Hiệu quả bước đầu

Xử lý “nguội” vi phạm giao thông có thể hiểu là hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cụ thể là thiết bị ghi hình (camera). Thông qua hình ảnh camera, việc trích xuất sẽ đảm bảo đủ 4 yếu tố pháp lý là ghi được không gian, thời gian vi phạm, lỗi vi phạm và biển số đăng ký của phương tiện vi phạm. Trên cơ sở đó, bộ phận đăng ký, quản lý phương tiện sẽ tiến hành xác minh chủ phương tiện; phối hợp với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn gửi thông báo mời người vi phạm đến trụ sở Phòng CSGT để làm việc.

15021013167054905730_2912019.jpgSơ đồ miêu tả phương thức hoạt động của hệ thống giám sát giao thông thông minh được lắp đặt trên QL1.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng hệ thống camera được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 64, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo Trung tá Lê Hồng Sơn - Đội phó xử lý Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh: Xử lý phạt nguội về bản chất là giống bình thường, nhưng ở đây có cung cấp thêm hình ảnh để người vi phạm biết. Hệ thống xử lý này hoạt động 24/24h giúp cho người tham gia giao thông hiểu lúc nào cũng có hệ thống giám sát để nâng cao ý thức chấp hành luật. Bên cạnh đó, còn nâng cao ý thức đối với chủ phương tiện khi cho mượn, sang nhượng phương tiện vì khi xe vi phạm, CSGT sẽ chỉ gọi chính chủ.

Camera giám sát giao thông tại ngã tư Quang Trung- Nguyễn Thái Học. Ảnh: Hải Vương

Hiện đơn vị đã tiến hành xử lý vi phạm qua hình thức ghi hình, “phạt nguội” chủ yếu trên các tuyến giao thông chính trên địa bàn TP. Vinh gồm: Ngã 4 Quang Trung - Nguyễn Thái Học; ngã 4 Lê Mao kéo dài - Trần Phú; ngã 4 chợ Vinh và ngã 4 Đại học Vinh. Đây là những tuyến đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông lớn, luôn là “điểm nóng” tiềm ẩn phức tạp về TNGT.

Với hình thức “phạt nguội”, ngoài giảm mật độ CSGT có mặt trên tuyến, còn cho thấy sự minh bạch, không dễ xảy ra tiêu cực như xin - cho, qua đó có tác dụng nâng cao ý thức đối với chủ phương tiện khi tham gia giao thông. Tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của các chủ phương tiện đã giảm rõ rệt, kể cả trong những trường hợp không có lực lượng chức năng tại khu vực. Theo số liệu thống kê từ thời điểm triển khai, tháng 8/2017 đến nay, tại các điểm có ghi hình “phạt nguội”, số vụ việc vi phạm phải xử lý đã giảm trên 25% so với cùng kỳ trước đó.

Anh Nguyễn Tĩnh Cường (trú tại huyện Quỳ Hợp), người từng phải nộp phạt vì lỗi vượt đèn đỏ do camera ghi lại, cho biết: Cũng chỉ “vì vội” nên tháng trước tôi phải từ Quỳ Hợp xuống phòng CSGT tỉnh để ký nộp phạt. Bởi vậy, hiện nay dù bất kể đi trên tuyến đường nào, có CSGT, có camera hay không, tôi luôn quan sát, làm chủ tốc độ.

Còn nhiều khó khăn

Phải khẳng định một điều, phạt nguội giao thông đã từng bước phát huy hiệu quả trong việc phát hiện các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao ý thức của người dân mỗi khi ra đường. Tuy nhiên hiện nay, qua thực tế triển khai vẫn còn không ít khó khăn. Theo thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh), một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác phạt nguội là xác định người vi phạm hoặc chủ phương tiện do không tìm thấy địa chỉ của chủ xe. Bởi thực trạng hiện nay, tình trạng mua bán phương tiện giao thông cơ giới, chủ phương tiện chỉ làm thủ tục mua bán mà không làm thủ tục sang tên theo quy định hiện hành vẫn còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, việc chủ xe thay đổi chỗ ở, đi vắng dài ngày, khai không đúng địa chỉ... nên khi người vi phạm nhận được thông báo thì thời gian đã quá lâu, khó xử lý phạt hành chính.

