Bãi xe quá tải
Bụi bám thành lớp, hệ thống giảm xóc hoen gỉ, lốp hết hơi, bạc sơn… là hình ảnh về phương tiện vi phạm (chủ yếu là xe mô tô) tại nhiều kho, bãi giữ xe vi phạm Luật Giao thông lâu nay. Tình trạng này không chỉ gây lãng phí về tài sản, mà còn gây khó khăn trong việc bố trí diện tích trông giữ xe... Qua tìm hiểu, đây thực sự là áp lực đối với cả người dân lẫn lực lượng chức năng.
Với nhiều người dân, chiếc xe là cả một gia tài, nên việc phải đưa xe về bãi tạm giữ và phải phơi mưa, nắng nhiều ngày khiến các chủ phương tiện lo lắng, bất an. Anh N.Đ.H (ở TP. Vinh), một người từng vi phạm giao thông và bị giữ xe cho hay: Bị tạm giữ xe là việc chẳng đừng. Ngoài việc không có phương tiện để đi lại, hàng ngày tôi còn phải nghe bố mẹ thở ngắn, than dài vì xe phải nằm bãi, “của đau con xót”, chiếc xe là tài sản lớn mà”, anh H.nói.
Theo phản ánh của một số chủ phương tiện, chính vì lý do trên nên trong quá trình xử lý vi phạm giao thông dẫn đến phát sinh tiêu cực xin - cho, “lách” lỗi vi phạm để tránh bị tạm giữ xe. Hoặc nếu bị tạm giữ phương tiện, không ít trường hợp sẽ cố cạy cục để được nhận lại xe sớm hơn thời hạn quy định, vì không muốn xe phải nằm lâu ở bãi.
Về phía lực lượng chức năng, để tạm giữ phương tiện buộc phải vận chuyển, bảo quản... Riêng đối với xe quá thời hạn xử lý, theo quy định của pháp luật, nếu người vi phạm không đến giải quyết, đơn vị tạm giữ phương tiện sẽ tiến hành các thủ tục xác minh để tìm chủ sở hữu. Nếu trong trường hợp không tìm được chủ sở hữu hoặc tìm được nhưng người này không đến nhận lại và phương tiện không phải là tang vật trong các vụ án thì sẽ tiến hành các thủ tục thanh lý để sung công quỹ Nhà nước.
Quy định là vậy, nhưng để hoàn thành thủ tục thanh lý, cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Thượng úy Trương Xuân Luân - Đội phó Đội CSGT Công an huyện Nghi Lộc cho biết, ngoài đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, riêng trong năm 2019 đội đã gửi giấy mời đến tận nhà, vận động 50 trường hợp đến xử lý, nhưng chỉ có 2 trường hợp đến lấy xe và mãi đến đầu năm 2020 mới thanh lý xong.
Trung tá Võ Thế Quyền - Phó trưởng Công an huyện Diễn Châu cũng cho hay: Hàng năm đội CSGT đều làm thủ tục thanh lý, tuy nhiên, tình trạng xe vi phạm giao thông, xe tai nạn tồn đọng vẫn nhiều, ngoài việc làm cho kho bãi trở nên quá tải, thì việc bảo quản cũng trở nên khó khăn, vì vừa phải đảm bảo các điều kiện an toàn, vừa phải đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ, nhất là trong mùa nắng nóng.
Theo Trung tá Võ Thế Quyền, nhiều trường hợp ngoại tỉnh, CSGT căn cứ địa chỉ trong biên bản vi phạm để gửi thông báo, cũng như kết hợp công an tại địa phương để liên hệ giải quyết nhưng cũng rất khó để tìm chủ xe.
Qua tìm hiểu, các đơn vị CSGT đều cho rằng, khi bị tạm giữ, hầu hết các xe vi phạm ở trong tình trạng tối thiểu là… chạy được, nhưng sau khi nằm bãi một thời gian dài không có chủ xe đến nhận, thì vì nhiều lý do, việc xe rơi rụng phụ tùng, hoen rỉ... là khó tránh khỏi. Ngoài nguy cơ mất dần giá trị sử dụng, dẫn đến lãng phí thì do diện tích trông giữ xe hạn chế, nên tình trạng quá tải xe vi phạm tồn đọng cũng đặt ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thụ lý, giải quyết.
Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT tỉnh, ngoài số xe tồn đọng từ trước, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2020, công an các đơn vị, địa phương đã tiến hành tạm giữ 297 xe ô tô, 3.956 mô tô, xe máy và 142 xe máy điện. Các đơn vị, địa phương có số lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ nhiều là TP. Vinh, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, TX. Hoàng Mai…
Quy định hợp lý, lợi cả “đôi đường”
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho người dân đến giải quyết, song tình trạng tồn đọng phương tiện giao thông vi phạm vẫn tiếp diễn. Trước tình hình đó, ngày 5/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều so với Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ, theo đó đã có những điều chỉnh nhằm tăng tính ràng buộc đối với chủ sở hữu, đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh, đúng quy định.
Theo quy định mới tại Điều 14 của Nghị định số 31/2020/NĐ - CP, đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đủ điều kiện quy định sau đây thì sẽ được quyền tự giữ, bảo quản xe: Cá nhân có nơi đăng ký thường trú, tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác; tổ chức có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng; cá nhân, tổ chức có khả năng tài chính để đặt tiền bảo lãnh xe.
Đặc biệt, khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm bảo quản, cơ quan chức năng sẽ tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký phương tiện để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Người vi phạm tuyệt đối không được sử dụng phương tiện vi phạm tham gia giao thông trong thời gian được giao bảo quản; không được tự ý thay đổi nơi giữ.
Hầu hết người dân đều cho rằng, việc cho phép bảo lãnh để người dân tự bảo quản phương tiện vi phạm giao thông là hợp lý. Bà Trần Thị Hiền ở phường Lê Lợi (TP. Vinh) cho hay, dù số tiền bảo lãnh là "kịch khung" so với mức phạt nhưng tôi vẫn sẵn sàng nộp để được mang xe về nhà cất chờ ngày xử lý, còn hơn là bị đưa vào bãi tạm giữ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục bảo lãnh xe vi phạm khá mất công đi lại; thời gian thụ lý đơn mất 2 ngày, trong khi thời gian tạm giữ xe chỉ 7 ngày. Chưa kể hiện nay mức phạt cao, nhiều người còn không muốn lấy lại xe...
Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, việc cho người dân nộp tiền bảo lãnh, tự mang xe về bảo quản có 2 lợi ích. Về phía người dân sẽ cảm thấy yên tâm tuyệt đối về tài sản của mình. Đồng thời giúp giảm tải cho các điểm tạm giữ xe vi phạm, giảm bớt áp lực cho lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, việc nộp tiền bảo lãnh để không bị tạm giữ xe cũng sẽ góp phần đẩy lùi tiêu cực trong công tác xử lý vi phạm giao thông.