(Baonghean) - các phòng thí nghiệm trong các trường học trên địa bàn tỉnh hàng ngày thải ra môi trường một lượng hóa chất không nhỏ. Quản lý các loại chất thải này như thế nào để bảo vệ môi trường đang là bài toán khó giải.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 503 trường THPT, THCS. Những năm qua, trước yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo và thực hiện chương trình giáo dục trung học mới, nhu cầu, thời lượng sử dụng các giờ thực hành, thí nghiệm trong các bộ môn hóa học, sinh học, vật lý... tăng lên, đồng nghĩa với lượng hóa chất được sử dụng cũng tăng lên đáng kể. Điều đáng nói ở đây là những hóa chất độc hại như axít, bazơ, benzene... và các chất khí phát sinh trong quá trình thực hành thí nghiệm gồm NO2, SO2, Clo, Amoniac, NH3...; trong khi đó việc xử lý các chất thải từ các phòng thí nghiệm chỉ bằng phương pháp thủ công. Qua tìm hiểu thực tế ở một số trường học cho thấy, ngoài chất thải phát sinh hàng ngày trong quá trình thực hành, thí nghiệm, hiện tại các trường vẫn đang tồn một lượng hóa chất hết hạn sử dụng, mất nhãn từ nhiều năm.

Các chất thải phát sinh trong quá trình cọ rửa các dụng cụ thí nghiệm từ các phòng thí nghiệm ở các trường được dẫn về bể chứa xây trong khuôn viên nhà trường và không được xử lý. Thầy giáo Hoàng Minh Lương – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập, thừa nhận: “Hiện nay, nước thải từ việc cọ rửa các chai lọ hàng ngày từ các thau rửa dụng cụ thí nghiệm đi vào hệ thống ống dẫn về bể chứa được xây bằng gạch, có nắp đậy và thẩm thấu xuống đất”. Khả quan hơn Trường THPT Hà Huy Tập, bể chứa nước thải của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu được xây kín 4 bề mặt, kể cả phía dưới mặt đất. Thầy giáo Đậu Văn Mùi – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hệ thống các phòng thí nghiệm của nhà trường được xây dựng từ năm 2005 gắn với các phòng học. Khi bàn giao công trình, nhà trường cũng chỉ nghiệm thu về thiết kế xây dựng công trình chứ không nghiệm thu tiêu chuẩn của hệ thống xử lý chất thải. Các hóa chất thải ra chưa có biện pháp xử lý mà chỉ đưa về tập trung trong bể chứa để làm mất màu, mất mùi và giảm nồng độ theo thời gian; và từ đó đến nay bể chứa này không được kiểm tra, không hút, xả gì. 

Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh giám sát việc sử dụng thiết bị thực hành, thí nghiệm tại Trường THCS Hà Huy Tập.
HĐND tỉnh giám sát việc sử dụng thiết bị thực hành, thí nghiệm tại Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh).

Hiện tại khí thải độc hại trong quá trình thực hành, thí nghiệm đang được các trường học xử lý bằng phương pháp thủ công. Ông Tô Bá Long - Chuyên viên Phòng Giáo dục THPT, Sở Giáo dục - Đào tạo, cho rằng: “Để xử lý chất khí, Sở Giáo dục - Đào tạo đã phát động các nhà trường tự làm đồ dùng dạy học và xử lý thủ công. Mặc dù trong quá trình đó đã có những mô hình xử lý khí thải được đánh giá cao nhưng vẫn chưa đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Phương pháp mà các trường thường dùng hiện nay là lấy bông tẩm kiềm để trên các ống nghiệm nhằm hấp thụ các khí thải NO2, SO2, Clo, NH3... Riêng về phần nước thải, sở hướng dẫn các trường học xây dựng bể chứa 3 ngăn hoặc hầm tự hoại và xử lý bằng vôi trước khi thải ra môi trường”. 

Bên cạnh nước và khí thải phát sinh hàng ngày trong quá trình thí nghiệm, thực hành, trong các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh đang tồn lưu một lượng hóa chất lớn. Hiện tại các trường tự mua hóa chất để thực hành trên cơ sở nhu cầu thực của từng trường, nhưng do việc cung ứng các hóa chất từ các đơn vị thiết bị trường học thường là cung ứng theo từng bộ hóa chất, từng khối lớp nên dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Phần lớn các hóa chất này đã hết hạn sử dụng, hoặc mất nhãn mà chưa có cách nào xử lý, buộc các trường phải đóng thành các ô để chứa ngay trong các phòng thí nghiệm, thực hành, nguy cơ mất an toàn và cháy nổ rất cao.

Về vấn đề này, ông Tô Bá Long khẳng định: Sở đã biết rõ việc này, nhưng chưa biết “ứng xử” với nó như thế nào. Năm 2009, Sở Giáo dục - Đào tạo đã có công văn gửi các ngành Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường xin ý kiến về phương án xử lý số hóa chất tồn đọng và cách thức xử lý nước thải của các phòng thí nghiệm, thực hành. Các ngành cũng chỉ mới dừng lại ở việc giới thiệu cho một số đơn vị thực hiện xử lý các hóa chất tại Hà Nội. Về phía Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng chưa đưa ra một quy trình quy chuẩn nào trong việc xử lý chất thải hóa học tại các trường học. Mặt khác việc xử lý hóa chất đòi hỏi quy trình kỹ thuật rất chặt chẽ và kinh phí rất lớn. Riêng việc xử lý các hóa chất tồn dư tại các trường học, hiện tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang giao cho Công ty CP Đầu tư và Xuất bản giáo dục làm hồ sơ thủ tục khảo sát, thống kê lượng hóa chất dư thừa trong các phòng thí nghiệm của các trường học trên địa bàn tỉnh và sắp tới sẽ tiến hành thu gom, xử lý tập trung.

Tại Điểm 9, phụ lục II, Nghị định 12/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định tất cả các dự án xây dựng phòng thí nghiệm có phát sinh chất thải nguy hại từ hoạt động thí nghiệm đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vì vậy, theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, các trường học cần phải tiến hành lập đề án bảo vệ môi trường theo Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT ngày 16/3/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

Đồng thời áp dụng xây dựng phòng thí nghiệm theo TCVN ISO/IEC 17025:2007 về yêu cầu chung năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. Trước mắt, các trường cần phải có báo cáo thông tin về hoạt động thí nghiệm, khối lượng và chủng loại hoá chất thí nghiệm cũng như biện pháp xử lý các chất thải sau thí nghiệm để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, tránh những sự cố xảy ra và tạo ra những điểm “nóng” về môi trường, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và cho chính giáo viên, học sinh trực tiếp thí nghiệm. 

Mai Hoa