Anh Trần Minh - chủ doanh nghiệp cho thuê xe tự lái tại TP. Vinh cho hay: Theo quy định cứng, khách đến thuê xe phải có đầy đủ các giấy tờ cần thiết, đặc biệt là bằng lái xe. Tuy nhiên, cũng đã từng xảy ra trường hợp khách hàng lái xe vi phạm khi đi trên đường và bị ghi hình, tôi là chủ xe nên cũng là người nhận giấy thông báo. Tuy nhiên, trong trường hợp này rất khó để tìm lại khách đã thuê xe để yêu cầu họ chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm của mình, bởi lúc này chúng tôi không còn giữ bất cứ giấy tờ, tài sản nào của khách, hoặc nếu có liên lạc được nhưng họ nói đang bận, đang đi xa thì cũng chịu. Theo anh Minh, mục đích của chế tài là nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, tôi không phải là người vi phạm. Vậy, trong trường hợp này, chế tài này có nhắm đúng đối tượng hay không?.

Người vi phạm làm thủ tục nộp phạt tại phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh). Ảnh: Đặng Cường

Với quy định hiện hành, không ít người tham gia giao thông còn cho rằng, nếu việc vi phạm xảy ra ở địa phương khác, việc chấp hành nộp phạt càng gian nan. Phản ánh điều này, anh Công Hùng (Đà Nẵng) cho hay: Khi nhận được thông báo của Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An gửi qua bưu điện thông báo về lỗi vi phạm, theo quy định sau 7 ngày anh phải có mặt để phối hợp giải quyết. Vì đường xa, thời gian eo hẹp, phần vì bận công việc cuối năm, anh gọi điện để hỏi thủ tục có thể nộp phạt qua ngân hàng hoặc kho bạc thì được trả lời phải ra Nghệ An để phối hợp xử lý, ký vào quyết định xử phạt. “Tôi nghĩ như thế là quá khó. Cần phải có hình thức nào đó thuận lợi hơn cho người dân nộp phạt chứ thế này đúng là muốn chấp hành nghĩa vụ cũng khó”, anh Hùng cho hay.

Trao đổi về các vấn đề trên, Thượng tá Nguyễn Nam Hồng, cho biết: Trước mắt, phòng đã chỉ đạo Đội đăng ký, quản lý phương tiện khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên, di chuyển xe phải tra cứu trên phần mềm “Xử lý vi phạm hành chính” để kiểm tra xe có vi phạm qua hình ảnh trước đó hay không. Nếu có sẽ in thông báo vi phạm và yêu cầu chủ xe, người có liên quan phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm. Sau khi có kết quả xử lý vụ việc vi phạm hành chính thì mới tiếp tục giải quyết cho chủ phương tiện thực hiện việc đăng ký sang tên, di chuyển xe theo quy định.

“Tới đây, toàn tuyến Quốc lộ 1A sẽ được trang bị camera, chúng tôi cũng đã đề xuất đối với cơ quan cấp trên để có những biện pháp như: Yêu cầu các hoạt động giao dịch mua bán của người dân (trước mắt là ô tô) cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc sang tên, đổi chủ theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, có thể lập cho mỗi chủ phương tiện một hộp thư điện tử có đầy đủ thông tin, để tiện cho việc gửi giấy báo vi phạm cũng như nhận phản hồi từ người vi phạm. Như vậy, sẽ nâng cao hiệu quả trong quản lý Nhà nước đối với việc quản lý phương tiện giao thông và công tác xử lý vi phạm, về phía người vi phạm việc thực hiện trách nhiệm nộp phạt cũng thuận lợi hơn”, Thượng tá Nguyễn Nam Hồng cho hay.

Việc tiến hành xử lý vi phạm qua hình thức ghi hình, “phạt nguội” chủ yếu trên các tuyến giao thông chính trên địa bàn TP. Vinh. Từ tháng 8/2017 đến nay, lực lượng CSGT Công an Nghệ An đã gửi thông báo đến nơi cư trú trên 500 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, số tổ chức, cá nhân có phương tiện vi phạm đến phối hợp xử lý chỉ khoảng 200 trường hợp, theo đó số tiền phạt thu được hơn 300 triệu đồng.

.