(Baonghean) -Mô hình Tiểu học mới (gọi tắt là VNEN) là một dự án đổi mới giáo dục tiểu học do Quỹ toàn cầu hỗ trợ phát triển giáo dục của LHQ tài trợ khoảng 80 triệu USD cho hơn 1.400 trường học trên toàn quốc. Riêng tỉnh Nghệ An có 73 trường trên khắp các địa phương tham gia chương trình này ở các khối lớp 2 và 3, trong đó có những trường tiểu học vùng cao cũng đã được cân nhắc thí điểm mô hình này. Dù mới chỉ thực hiện thí điểm, nhưng mô hình VNEN được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đổi mới việc dạy và học hiệu quả và khoa học hơn. Cách tổ chức lớp học theo từng tổ nhóm tự quản từ 4 - 6 học sinh, qua đó học sinh được chủ động hoàn toàn khi học bài mới cũng như chấp hành kỷ luật. Chỉ cần tuân thủ đúng quy trình “10 bước học tập”, trong đó có 7 bước học sinh tự hoạt động nhóm và thảo luận, giúp nhau sửa những phần bài làm còn sai sót có sự hỗ trợ của giáo viên. Sau đó là phần thực hành ứng dụng, liên hệ với thực tiễn gia đình, địa phương. Phương pháp học này học sinh có thể chủ động với tất cả các bài học mà vẫn tuân thủ đúng chương trình của sách giáo khoa hiện hành.

Khó trong triển khai mô hình Tiểu học mới ở vùng cao ảnh 1

Lớp học thí điểm mô hình Tiểu học mới tại Trường tiểu học Yên Khê

(Con Cuông)

Năm học 2012 – 2013, huyện Con Cuông có 4 trường với 473 học sinh lớp 2 và 3 tham gia chương trình VNEN. Theo ông Mai Hồng Vinh - chuyên viên tiểu học phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, với phương pháp này giáo viên cũng được “giảm tải” vì chủ yếu chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt lớp học, gỡ rối cho học trò khi gặp vấn đề hóc búa chứ không phải truyền thụ kiến thức theo kiểu cô đọc trò ghi một cách thụ động như phương pháp truyền thống. Lớp học có thư viện và được bổ sung những học cụ trực quan theo từng nhóm chủ đề giúp học sinh dễ liên hệ với thực tế những kiến thức đã được học, trong đó có phần cộng đồng đóng góp học cụ. Đó là những công cụ lao động quen thuộc hàng ngày ở miền núi như bó lúa nương, giỏ cá làm cho phòng học thêm sinh động. Nằm trên địa bàn xã biên giới còn khá nhiều khó khăn nên năm nay, Trường TH Môn Sơn 2 chỉ chọn thí điểm mô hình VNEN tại 2 lớp với gần 40 học sinh. Theo cô Nguyễn Thị Châu Loan - Hiệu trường nhà trường, dù chưa qua kiểm tra nhưng có thể thấy được, phương pháp giảng dạy mới này đã phát huy hiệu quả tốt khi học sinh đang tỏ ra hào hứng hơn với mỗi bài mới.Cô giáo Lê Thị Hồng Nhị, giáo viên Trường TH Yên Khê (Con Cuông) có thâm niên 25 năm trong nghề cho biết đây là lần đầu tiên tiếp xúc với phương pháp giảng dạy mới mẻ này nên cũng khá bỡ ngỡ, nhất là sách giáo khoa được thiết kế theo “10 bước học tập”, ban đầu rất khó trong việc hướng dẫn học sinh thực hiện đúng từng bước mà không chậm chương trình.Tuy nhiên, cũng theo cô Nhị, giáo viên cũng phần nào cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi lên lớp không phải soạn bài mà chỉ ghi “nhật ký giảng dạy”, gồm những vấn đề phát sinh trong từng buổi học, qua đó để rút kinh nghiệm và có phương án khắc phục. Tâm lý “bỡ ngỡ” cũng xảy ra đối với một số giáo viên khác như cô Phạm Thị Dần (Trường TH Môn Sơn 2 – Con Cuông). Cô Dần cho biết: Qua 10 tuần triển khai phương pháp tiểu học mới, về căn bản học sinh có hào hứng hơn trong những giờ học. Đây là điểm ưu việt của chương trình VNEN so với cách giảng dạy truyền thống. Tuy vậy, giáo viên cũng “mệt” hơn vì lần đầu làm quen với phương pháp tiểu học mới và phải lo giữ trật tự trong giờ học vì chính học sinh cũng chưa quen với những tổ nhóm tự quản.Theo cô Nguyễn Thị Đông, giáo viên Trường TH thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), ngoài những điểm ưu việt thì phương pháp tiểu học mới cũng gây khó khăn đối với học sinh vùng cao, nhất là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số. Những em này vốn hạn chế về giao tiếp tiếng Việt, vì vậy các em khó diễn đạt ý tưởng trong khi thảo luận nhóm. Điều này cũng xảy ra đối với học sinh ở Trường TH Nậm Cắn, Hữu Kiệm (Kỳ Sơn). Sách giáo khoa của chương trình tiểu học mới có phần dành cho phụ huynh hướng dẫn con cái học bài, theo cô Nguyễn Thị Đông, gây khó khăn cho các bậc phụ huynh vùng cao, vì  để đọc thông, viết thạo đã là điều rất khó khăn chứ chưa nói đến việc “bày cho con cái học bài”.Một vấn đề khiến những phụ huynh vùng cao có con theo học tại các lớp tiểu học mới là mức đóng góp cho việc mua sắm học cụ từ 100 nghìn đồng – 200 nghìn đồng là quá cao so với mức thu nhập của đồng bào miền núi. Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Liên - Hiệu trưởng Trường TH Yên Khê cho biết: “Sở dĩ, cha mẹ học sinh phải đóng thêm tiền là vì nguồn vốn cho mô hình VNEN gần như chưa có gì. Hiện các trường đều chưa biết thời điểm nào thì vốn mới được cấp về”. Không chỉ chậm vốn, các lớp thực hiện chương trình VNEN trên hầu khắp các huyện miền núi đều chậm chương trình 2 – 3 tuần. Và để theo kịp phương pháp tiểu học mới, học sinh các trường đang thí điểm mô hình ở Con Cuông phải học tăng thêm một số buổi trong tuần. Bình thường mỗi học sinh chỉ phải đến lớp 7 buổi/tuần nay tăng thêm 9 buổi mỗi tuần, điều này còn tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh tại một số trường khi phải đưa đón con em.

Hữu Vi