọng vọng của cư dân trong vùng. Cũng chính tại phố Đệ Nhất, nơi có nhà ga xe lửa và là khu vực buôn bán sôi động của thành phố, những người con của ông Nguyễn Huy Bình đã cho thấy sự cảm nhận sâu sắc về cuộc sống lầm than của người dân khi bị đô hộ, bị giày xéo dưới 2 tầng áp bức. Lúc bấy giờ ở vùng đất Vĩnh Yên - Yên Trường (Vinh) hiếm có gia đình nào thuộc trung lưu “lớp trên” lại có con cái đi theo cách mạng đông như gia đình ông Hàn Bình. Ông bà sinh được 8 người con thì tất cả đều một lòng theo cách mạng.

Trong đó, 2 người con gái lớn là Nguyễn Thị Minh Khai (1911 - 1941) và Nguyễn Thị Quang Thái (1915 - 1944) được xem là trường hợp đặc biệt trong phong trào đấu tranh cách mạng không chỉ của Nghệ An mà còn của cả nước vào đầu thế kỷ XX. Ai cũng biết người chồng cũng là người đồng chí của Nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai là cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, còn chồng của nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ là những người có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ, nhân dân suốt thế kỷ XX và cho đến ngày nay. Đó cũng là một trường hợp hiếm gặp trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Trở lại với Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai ở thành phố Vinh, đây là công trình được tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh xây dựng nhằm tri ân một trong những người con ưu tú, tuẫn liệt của quê hương. 

Sau một thời gian thi công, công trình hoàn thành vào năm 2012, dịp kỷ niệm 110 năm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Công trình có nhiều hạng mục được thiết kế, bố trí hài hòa, hợp lý. Theo đó, ngoài Nhà lưu niệm với diện tích xây dựng là 362m2 được xây dựng theo lối kiến trúc cổ thời Nguyễn, công trình còn có nhà tiếp khách 68m2 và các hạng mục phụ trợ như khuôn viên, vôn va, cây cảnh, thảm hoa… Đặc biệt giữa trung tâm khuôn viên, ngay trước Nhà lưu niệm là bức tượng Nguyễn Thị Minh Khai được đúc bằng đồng, mặt hướng về phía Nam. Nhà lưu niệm nằm ngay bên cạnh Rạp chiếu phim 12/9 - nơi xưa kia cũng là rạp chiếu phim Majetic phục vụ nhu cầu giải trí do thực dân Pháp cho xây dựng. 

Bức tranh tái hiện lại cảnh Nguyễn Thị Minh Khai (trái) và đồng chí của mình tham gia tuyên truyền cách mạng tại chùa Diệc (TP.Vinh)

Giữa chốn phố xá ồn ào, sôi động bậc nhất thành phố Vinh, chỉ cần bước chân vào khu Nhà lưu niệm dường như ngay lập tức người ta cảm nhận được nét thanh tịnh, nhẹ nhàng và ai cũng có thể tìm thấy giây phút bình yên trong tâm hồn mình.

Tôi gặp chị Nguyễn Thị Thu Hằng, hướng dẫn viên của Nhà lưu niệm trong một buổi chiều đầu Xuân. Chị cười nhẹ nhàng cho hay, đây thực sự là một khoảng lặng, một không gian mềm mại giữa chốn huyên náo. Trong Nhà lưu niệm ngoài ban thờ chính và rất nhiều tư liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai, còn trưng bày hình ảnh, hiện vật về những thành viên trong gia đình của bà cũng như đồng chí, đồng đội trong thời kỳ đầu của phong trào đấu tranh cách mạng của thế kỷ XX.

Tuy vậy, theo chị Nguyễn Thị Thu Hằng, cũng không đông người thăm viếng Nhà lưu niệm như những nơi khác. Khách tới đây chủ yếu là các em học sinh trên địa bàn phường. Các trường tiểu học thường tổ chức cho các em kết nạp Đội tại Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, ngoài ra còn có các hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu về danh nhân lịch sử của thành phố Vinh. Bên cạnh đó, hàng năm vào dịp Kỷ niệm các ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Phụ nữ Việt Nam 20/10 hoặc Quốc tế Phụ nữ 8/3, Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai mới rộn lên một thời gian ngắn khi các đoàn đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ. Sau đó, lại trở về trạng thái lặng lẽ, yên bình như vốn có. Có lẽ chính điều này mới tạo nên một điểm nhấn về văn hóa đặc biệt trong không gian đô thị hiện đại ở phường Quang Trung - một trong những khu vực sôi động nhất của thành Vinh.

Phố Đệ Nhất, đường Maréchal Foch (Ma - rê - sa Phốc) xưa kia còn được người dân gọi là phố Ga. Mỗi ngày người ta đều nghe tiếng còi tàu hú vang dội vào khu vực phố xá sôi động. Tôi cứ tưởng tượng, cũng chính tại ga tàu đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp gỡ, hẹn ước với người bạn đời đầu tiên Nguyễn Thị Quang Thái; và trên chuyến tàu rời Vinh, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã nắm tay người vợ, người đồng chí của mình là bà Nguyễn Thị Minh Khai đi hoạt động cách mạng, để rồi họ đã sống và cống hiến trọn đời cho niềm tin và lý tưởng lớn lao. Đó là nơi hội tụ của những con người kiệt xuất, của những tinh hoa dân tộc và thời đại.

Quốc Sơn
 

TIN LIÊN QUAN