Hai bên nhất trí tích cực thực hiện các nội dung thỏa thuận cấp cao đã đạt được giữa lãnh đạo hai Nhà nước.
Trong hai ngày 9-10/9, tại thủ đô Minsk (Cộng hòa Belarus) diễn ra khóa họp thứ 10 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Belarus về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học-kỹ thuật.
Khóa họp do hai đồng Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Rybakov đã tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng trong hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật giữa hai nước. Hai bên bàn bạc các biện pháp mở rộng hợp tác và nâng cao kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.
Hai bên vui lòng nhận thấy cùng với việc phát triển tích cực các mối quan hệ chính trị giữa Belarus và Việt Nam, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật và các lĩnh vực khác đang từng bước được mở rộng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Lê Dương Quang và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Rybakov bắt tay sau Lễ ký biên bản khoá họp
Bên cạnh việc trao đổi đoàn, hai bên còn tích cực và chủ động trong việc khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan (gồm Nga, Kazakhstan và Belarus) và tổ chức diễn đàn doanh nghiệp hai nước vào ngày 11/9. Đồng thời, hai bên cũng đánh giá mức độ hợp tác hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai nước.
Về chương trình hành động giai đoạn 2013-2015, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác, tích cực thực hiện các nội dung thỏa thuận cấp cao đã đạt được giữa lãnh đạo hai Nhà nước, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 500 triệu USD vào năm 2015, đồng thời nghiên cứu khả năng tăng thu hút đầu tư và sự tham gia của các nhà doanh nghiệp hai bên vào các dự án trọng điểm ở mỗi nước, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.
Khoá họp thứ 10 Uỷ ban Liên chính phủ Việt Nam - Belarus về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học kỹ thuật
Khóa họp cũng thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như: Nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, tài chính-ngân hàng, khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục… và nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như thông tin-truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch và hợp tác liên địa phương./.