(Baonghean) - Mùa mưa lũ đang đến gần, bà con bản Pật (xã Châu Tiến) và bản Quắn (xã Liên Hợp) của huyện Quỳ Hợp đang lo lắng bởi dự án di dân tái định cư khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở chậm tiến độ. 

TIN LIÊN QUAN
Một số hộ nằm trong diện di dời tại bản Quắn (Liên Hợp).
Một số hộ nằm trong diện di dời tại bản Quắn (Liên Hợp).

Những con khe, con suối hiền hòa là vậy, nhưng khi mùa mưa lũ đến chúng lại trở thành những “lưỡi hái tử thần” uy hiếp nhà cửa, ruộng vườn và đe dọa đến tính mạng của nhiều người dân nơi đây. Đến bây giờ, ông Vi Văn Thanh ở bản Quắn (xã Liên Hợp) vẫn còn nhớ như in thời điểm cả căn nhà bị lũ cuốn trôi vào năm 2009. Ông Thanh kể: “Lúc đó là vào buổi sáng, cả gia đình đang ngồi ăn cơm thì nước đột ngột dâng cao. Nhìn ra phía ngoài thì cả bản đã ngập chìm trong nước. Chúng tôi hoảng sợ dắt díu nhau trèo lên mái nhà, cũng may là nhà lợp cọ chứ nhà đổ mái bằng thì không còn đường sống. Năm đó gần 20 căn nhà của cả bản bị lũ cuốn trôi. Hoa màu lúa rẫy cũng bị đất vùi lấp hết”. Cùng thực trạng đó, nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc sinh sống trên vùng Mường Hạt, Mường Nghinh thuộc các xã Châu Tiến, Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp phải hứng chịu. Do bà con thường dựng nhà ngay dưới chân núi, lại sát khe nước nên chỉ một trận mưa to, nước lớn từ Châu Hồng, Châu Tiến đổ về, hàng chục hộ dân ở hai bản trên đều bị ngập lụt. 

Trước tình hình đó, năm 2011 huyện Quỳ Hợp đã được phê duyệt Dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở tại xã Châu Tiến và Liên Hợp với tổng số vốn là  36,134 tỷ đồng. Theo phê duyệt, Dự án được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2012 – 2014 để di dời 42 hộ dân của bản Pật, xã Châu Tiến và 31 hộ dân ở 2 bản Duộc và bản Quắn, xã Liên Hợp. Dự án được phê duyệt triển khai đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu nay của hàng chục hộ dân ảnh hưởng cũng như chính quyền, người dân các xã. Thế nhưng, đến nay sau hơn 2 năm thực hiện, tiến độ xây dựng khu tái định cư diễn ra rất chậm. Cụ thể, tại bản Pật, xã Châu Tiến mới chỉ thực hiện hạng mục san lấp mặt bằng. Còn tại các bản Duộc, Quắn, xã Liên Hợp cũng mới dừng lại ở hạng mục san lấp mặt bằng và làm cầu tràn giao thông. Trong khi tổng số các hạng mục cần thực hiện bao gồm: San lấp mặt bằng, giao thông nội vùng, điện, nước, nhà văn hóa, sân thể thao… 

Đường vào khu tái định cư xuống cấp trầm trọng (ảnh nhỏ).

Tìm đến bản Quắn, phải vượt qua những đoạn đường núi hiểm trở cách trung tâm huyện hơn 50 km mới thấy được nỗi vất vả của bà con nơi đây. Theo chia sẻ của ông Lô Thanh Đồng, Chủ tịch UBND xã Liên Hợp thì hệ thống giao thông hiểm trở là một rào cản thi công khu tái định cư. Để san lấp mặt bằng 3,35 ha bố trí cho 41 hộ dân phải tốn khá nhiều thời gian và công sức bởi đường nhỏ và độ dốc lớn, việc vận chuyển vật liệu xây dựng cũng như các thiết bị máy móc rất khó. Là hộ nằm trong diện di dời, anh Vi Văn Thanh chia sẻ: “Chờ đợi mấy năm nay nhưng hiện tại khu tái định cư cũng chỉ mới tiến hành xong san lấp mặt bằng. Mùa lũ lại đang đến gần nên gia đình đành phải mua 30 cây thép và 4 tấn xi măng chuẩn bị xây dựng căn nhà để đối phó với mùa lũ năm nay. Mặc dù có thông báo là mỗi hộ sẽ được nhận 20 triệu đồng tiền di dời nhưng đến giờ chưa được nhận nên chúng tôi chỉ có thể chuẩn bị những vật liệu tối thiểu mà thôi. Tuy nhiên, điều bà con trong bản lo lắng là khu tái định cư được quy hoạch trên đỉnh đồi khá cao, nên nếu nhà không kiên cố thì chắc sẽ gặp nhiều nguy hiểm khi có bão lớn hay gió to”.

Đối với bản Pật (xã Châu Tiến) trong những ngày này bà con cũng đang đau đáu nỗi lo trước mùa con lũ dâng cao. Được xây dựng khu tái định cư khiến ai cũng vui mừng, nhưng giờ đây lại mừng ít lo nhiều. Ông Vi Văn Lý, Phó bản tâm sự: “Bà con nơi đây chỉ có một diện tích đất nhỏ canh tác là Na Đọong và Na Pên. Hai năm qua, khi tiến hành san lấp mặt bằng, đất đá từ đỉnh đồi rơi xuống lấn mất gần 1/3 diện tích của Na Đọong, ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa của bản. Chúng tôi mong chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng để bà con sớm ổn định cuộc sống”. 

Giải thích về tiến độ thi công tại các khu tái định cư trên, ông Vi Văn Chương, Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quỳ Hợp cho biết: Dự án triển khai chậm bởi nguồn vốn thiếu và cấp "nhỏ giọt". Theo kế hoạch, giai đoạn 1 nguồn vốn được cấp là 17 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay chỉ mới được cấp 11,8 tỷ đồng. Do vậy, công tác xây dựng và hỗ trợ tiền di dời cho các hộ dân tại 2 điểm tái định cư trên cho dân gặp rất nhiều khó khăn”.

Thanh Quỳnh

Khu tái định cư bản Quắn được xây dựng trên diện tích 3,35 ha, bố trí cho 41 hộ dân và khu tái định cư bản Pật với diện tích 4,24 ha, phục vụ cho 42 hộ dân. Theo quy hoạch, tại khu tái định cư di dân ra khỏi vùng thiên tai đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng các tuyến đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt, xây dựng nhà cộng đồng và nhà trẻ mẫu giáo với tổng vốn đầu tư 36.347 triệu đồng. Thực hiện Chỉ thị 1792/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cắt giảm đầu tư, sau thời gian ngắn triển khai, UBND tỉnh điều chỉnh lại dự án đầu tư giai đoạn 1 với nguồn vốn là 17.409 triệu đồng.